Pervez Musharraf, người gây tranh cãi trên chính trường Pakistan

Thứ Sáu, 10/02/2023, 12:34

Ngày 5/2, Pervez Musharraf, cựu Tổng thống Pakistan đã qua đời tại Dubai ở tuổi 79. Lên tới đỉnh cao quyền lực khi trở thành tổng thống sau một vụ đảo chính không đổ máu, Musharraf từng ghi điểm với dân chúng khi đưa kinh tế Pakistan phát triển nhưng cuối đời lại phải sống lưu vong. Cuộc đời Musharraf là một chuỗi những câu chuyện gây tranh cãi giữa công và tội… 

Đất nước của những nghịch lý

Thời kỳ ông Musharraf làm tổng thống đã phơi bày nhiều nghịch lý của đất nước Pakistan. Các quan chức Mỹ ngày càng thất vọng khi tin rằng ông lảng tránh việc tiêu diệt các nhóm khủng bố cũng như phá hủy các căn cứ và trại huấn luyện của họ đặt tại các khu vực bộ lạc của Pakistan. Vào lúc lực lượng SEAL của Hải quân Mỹ sau rất nhiều nỗ lực, cuối cùng cũng đã xác định được vị trí và tiêu diệt được Bin Laden vào năm 2011, thủ lĩnh al-Qaeda đang ẩn náu trong một ngôi nhà an toàn ở Abbottabad, cách Học viện quân sự cao cấp của Pakistan chỉ vài trăm mét. Các quan chức Mỹ tin rằng Bin Laden đã sống ở đó hơn 5 năm dưới sự bảo vệ của một số bộ phận của cộng đồng tình báo Pakistan.

h1.jpg -0
Pervez Musharraf tuyên bố từ chức tổng thống Pakistan năm 2008

Những nghi ngại đầy mơ hồ như vậy đã làm vẩn đục mối quan hệ của ông Musharraf với các quan chức Mỹ. Nhưng về cơ bản Musharraf vẫn là một người thân Mỹ và có vẻ được yêu thích hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Pakistan nào khác nên chính quyền Bush đã luôn ủng hộ ông ấy. Trong thời gian Musharraf cầm quyền, hàng năm Mỹ đã cung cấp cho Pakistan khoản viện trợ trị giá hơn 1 tỷ USD. Hầu hết đó là viện trợ quân sự.

Tuy nhiên, bất cứ khi nào ông Musharraf có ý định thực hiện một nỗ lực nửa vời để trấn áp các chiến binh Taliban và al-Qaeda thì những người cấp tiến và những người theo trào lưu chính thống trong nước, (thường do các lãnh đạo tôn giáo chỉ đạo), lại tổ chức các cuộc biểu tình rầm rộ. Họ tố cáo ông là tay sai của chính quyền Bush, kẻ thù của ông thậm chí đã đặt biệt danh cho ông là “Busharraf”. Xung đột lên đến đỉnh điểm vào tháng 7/2007, khi ông Musharraf ra lệnh cho quân đội tấn công những người Hồi giáo đang đóng căn cứ tại Nhà thờ Hồi giáo Đỏ ở thủ đô Islamabad. Đã có khoảng 100 người chết và cả ngàn người bị thương.

Nhưng sự thù hằn giữa Musharraf và phe đối lập không chỉ là vấn đề chính trị mà còn là vấn đề nhân cách cá nhân. Ông Musharraf bị phê phán vì mải mê chạy theo lối sống phương Tây. Là một vận động viên đam mê thể thao: yêu thích quần vợt, cầu lông, đánh golf và chèo thuyền, ông nổi tiếng là một con người nhanh nhẹn hoạt bát. Musharraf thỉnh thoảng lại chụp ảnh chung với hai con chó Bắc Kinh của mình, phớt lờ những lời răn dạy của đạo Hồi rằng chó là loài ô uế và không được phép nuôi làm thú cưng.

Pervez Musharraf, người gây tranh cãi trên chính trường Pakistan -0
Ông Musharraf đọc diễn văn trên truyền hình, tuyên bố ủng hộ Mỹ để chống lại Al-Qaeda

Ông Musharraf cũng bị các phe phê phán kịch liệt về cách xử lý của ông đối với Abdul Qadeer Khan, nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Pakistan, người được nhiều người dân Pakistan coi là anh hùng dân tộc vì đã có công lớn trong việc tạo dựng năng lực hạt nhân của Pakistan ở mức tương đương với Ấn Độ. Năm 2004, một vụ bê bối lớn đã nổ ra: Tiến sĩ Khan thừa nhận rằng ông đã điều hành một mạng lưới kinh doanh béo bở và bất hợp pháp để chuyển giao công nghệ hạt nhân cho Triều Tiên, Iran và các nơi khác.

Bị Washington hối thúc phải có hành động cứng rắn, ông Musharraf đã quản thúc Tiến sĩ Khan tại gia. Nhưng sau đó, ông đã tha thứ cho Khan, điều mà mà các chính trị gia đối lập gọi là một thỏa hiệp đáng hổ thẹn.

Nổi lên từ một cuộc đảo chính

Vào những năm 1990, khi đang là Tổng tham mưu trưởng quân đội, Musharraf thực sự thấy ác cảm với hai chính trị gia hàng đầu đang thay nhau thống trị Pakistan là Benazir Bhutto và Nawaz Sharif. Ngày 12/10/1999, tướng Musharraf đã bất ngờ tổ chức một cuộc đảo chính nhằm chống lại cái guồng máy chính trị mà hai chính trị gia này đại diện.

Pervez Musharraf, người gây tranh cãi trên chính trường Pakistan -0
Người dân Pakistan vui mừng trước tin ông Musharraf từ chức vào năm 2008

Ngày hôm đó, Musharraf đang ở Sri Lanka để tham dự một loạt cuộc họp quân sự xen kẽ với một số buổi chơi golf. Và ở đó ông được biết rằng Thủ tướng Sharif, người đã bổ nhiệm ông vào vị trí lãnh đạo quân đội giờ đây đã đổi ý và chuẩn bị ra sắc lệnh bãi chức ông. Musharraf quyết định bay ngay về nhà để đối đầu với ông Sharif, nhưng khi máy bay của ông đến gần sân bay Karachi, các kiểm soát viên đã thông báo qua radio rằng họ được lệnh không cho phép ông hạ cánh.

Ông Musharraf vẫn ra lệnh hạ cánh. Trong lúc máy bay chuẩn bị hạ cánh, các sĩ quan nổi dậy khác đã chiếm giữ đài truyền hình nhà nước và dinh thự của tổng thống. Bước ra khỏi máy bay, ông Musharraf nhận ra rằng mình giờ đã là người lãnh đạo đất nước.

Ngay sau đó, ông tổ chức một phiên tòa, kết tội ông Sharif tham ô, bắt cóc, cố ý giết người và phản quốc, và kết án tù chung thân ông này. Một năm sau, đáp lại lời thỉnh cầu của hoàng gia Saudi, Musharraf đã ân xá cho ông Sharif và cho phép ông này rời khỏi đất nước.

Sau cuộc đảo chính của ông Musharraf, một số thay đổi có thể nhận ra ngay lập tức, đó là tội phạm giảm mạnh; không còn việc cảnh sát chặn xe ô tô đòi hối lộ. Ngay cả các luồng taxi ra vào sân bay cũng đã trở nên trật tự hơn. Việc ông Musharraf áp dụng các chính sách kinh tế tự do đã gây ấn tượng mạnh với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và kinh tế Pakistan đã tăng trưởng đáng kể.

Quân đội vẫn là nền tảng cho sức mạnh của Musharraf. Các nhà quan sát chính trị Pakistan lúc đó đều nhất trí rằng một khi Musharraf có thể duy trì được hòa bình và ổn định xã hội cũng như có thể mang về nước một lượng viện trợ quân sự khổng lồ từ Hoa Kỳ, quân đội sẽ luôn ủng hộ ông.

Những lựa chọn khó khăn của Musharraf

Trong khu vực, từ trước đó Pakistan vẫn là nhà tài trợ chính cho phong trào Taliban, lực lượng lên nắm quyền ở Afghanistan vào năm 1996, và ông Musharraf sau khi lên nắm quyền lãnh đạo vẫn tiếp tục duy trì chính sách này. Tháng 1/ 2000, Tổng thống Bill Clinton cảnh báo rằng Pakistan có nguy cơ bị đưa vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố của Mỹ.

Năm 2001, khi người Mỹ chuẩn bị đưa quân vào Afghanistan, ông Musharraf đã cố gắng dàn xếp một giải pháp hòa bình. Nhưng khi những nỗ lực này thất bại, ông đã quay về phía Mỹ và cam kết ủng hộ chiến dịch của nước này nhằm lật đổ Taliban khỏi vị trí quyền lực.

Pervez Musharraf, người gây tranh cãi trên chính trường Pakistan -0
Một cuộc biểu tình vào năm 2004 để bày tỏ sự ủng hộ đối với Abdul Qadeer Khan, cha đẻ của bom hạt nhân ở Pakistan, người bị cáo buộc đã bán bí mật hạt nhân cho Triều Tiên, Iran và nhiều nơi khác

Ngày 12/1/2002, ông Musharraf có bài phát biểu trên truyền hình, trong đó ông đưa ra một tầm nhìn vĩ đại cho Pakistan. Ông nói rằng đó phải là một "nhà nước Hồi giáo sôi động", trong đó tôn giáo sẽ hướng dẫn đạo đức cho các cá nhân chứ không phải định hướng các chính sách công. Lực lượng Hồi giáo cực đoan đã nhanh chóng phản ứng. Chưa đầy hai tuần sau bài phát biểu, họ đã bắt cóc Daniel Pearl, phóng viên tờ Wall Street Journal, sau đó chặt đầu người này. Tiếp ngay sau đó, chúng tấn công khủng bố một nhà thờ công giáo gần Đại sứ quán Mỹ ở Islamabad, giết chết 5 người, trong đó có 2 người Mỹ.

Tháng 8/2002, ông Musharraf tuyên bố đơn phương bổ sung 29 điều khoản vào Hiến pháp Pakistan, bao gồm cả những điều khoản trao cho ông quyền giải tán quốc hội và cách chức thủ tướng. Ông cũng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc có nên trao thêm cho ông nhiệm kỳ tổng thống 5 năm hay không. Musharraf tuyên bố đã giành thắng lợi với 98% phiếu bầu, nhưng những người chỉ trích ông thì cho rằng đó là một kết quả gian lận.

Tìm cách bác bỏ những lời buộc tội rằng ông đã trở thành con rối của các cường quốc phương Tây, Musharraf đã từ chối cho phép quân đội Hoa Kỳ hoạt động trong các khu vực của Pakistan giáp với Afghanistan. Năm 2006, Musharraf đạt được thỏa thuận với các thủ lĩnh bộ lạc ở vùng Waziristan hỗn loạn, nơi Taliban và các nhóm chiến binh khác hiện diện mạnh mẽ. Ông đồng ý sẽ không gửi quân đội đến đó nếu các bộ lạc này khẳng định tự duy trì được an ninh trong khu vực. Những người phê phán ông thì cho rằng thỏa thuận này đã biến Waziristan thành một "nhà nước trong một nhà nước" nơi những kẻ khủng bố có thể hoạt động tự do. Tuy nhiên, các báo cáo mật đã hé lộ cho thấy rằng ông Musharraf đã bí mật yêu cầu các lực lượng biệt kích của Mỹ và Anh tiến hành các cuộc đột kích nhằm bắt giữ các chiến binh Taliban hoặc al-Qaeda đang hiện diện ở vùng này.

Tháng 3/2007, Musharraf yêu cầu Chánh án Tòa án Tối cao Iftikhar Muhammad Chaudry từ chức, với cáo buộc rằng ông này lạm dụng chức vụ. Yêu cầu này của Musharraf đã châm ngòi cho hàng loạt các cuộc biểu tình đầy bạo lực do giới luật sư khởi xướng, những phản ứng dữ dội này là sự bùng nổ của những bất bình bị dồn nén lâu nay.

Những cố gắng trỗi dậy bất thành

Từ khi lên nắm quyền sau cuộc đảo chính không đổ máu vào cuối năm 1999 cho đến khi từ chức và lưu vong để tránh nguy cơ bị luận tội vào năm 2008, ông Musharraf đã mang đến cho thế giới hình ảnh hào hoa của một cựu sĩ quan đặc nhiệm và một đồng minh trung thành của Mỹ, người đã duy trì khá thành công sự ổn định trong khu vực sau những biến động dữ dội liên quan đến sự kiện 11/9 và cuộc tấn công tiếp theo của Mỹ vào Afghanistan.

Tuy nhiên, ngay cả khi phải sống lưu vong, ông Musharraf vẫn tiếp tục coi mình là một vị cứu tinh tiềm năng. Năm 2013, ông trở lại Pakistan với hy vọng giành lại quyền lực với tư cách là một công dân bình thường thông qua các cuộc bỏ phiếu. Nhưng ông đã phải đối mặt với một loạt cáo buộc hình sự cũng như sự thờ ơ của đại đa số người dân Pakistan, trong số đó có cả những người đã từng nhiệt tình ủng hộ ông trước đây.  Một năm sau khi ông về nước, một tòa án đặc biệt đã kết tội ông là phản quốc và tuyên án tử hình ông, tuy nhiên quyết định này sau đó đã bị Tòa án tối cao của Pakistan hủy bỏ.

Dẫu đã bị tuyên bố hủy bỏ, bản cáo trạng này dường như đã cho thấy một sự thay đổi quan trọng trên chính trường Pakistan, nơi trước đây chưa từng có cựu lãnh đạo quân sự nào bị xét xử vì tội lạm dụng quyền lực. Tháng 3/2016, trước khả năng một phiên tòa mới có thể sắp bắt đầu, giữa quân đội, thế lực luôn hùng mạnh ở Pakistan và chính phủ dân sự đã có một thỏa hiệp để giúp cho Musharraf có thể đi khỏi đất nước (với lý do là đi điều trị bệnh ở Dubai). Kể từ thời điểm này, vai trò của Musharraf trong đời sống chính trị của Pakistan được xem là đã hoàn toàn kết thúc.

Dương Thắng (Tổng hợp)
.
.
.