Pháp có thể trục xuất hơn 200 người mang xu hướng "Hồi giáo cực đoan"

Thứ Hai, 19/10/2020, 17:10
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 19/10 tổ chức một cuộc họp hội đồng quốc phòng sau vụ tấn công tàn bạo nhằm vào một giáo viên lịch sử ở ngoại ô Paris, tuyên bố rằng “các phần tử Hồi giáo sẽ không ngủ yên ở Pháp”.
Ảnh Charles Plateau/Reuters. 

Các quan chức Pháp đã tuyên bố tiến hành trấn áp sâu rộng đối với những người nước ngoài có xu hướng cực đoan, một động thái nhằm đáp trả vụ chặt đầu tàn bạo một giáo viên người Pháp ngày 16/10 mà ông Macron gọi là một “cuộc tấn công khủng bố Hồi giáo”, Fox News đưa tin.

Theo các biện pháp do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Gerald Darmanin đề xuất, 231 người nước ngoài đã bị “gắn cờ” trong Hồ sơ cảnh báo về phòng chống các cuộc tấn công khủng bố (FSPRT) có thể sẽ bị trục xuất khỏi Pháp. Những cái tên trong danh sách bao gồm khoảng 180 người đang bị giam giữ cũng như 51 người khác có thể sớm bị bắt.

Bộ trưởng Darmanin được cho là từng cân nhắc việc trục xuất, dự định đưa ra các thỏa thuận với các quan chức ở Algeria, Tunisia và Morocco để nhận lại các công dân cực đoan đến từ những nước này. Vấn đề quyền tị nạn cũng được Bộ trưởng Nội vụ đưa ra xem xét.

Động thái này được đưa ra khi nghi phạm của vụ chặt đầu hôm 16/10 là một người tị nạn Chechnya 18 tuổi, được xác định là Abdoulakh A. Giáo viên lịch sử Samuel Paty, 47 tuổi, đã bị tấn công và chặt đầu bởi thanh niên 18 tuổi này. Giáo viên này trước đó đã cho học sinh của mình xem một bức tranh biếm họa về nhà tiên tri Hồi giáo trong một buổi học về tự do ngôn luận.

Cảnh sát đã bắt giữ 11 cá nhân liên quan đến vụ tấn công, theo báo cáo của truyền thông Pháp, bao gồm cả 4 thành viên trong gia đình của nghi phạm.

Truyền thông Pháp cho biết thêm, trong số 6 người bị bắt ngày 17/10, có cha của một học sinh tại trường học mà Paty dạy, và một nhà truyền đạo được cho là mang xu hướng “Hồi giáo cực đoan”. Chưa rõ liệu những cá nhân này có phải đối tượng trong kế hoạch trục xuất hay không.

Ngày 18/10 , các nhà lãnh đạo chính trị, hiệp hội và công đoàn đã biểu tình ở Paris và các thành phố lớn khác để kêu gọi ủng hộ tự do ngôn luận và bày tỏ lòng kính trọng đối với Paty, người từng là mục tiêu của các mối đe dọa trực tuyến.

Duy Tiến
.
.
.