Nhà tư tưởng cực đoan Alexander Dugin là ai?

Thứ Tư, 24/08/2022, 18:48

Tối 20-8, con gái nhà tư tưởng cực đoan người Nga Alexander Dugin bị sát hại trong một vụ nổ bom xe ở ngoại ô Moscow. Giới quan sát cho rằng mục tiêu ám sát là ông Dugin, trong khi giới chức an ninh Nga cáo buộc Ukraine đứng sau vụ việc này.

Nhân vật gây tranh cãi

Với mái tóc dài và bộ râu màu trắng xám, Dugin được cho là một trong những nhà tư tưởng nổi tiếng nhất của Nga. Tuy nhiên, ảnh hưởng thực tế của ông đối với Tổng thống Nga vẫn là một vấn đề bàn luận, tranh cãi.

Nhà tư tưởng cực đoan Alexander Dugin là ai? -0
Darya Dugina - con gái nhà tư tưởng cực đoan Alexander Dugin.

Sinh năm 1962 trong một gia đình quân nhân cấp cao, Dugin đã trải qua những năm đầu đời của mình là một người bất đồng chính kiến chống cộng sản. Ông ta tham gia nhiều tập thể tiên phong lập dị khác nhau nổi lên trong hai thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX và được xem là người có tư tưởng chính trị tân Quốc xã.

Ông được cả nước chú ý vào những năm 1990 với tư cách là cây viết cho tờ báo cực hữu Den. Trong một bài báo “tuyên ngôn” xuất bản năm 1991 trên tờ Den, Dugin lần đầu tiên đưa ra tầm nhìn về một nước Nga chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chống tự do. Dugin cho rằng, đất nước ông sẽ phải đối mặt với một phương Tây chủ nghĩa cá nhân, vật chất.

Trong những năm hỗn loạn sau khi Liên Xô sụp đổ, Dugin đã đồng sáng lập đảng Bolshevik Quốc gia cùng với tiểu thuyết gia Eduard Limonov, hợp nhất các luận điệu và biểu tượng theo chủ nghĩa phát xít và hoài niệm cộng sản.

Thế giới quan của Dugin được thể hiện rõ ràng nhất trong ấn phẩm năm 1997 của ông nhan đề “Nền tảng của địa chính trị” (The Foundations of Geopolitics). Trong cuốn sách, Dugin đưa ra tầm nhìn chia rẽ thế giới, kêu gọi Nga xây dựng lại ảnh hưởng của mình thông qua các cuộc thôn tính và liên minh, tuyên bố phản đối Ukraine là một quốc gia có chủ quyền.

25 năm sau, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lặp lại một số quan điểm của Dugin về Ukraine trong bài xã luận dài 4.000 từ về “Sự thống nhất lịch sử của người Nga và người Ukraine”. 6 tháng sau bài báo này, nước Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Nhiều người có quan điểm cho rằng không thể bảo đảm chắc chắn rằng những tư tưởng chống phương Tây cực đoan của Dugin có thể trở thành xu hướng chủ đạo ở Moscow khi ông Putin lên làm Tổng thống Nga vào năm 2000. Có được lợi thế giá dầu cao, ông Putin khi đó dường như đang giám sát sự hội nhập của đất nước vào hệ thống tư bản toàn cầu trong khi những người Nga bình thường chấp nhận đồ ăn nhanh phương Tây và văn hóa đại chúng.

Những ý tưởng của Dugin được coi là không phù hợp. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục viết và thuyết trình, phát triển hơn nữa khái niệm về chủ nghĩa Á-Âu (Eurasianism), học thuyết chính trị mang hương vị Nga, coi Moscow là trung tâm của một đế chế đối địch với phương Tây.

Bất chấp quan điểm bạo lực của mình, ông Dugin vẫn tiếp tục ra nước ngoài, duy trì mối liên kết chặt chẽ với các nhà tư tưởng của cánh hữu mới ở châu Âu, những người cũng lên án chủ nghĩa tự do, nữ quyền và sự thống trị của Mỹ. Ông cũng thường xuyên được mời tham dự các hội nghị trên khắp thế giới và gần đây nhất là vào năm 2019 tham gia cuộc tranh luận về triết gia người Pháp Bernard-Henri Lévy ở Amsterdam.

Ảnh hưởng thực tế của Dugin là một chủ đề tranh luận lâu nay. Truyền thông và giới quan sát phương Tây mô tả Dugin là một trong những "bộ não tư tưởng" của Điện Kremlin và có ảnh hưởng lớn đến Tổng thống Putin. Ông từng làm cố vấn cho một số chính trị gia Nga. Trong khi đó, Darya Dugina cũng là nhà bình luận chính trị có lập trường cứng rắn với phương Tây và về vấn đề Ukraine. Trong khi đó truyền thông Nga nhận định góc nhìn của ông Dugin không có tác động đáng kể lên chính trị nước này. Một số quan điểm của ông cũng gây tranh cãi trong giới cực hữu. Năm 2014, ông bị Đại học Moscow sa thải vì phát ngôn hiếu chiến trong vấn đề Ukraine.

Những cáo buộc xung quanh vụ ám sát

Ngày 22-8, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đưa ra tuyên bố thủ phạm vụ đánh bom là Vovk Natalya Pavlovna, công dân Ukraine, sinh năm 1979. FSB làm rõ rằng Vovk, cùng với con gái 12 tuổi, đến Nga vào ngày 23-7 và thuê một căn hộ trong ngôi nhà nơi Dugina sống để thu thập thông tin về lối sống của cô. Vào ngày xảy ra án mạng, Vovk và con gái có mặt tại lễ hội âm nhạc và văn học “Truyền thống”, nơi Dugina có mặt với tư cách là khách mời danh dự.

"Các nghi phạm dùng xe Mini Cooper gắn biển số Cộng hòa nhân dân Donetsk khi nhập cảnh, sau đó đổi sang biển số Kazakhstan khi ở Moscow. Sau khi thực hiện tội ác, Vovk gắn biển số Ukraine lên ôtô và đào tẩu qua tuyến đường ở tỉnh Pskov để tới Estonia", FSB cho hay và cho biết thêm tài liệu liên quan đã được chuyển đến Ủy ban Điều tra Liên bang Nga.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng "cần phải thảo luận về chính sách khủng bố cấp nhà nước được Kiev áp dụng" nếu phát hiện Ukraine liên quan tới vụ nổ. Một số nhà bình luận có quan điểm cứng rắn của Nga cũng đổ lỗi cho Ukraine về vụ cài bom xe, cho rằng đây là âm mưu ám sát và yêu cầu Điện Kremlin đáp trả bằng cách nhắm mục tiêu vào các quan chức cấp cao ở Kiev.

Mykhailo Podolyak, cố vấn Tổng thống Volodymyr Zelensky, tuyên bố Kiev không liên quan tới cái chết của Dugina. "Ukraine hoàn toàn không có vai trò gì trong vụ này, vì chúng tôi không phải là một nhà nước khủng bố", Podolyak phát biểu trên truyền hình.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.
.