Hun Manet - Người kế vị ông Hun Sen?

Thứ Ba, 04/01/2022, 15:12

Dư luận Campuchia đang xôn xao quanh những phát biểu gần đây của Thủ tướng Hun Sen về việc sẽ ủng hộ con trai cả lên làm thủ tướng và sau đó là việc đảng cầm quyền Nhân dân Campuchia (CPP) đã quyết định đề cử ông Hun Manet - con trai cả của Thủ tướng Hun Sen ra tranh cử chức Thủ tướng trong tương lai.

Báo giới ở Campuchia và quốc tế đều nhìn nhận rằng có quá ít thông tin được chia sẻ về những người con của Thủ tướng Hun Sen, trong đó đặc biệt đáng chú là người con trai cả Hun Manet. Một số thông tin tóm lược kiểu “lý lịch trích ngang” cho thấy ông Hun Manet hiện có bằng tiến sĩ, đã được đào tạo tại các trường đại học, học viện danh giá nhất ở Anh, Mỹ. Sinh năm 1977, ông Hun Manet được dư luận Campuchia và quốc tế đánh giá là người có năng lực tốt, được đào tạo bài bản và chất lượng cao hàng đầu trong hàng ngũ chính khách, quân nhân ở Campuchia hiện tại.

Ông Hun Manet sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đất nước Campuchia đầy biến động cả về an ninh lẫn chính trị. Campuchia khi đó đang trải qua những năm tháng tàn khốc nhất với nạn diệt chủng khủng khiếp do Khmer Đỏ gây ra. Một năm sau khi ông ra đời, Campuchia được giải phóng với sự hỗ trợ toàn diện của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hun Manet - Người kế vị ông Hun Sen? -0
Thủ tướng Campuchia Hun Sen cùng con trai - ông Hun Manet tại một buổi lễ của quân đội ở thủ đô Phnom Penh.

Nhiều năm sau giải phóng, Campuchia tiếp tục rơi vào bất ổn do các đảng phái chính trị từ nước ngoài về tranh giành quyền lực, đấu đá lẫn nhau. Năm 1985, ông Hun Sen lên làm Thủ tướng Campuchia và liên tục đối mặt với sự chống đối quyết liệt của các lực lượng đối lập. Cho đến năm 1993, Campuchia tiến hành ký kết thỏa thuận hòa giải dân tộc do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, tình hình mới bắt đầu ổn định. Ông Hun Sen làm đồng Thủ tướng cùng với Hoàng thân Norodom Ranariddh trong 3 năm và bắt đầu từ năm 1998 ông làm thủ tướng cho đến nay.

Điểm sơ lại một giai đoạn lịch sử đầy khó khăn của Campuchia để thấy được thời thơ ấu của Hun Manet, cha ông và đất nước ông đã trải qua những gian lao như thế nào. Đến khi ông Hun Manet trưởng thành thì mọi chuyện đã ổn định, vững chắc. Năm 18 tuổi (1995), chàng thanh niên Hun Manet gia nhập quân ngũ và năm 1999, ông trở thành người Campuchia đầu tiên được đưa đi đào tạo tại học viện quân sự nổi tiếng West Point của Mỹ. Sau đó, ông tiếp tục theo học chuyên ngành kinh tế và lấy bằng thạc sĩ tại Đại học New York năm 2002, lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Bristol, Anh.

Sĩ quan Hun Manet được phong hàm thiếu tướng vào năm 2011, 2 năm sau được thăng hàm trung tướng và đến năm 2018 được phong đại tướng. Ông hiện nắm giữ chức Tư lệnh Lục quân Hoàng gia Campuchia.

Giới phân tích cho rằng, với nền tảng đào tạo nâng cao về quân sự, kinh tế ở phương Tây, ông Hun Manet có thể đảm đương trọng trách chèo lái Campuchia trong “vùng biển” đầy sóng gió địa chính trị, đặc biệt là giữa hai áp lực cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Làm sao để giữ vững được thế cân bằng giữa hai “ông lớn” này là điều luôn rất khó khăn.

Giới phân tích Campuchia cũng có cái nhìn khá thiện cảm với ứng cử viên Hun Manet. Ngoài việc nắm giữ các chức vụ cao trong quân đội và trong đảng, ông Hun Manet còn là một nhà hoạt động xã hội năng nổ. Ông cùng với vợ mình đứng ra thành lập và điều hành tổ chức phi chính phủ Hiệp hội Bác sĩ trẻ tình nguyện Samdech Techo; thường xuyên ra nước ngoài vận động kiều bào và nhiều tổ chức, cá nhân khác ủng hộ đất nước Campuchia. Ông có mối quan hệ tốt với láng giềng Thái Lan sau khi tham gia giải quyết thành công tranh chấp biên giới giữa hai nước vào năm 2011. Trong nước, ông giành được nhiều thiện cảm của công chúng Campuchia, được đánh giá là người mềm mỏng, dễ gần.

Gia đình Thủ tướng Hun Sen có tất cả 6 người con, trong đó 3 người là con trai. Ngoài con trai lớn nhất Hun Manet, ông Hun Sen còn 2 người con trai kế tiếp là Hun Manit và Hun Many. Những người con trai của ông Hun Sen đều được đào tạo trong các nền giáo dục tiên tiến ở phương Tây và hiện đều đang nắm những vị trí quyền lực ở Campuchia.

Sau Hun Manet, Hun Manith cũng là một tướng quân đội, đeo hàm thiếu tướng và hiện đang nắm giữ chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo quân đội Hoàng gia Campuchia. Năm nay 40 tuổi, Manith tuy nền tảng đào tạo không sánh bằng người anh cả nhưng cũng là một vị tướng trẻ tuổi, có tài năng và quyền lực khá mạnh. Ông được xem là người hướng nội hơn anh cả và được dư luận đánh giá là người có “quyền lực mềm” mạnh hơn.

Người em út là Hun Many, năm nay 39 tuổi, là nghị sĩ trẻ tuổi nhất trong Quốc hội Campuchia, trúng cử vào quốc hội khi mới 30 tuổi. Hun Many hiện lãnh đạo Đoàn Thanh niên Trung ương đảng CPP. Cũng được đào tạo ở nước ngoài như hai anh, Hun Many có thiên hướng đối ngoại mạnh mẽ hơn cả hai anh. Ông cũng thường xuyên lên tiếng đối với các vấn đề chính trị trong nước, đặc biệt là phê phán mạnh mẽ lực lượng chính trị đối lập.

Ông Hun Sen năm nay 69 tuổi, nắm quyền lãnh đạo Campuchia đến nay đã 36 năm. Người ta chưa biết khi nào thì ông Hun Sen sẽ thoái vị, lui về an dưỡng tuổi già để Manet được lên thay. Trong tuyên bố gần đây của mình, ông Hun Sen cho biết hiện tại ở Campuchia không ai có đủ năng lực để thay ông lãnh đạo đất nước. Vì vậy, ông sẽ tiếp tục ra ứng cử chức thủ tướng trong cuộc bầu cử sắp tới, dự kiến vào năm 2023. Có thể ông Hun Sen vẫn đang muốn con trai mình rèn luyện thêm một thời gian nữa mới yên tâm trao lại chiếc ghế quyền lực lãnh đạo đất nước Campuchia, vốn đã trải qua biết bao thăng trầm kể từ khi Manet được sinh ra cho đến nay. Trong lần đến dự lễ khánh thành sân bay Phnom Penh ở tỉnh Kandal vào tháng 6-2020, ông Hun Sen đã bày tỏ sự ủng hộ con trai kế vị mình nhưng cho rằng vẫn chưa cảm thấy an tâm với năng lực lãnh đạo hiện tại của con trai. “Nếu được 80-90% năng lực của tôi là tốt rồi”, ông Hun Sen nói.

An Châu (Tổng hợp)
.
.
.