Vỡ mộng với cái gọi là "đầu tư siêu lợi nhuận"

Thứ Ba, 09/11/2021, 09:32

Trót tin vào những lời hứa hẹn lợi nhuận cao, rủi ro thấp, rút tiền dễ và phí môi giới không đáng bao nhiêu… của những vị “chuyên gia” môi giới “chứng khoán quốc tế”, nhiều nhà đầu tư đã thua lỗ hàng trăm triệu đồng, thậm chí có người “tán gia bại sản” trước khi giấc mơ làm giàu thành hiện thực.

Trắng tay vì tin “chuyên gia đọc lệnh”

Mở quán tạp hóa buôn bán nhỏ tại nhà, chị T.An, 35 tuổi, trú tại tỉnh Trà Vinh có thu nhập vừa đủ để cùng chồng nuôi dạy các con, phụ giúp cha mẹ. Chị chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành một nhà đầu tư “chứng khoán quốc tế”, và càng không tin được rằng, chỉ sau chừng 5 ngày lên sàn, chị có thể mất sạch số tiền gần 700 triệu đồng cả nhà tích cóp nhiều năm và vay mượn của người thân.

Trong thư điện tử gửi Chuyên đề ANTG ghi ngày 29-10, chị An cho biết, hồi đầu tháng 10-2021, chị liên tục nhận được điện thoại của người xưng tên M.Tú, giới thiệu là nhân viên của “sàn chứng khoán quốc tế SM” và mời chị tham gia. Lúc đầu chị nói không quan tâm và từ chối, nhưng nhân viên môi giới vẫn gọi điện, nhắn tin và thêm chị vào một nhóm chat trên mạng xã hội Zalo do người này làm trưởng nhóm, trong đó nhiều thành viên thường xuyên đăng những hình ảnh “chốt lời” giao dịch cổ phiếu quốc tế, ngoại tệ, vàng với lợi nhuận rất “khủng”.

Vỡ mộng với cái gọi là
Nhà đầu tư cần chú ý, bởi lợi nhuận cao sẽ đi cùng rủi ro cao. Ảnh: Internet.

“M.Tú hỏi thăm, năn nỉ, mời gọi tôi, bảo tôi nạp tiền tìm hiểu, sử dụng bonus (phần thưởng thêm) của sàn để đầu tư thì sẽ không có rủi ro nào, nếu không muốn đầu tư nữa thì rút ra cũng không mất gì cả và không tốn bất cứ chi phí nào. Nghe vậy, tôi đã tin…”, chị An kể về lí do bắt đầu trở thành "nhà đầu tư chứng khoán quốc tế” như thế.

Hồi hộp tạo tài khoản trên website do Tú cung cấp, chị An được giới thiệu sàn này “sử dụng đòn bẩy tài chính 1/50, có nghĩa là mua cổ phiếu giá rẻ hơn gấp 50 lần so với giá niêm yết trên thị trường”. “Đây là sự hỗ trợ của sàn để nhà đầu tư mua cổ phiếu với giá rẻ”, Tú nói với chị An. Nạp lần đầu 5.000 USD vào tài khoản, tương đương hơn 110 triệu đồng, chị An được kết nối với nữ “chuyên gia đọc lệnh” tên Huyền giúp chị “đi lệnh” (thao tác mua bán trên sàn). “Mình phải “lướt sóng” một chút để kiếm lời cho tài khoản”, Huyền gợi ý chị An.

Ngày đầu giao dịch theo chuyên gia Huyền, bằng cách “kì diệu” nào đó, chị An kiếm được khoản lãi hơn 6 triệu đồng và có thể rút ngay về tài khoản ngân hàng. Sang ngày thứ hai, chị An tiếp tục lãi hơn 11 triệu, vẫn rút được. “Thấy vậy nên tôi rất tin tưởng”, chị An kể và cho biết, sau ba ngày tham gia giao dịch, chị quyết định nạp thêm 15.000 USD nữa để “hưởng ưu đãi” từ sàn theo hướng dẫn của Huyền.

Chuỗi thời gian đen tối với chị An bắt đầu từ đây. Sau khi nạp số tiền lớn, chị An liên tiếp được chuyên gia Huyền cung cấp rồi thúc giục thực hiện những “lệnh” mua bán mới mà bản thân chị cũng chưa hiểu mình đang giao dịch cụ thể thứ gì. Đến ngày giao dịch tư, chị An được Huyền bất ngờ thông báo mình đang thua lỗ và cần nạp khẩn trương thêm 5.000 USD nữa để “trợ giá cho tài khoản an toàn”, tránh mất trắng. Chị An tin tưởng nạp thêm, nhưng Huyền lại nhắn tin nói chưa đủ. 2 lần nạp bổ sung, mỗi lần 5.000 USD, tài khoản của chị vẫn trong trạng thái âm nặng.

 “Huyền bảo tôi nạp tiếp 30.000 USD và cam kết gỡ, nhưng tôi không còn tin nữa. Tôi hỏi những người từng làm bên công ty chứng khoán thì họ cho rằng sàn này lừa đảo. Lên mạng tìm hiểu, tôi biết có rất nhiều người cũng bị lừa và tình huống xảy ra cũng giống như tôi với số tiền rất lớn”, chị An viết trong thư. “Tôi đã trắng tay. Số tiền mà tôi bị lừa là cả tài sản tôi tích cóp và đi vay nợ, trong tình hình dịch bệnh, gia đình tôi đều không tạo ra thu nhập. Rất khó khăn”.

Chị An cho rằng, nhân viên môi giới đã “gài” chị đặt ảo tại sàn chứ không phải thông qua thị trường quốc tế như họ đã giới thiệu. “Họ chủ yếu đọc lệnh qua điện thoại và nếu có nhắn tin thì vừa nhắn xong là họ xóa ngay”, chị An mô tả mánh khóe của Huyền và Tú. Người phụ nữ cũng tin rằng, sàn giao dịch đã điều chỉnh chỉ số để “chiếm đoạt” số tiền do nhà đầu tư nạp vào bằng cách để họ thua lỗ. Không kí hợp đồng, không cam kết nào bằng văn bản, trụ sở sàn giao dịch ở nước ngoài, những nhân viên môi giới từng “đồng hành” với mình không rõ lai lịch ra sao, chị An dần nhận ra số tiền gần 700 triệu có lẽ sẽ không bao giờ trở lại...

Đánh tráo khái niệm

Như chúng tôi đã nhiều lần thông tin, trường hợp của chị An không hiếm gặp. Mỗi ngày, tòa soạn báo giải đáp hàng chục cuộc điện thoại qua đường dây nóng, tin nhắn qua trang Facebook chính thức và nhiều email, thư tay của độc giả thông báo về việc mình đã trở thành nạn nhân của những sàn đầu tư ngoại hối, chứng khoán quốc tế chưa được phép hoạt động tại Việt Nam. Phần lớn các nạn nhân đều thừa nhận mình bị dụ dỗ bởi một chiêu trò: các môi giới trẻ có avatar rất đẹp “add” Zalo, Facebook làm quen hoặc gọi điện thoại để mời gọi tham gia đầu tư. Những môi giới này chia sẻ câu chuyện thành công của nhiều nhà đầu tư khi bỏ ra vài ngàn USD nhưng đã thắng lớn, mua được nhà, đổi được ô tô.

Nhieu_nha_dau_tu__chay__tai_khoa-1636360409996.png
Nhiều nhà đầu tư cháy tài khoản hàng trăm triệu đồng vì tin vào những nhà môi giới “chứng khoán quốc tế”.

“Mỗi ngày nhân viên môi giới gửi tôi bảng giá chứng khoán quốc tế đã tăng giảm thế nào để chứng minh nếu tôi đầu tư theo, tôi đã lãi lớn rồi. Tôi ham quá và tham gia, “chúng nó” lúc đầu cho tôi lãi chút ít để mình chơi lớn. Đến khi bỏ tiền nhiều vào, tôi lỗ sạch. Chứng khoán quốc tế hẳn hoi đấy!” - anh Lưu, 42 tuổi, trú tại Hà Nội, bức xúc nói và xác nhận mình đã “cháy” tài khoản 300 triệu đồng, khoản tiền anh dự định sẽ dùng để sửa lại nhà dưới quê cho cha mẹ.

Chị Đỗ Hà, làm việc tại quận 2, TP Hồ Chí Minh thì kể lại, mình được một nhân viên môi giới sàn U.G.F tên Dũng liên tục gọi quảng cáo: “Apple là nhà sản xuất iPhone chị ạ, cổ phiếu rất có giá trị, đầu tư không lo lỗ. Chị mở tài khoản 1.500 USD đầu tư, có thể lãi gần 750 USD mỗi ngày”. Dũng sau đó gửi tôi màn hình biến động giá cổ phiếu Apple hôm đầu là gần 145 USD, nhưng sau 5 ngày đã tăng lên 150 USD. “Bên em cho mua cổ phiếu giá rẻ hơn 50 lần (dùng đòn bẩy tài chính 1/50 - PV). Cổ phiếu tăng một USD là chị lãi gần 750 USD. Chị nghe em thì bây giờ tài khoản gần nhân 3 rồi”, môi giới Dũng nói với chị Hà.

Khi chị Hà tỏ ra lo lắng về rủi ro, môi giới Dũng khẳng định: “Đầu tư có rủi ro nhưng chị không phải lo chuyện đó. Chúng em giúp chị. Đi 10 lệnh thì cùng lắm là 2 lệnh lỗ nên 80% là chị có lãi. Chị cứ thử sẽ biết”. “Sau khi tôi nạp thử 500 USD, các môi giới sàn này lại gọi điện bảo tôi đặt lệnh mua những mã giao dịch rất lạ trên sàn. Tôi hỏi là gì họ giải thích liến thoắng và bảo mã này đã được “phím” trước. Tôi không tin nên quyết định rút tiền. Sau nhiều lần thể hiện thái độ cứng rắn, các môi giới mới chịu để tôi rút tiền”, chị Hà nói và đề nghị báo chia sẻ câu chuyện của mình để “mọi người tránh bị lừa”.

Theo chuyên gia kinh tế học Đào Duy Long - một nhà đầu tư tài chính có kinh nghiệm tại Hà Nội, chưa xét đến yếu tố lừa đảo, phần lớn các sàn “chứng khoán quốc tế” được các môi giới chào mời nhà đầu tư thời gian gần đây đều là dạng sàn CFD (Contract For Difference - hợp đồng chênh lệch giá), tức giao dịch dựa trên biến động giá của các loại cổ phiếu, giá tiền tệ, dầu khí hoặc kim loại quý niêm yết trên các sàn giao dịch lớn đặt tại Anh, Pháp, Mỹ.

Vị chuyên gia cho rằng, nhiều nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm đã mắc bẫy của những môi giới thiếu đạo đức. Họ đánh tráo khái niệm đầu tư “chứng khoán quốc tế” và “giao dịch chênh lệch giá cổ phiếu niêm yết trên sàn quốc tế”. “Việc đánh tráo khái niệm này làm cho nhà đầu tư lầm tưởng rằng họ đang đầu tư chứng khoán thực sự trên thị trường chứng khoán. Thực tế không phải như vậy. Họ chỉ đang đặt cược vào việc giá cổ phiếu đó tăng hay giảm. Nếu không nắm rõ cơ chế, cách đầu tư này không khác gì cờ bạc”, ông Long cảnh báo.

Ông Long cho biết thêm, các sàn giao dịch dạng này chia hoa hồng rất cao cho nhân viên môi giới để họ mời gọi nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính gấp nhiều lần so với sàn giao dịch chứng khoán thông thường. Ví dụ, một cổ phiếu công ty X có giá thị trường 100 USD, nhưng khi giao dịch trên sàn “chứng khoán quốc tế” giống chị An, với đòn bẩy tài chính 1/50, thì nhà đầu tư chỉ phải chi 2 USD để đặt quyền mua một cổ phiếu X trên sàn.

Vỡ mộng với cái gọi là
Các “chuyên gia môi giới” thường xuyên đăng tải hình ảnh lãi khủng để mời chào nhà đầu tư.

“Nhà đầu tư phải nhớ rằng, đòn bẩy lớn sẽ mang đến rủi ro rất lớn. Nếu cổ phiếu X tăng 1% lên 101 USD, anh có thể lãi gần 1 USD cho mỗi 2 USD bỏ ra. Nhưng khi giá cổ phiếu đó giảm đâu đó 2% là nhà đầu tư lập tức mất sạch”, ông Long nói. “Giá cả trên thị trường biến động từng giây, một cổ phiếu giá 100 USD thì biên độ lên xuống một phiên giao dịch khoảng 3 USD là rất bình thường. Mọi người phải hiểu đúng bản chất khi tham gia, đầu tư sẽ có lúc lời lúc lỗ, nhưng cần cảnh giác khi môi giới tô vẽ lợi nhuận quá nhiều mà “im ỉm” về nguy cơ”.

Trong khi đó, bà Vân Anh, một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại TP HCM, khẳng định: “Theo kinh nghiệm đầu tư của tôi, hiện tại, chỉ có Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM và Sở Giao dịch chứng khoán TP Hà Nội được phép tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán tại Việt Nam. Các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế vẫn chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam và cũng không có trụ sở nào đặt tại Việt Nam. Các sàn chào mời nhà đầu tư thường khoe ra những giấy phép được cấp ở nước ngoài, nhưng tính xác thực rất khó xác minh. Vì vậy khi tham gia đầu tư, bản thân các cá nhân phải hiểu rằng sẽ gặp rủi ro rất lớn mà không được ai bảo vệ. Thậm chí khi có dấu hiệu lừa đảo thì cũng khó tố cáo vì không có bằng chứng”.

Được biết, trong số các nhà đầu tư - nạn nhân, không ít người đã dùng hết số tiền tiết kiệm, cầm tiền ủy thác của bạn bè, người thân. Có người làm kinh doanh, nhưng cũng có người là giáo viên nghỉ hưu, là công nhân hoặc lao động thất nghiệp. Việc thiệt hại số tiền quá lớn có thể khiến họ ngập trong vòng xoáy nợ nần, buộc phải tìm đến “tín dụng đen” hoặc những con đường cực đoan khác.

Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an và các cơ quan chức năng, hàng loạt sàn giao dịch tiền kỹ thuật số, sàn ngoại hối, đầu tư chứng khoán quốc tế trái phép, có dấu hiệu lừa đảo đã bị đánh sập hoặc “tự sập”, làm lộ ra các khoản thua lỗ hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng của những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm. Đầu tư là hoạt động chính đáng, nhưng các nhà đầu tư cần tìm hiểu kĩ loại hình giao dịch mà mình dự định tham gia, sau đó tham vấn ý kiến của chuyên gia trước khi “đưa chân”, tránh bị những lời hứa hẹn sáo rỗng làm mờ mắt và rồi “vỡ mộng” trên con đường đi tìm kênh đầu tư siêu lợi nhuận.

Thái Hà
.
.
.