Công đảng “đặt cược” vào tăng thuế và vay nợ để thúc đẩy kinh tế Anh

Thứ Tư, 06/11/2024, 12:20

Chính phủ Công đảng Anh đã trình bày kế hoạch đưa nước này thoát khỏi tình trạng tăng trưởng trì trệ nhiều năm bằng cách tăng thuế và mở rộng quy mô của đầu tư công.

Một quyết định không dễ dàng

Trình bày kế hoạch ngân sách tại Quốc hội giữa tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves cho biết Chính phủ Anh sẽ tăng thuế thêm 40 tỷ bảng (khoảng 51,9 tỷ USD), một trong những mức tăng thuế lớn nhất trong một thế hệ và vay hàng tỷ bảng trong những năm tới để đầu tư công.

chinh phu cong dang anh tang thue - anh 1.jpg -0
Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves đã trình bày bản ngân sách đầu tiên của bà lên Quốc hội Anh. Ảnh: New York Times.

Theo bà Reeves, đợt tăng thuế này được hiệu chỉnh để chủ yếu đánh vào các doanh nghiệp và người giàu. Sẽ có một khoản thuế bổ sung đối với thuế tiền lương do các doanh nghiệp trả (tăng mức đóng góp vào bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động) để huy động 25 tỷ bảng một năm và một khoản thuế tăng đối với thu nhập từ đầu tư vốn, tức là lợi nhuận thu được từ việc bán cổ phiếu. Những khoản tăng khác bao gồm thuế thừa kế, thuế khi mua nhà thứ hai và thuế với hành khách đi lại bằng máy bay tư nhân, trong khi thuế VAT sẽ được thêm vào học phí trường tư từ tháng 1/2025.

Cùng với tăng thuế, chính phủ Công đảng đang đặt cược rằng một khoản tiền nhà nước “bơm” vào có thể chấm dứt một thập kỷ tăng trưởng thấp bằng cách thúc đẩy đầu tư trong khi các khoản thuế bổ sung được sử dụng để “vá” các dịch vụ công của Anh. “Cách duy nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là đầu tư, đầu tư, đầu tư”, Bộ trưởng Reeves nói, đồng thời cam kết tăng đầu tư thêm 100 tỷ bảng (khoảng 130 tỷ USD) trong 5 năm tới.

Đây là ngân sách đầu tiên do Công đảng trình bày sau 14 năm không nắm quyền. Đây cũng là cơ hội đầu tiên để đất nước thấy đảng này thực sự sẽ thực hiện lời hứa “thay đổi” như thế nào. Sau khi nhậm chức vào tháng 7, Thủ tướng Keir Starmer đã lập luận rằng đến lúc phải thực tế về quy mô nguồn lực cần thiết để duy trì nhà nước phúc lợi của Anh khi nước này quản lý dân số già hóa và nhu cầu ngày càng tăng về chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe, quốc phòng.

Chính phủ đảng Bảo thủ trước đây đã đưa ra các khoản cắt giảm lớn với dịch vụ công trong những năm tới để cân bằng sổ sách. Nhưng, thay vì thực hiện toàn bộ các biện pháp cắt giảm đó, chính phủ Công đảng quyết định tăng thuế để có đủ số tiền lấp đầy "hố đen" của các cam kết chi tiêu chưa được tài trợ của đảng Bảo thủ, giúp chuyển thêm nguồn lực vào các dịch vụ công.

chinh phu cong dang anh tang thue - anh 2.jpg -1
Chính phủ của Thủ tướng Anh Keir Starmer đang đặt cược rằng việc bơm tiền của nhà nước có thể chấm dứt một thập kỷ tăng trưởng thấp. Ảnh: Independent.

Trong nhiều tháng qua, bà Reeves đã cảnh báo rằng ngân sách mới sẽ bao gồm những lựa chọn “khó khăn”, ám chỉ rằng người Anh sẽ phải chịu đau đớn ngay bây giờ để có được phần thưởng lớn hơn sau này. Các quan chức chính phủ cho biết những lựa chọn này sẽ giúp đạt được mục tiêu đưa Anh trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong Nhóm G7.

“Bất kỳ bộ trưởng tài chính có trách nhiệm nào cũng cần phải đưa ra những quyết định khó khăn ngay hôm nay để tăng doanh thu cần thiết để tài trợ cho các dịch vụ công của chúng ta”, bà Reeves nói. “Những lựa chọn mà tôi đưa ra hôm nay là những lựa chọn đúng đắn cho đất nước chúng ta. Điều đó không có nghĩa là những lựa chọn này dễ dàng”.

Những rủi ro tiềm tàng và áp lực phản đối

Kế hoạch này không phải là không có nhược điểm và rủi ro. Việc phần lớn trong số tiền tăng thuế đến từ tăng đóng góp bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động có nguy cơ ảnh hưởng đến tiền lương của những người được trả lương thấp nếu người sử dụng lao động đối phó thông qua mức lương thấp hơn. Các nhóm doanh nghiệp vì thế đã cảnh báo rằng mức thuế cao hơn, chủ yếu đổ lên vai người sử dụng lao động, có thể cản trở việc tuyển dụng và đầu tư.

chinh phu cong dang anh tang thue - anh 3.jpg -2
Lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Ed Davey không đồng tình với kế hoạch ngân sách của bà Reeves. Ảnh: Independent.

Các nhà kinh tế cũng không kỳ vọng tác động lớn đến tăng trưởng trừ khi đầu tư của khu vực tư nhân cũng tăng. Một cơ quan giám sát ngân sách độc lập, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách, dự báo nền kinh tế Anh sẽ tăng trưởng 1,1% vào năm 2024 và 2% vào năm 2025. Tăng trưởng sẽ vẫn dưới 2% cho đến năm 2029, cơ quan này nhận định. Trong khi đó, ông Chris Turner, Giám đốc thị trường toàn cầu tại Tập đoàn ngân hàng ING, cho biết dự báo về tăng trưởng và lạm phát cao hơn cũng khiến các nhà đầu tư giảm kỳ vọng về việc Ngân hàng Trung ương Anh cắt giảm lãi suất.

Chiến lược của Anh đang đi ngược lại xu hướng chung ở châu Âu, nơi các quốc gia thường thắt lưng buộc bụng để chi trả cho nhiều năm chi tiêu lớn sau đại dịch và cuộc khủng hoảng giá năng lượng do xung đột ở Ukraine gây ra. Chính phủ Pháp đã công bố cắt giảm chi tiêu lớn trong ngân sách cho năm tới, trong khi Chính phủ Đức cũng đang cắt giảm chi tiêu mặc dù có khoản nợ nhỏ hơn nhiều so với các nước khác. Chính phủ Mỹ thì lựa chọn phương án vay nợ quy mô lớn mà không tăng thuế. 

Những tiếng nói phản đối đã sớm xuất hiện sau khi Bộ trưởng Tài chính Reeves công bố ngân sách mới. Những người chỉ trích cho rằng người lao động sẽ phải chịu gánh nặng lớn hơn vì bà Reeves sẽ gia hạn lệnh “đóng băng” ngưỡng thuế thu nhập, hiện dự kiến kết thúc vào tháng 4/2028, và khiến mọi người phải trả mức thuế suất cao hơn. Phát biểu với BBC, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Ed Davey phê phán rằng chính phủ đảng Bảo thủ trước đây “chắc chắn đã khiến nền kinh tế của chúng ta tan hoang... nhưng chính phủ mới không thể để gánh nặng giải quyết tình trạng hỗn loạn này đè lên các gia đình và doanh nghiệp nhỏ vốn đã phải chịu đựng do các đợt tăng thuế của đảng Bảo thủ trong quá khứ”.

Việc chính phủ Công đảng mở rộng thuế thừa kế cho các trang trại gia đình cũng đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Các trang trại có giá trị 1 triệu bảng trở lên (ước tính ở Anh có khoảng 70.000 trang trại như vậy) sẽ phải chịu thuế thừa kế 20%. Thuế này được cho rằng sẽ khiến khó khăn của nông dân trở nên trầm trọng hơn. Cựu Chủ tịch Liên minh Nông dân Quốc gia (NFU), bà Minette Batters nói: “Nông dân Anh đã phải vật lộn vì Brexit đã chấm dứt Chính sách Nông nghiệp Chung (CAP) và các chính sách trợ cấp mới của chính phủ không hiệu quả. Nông dân giàu tài sản nhưng lại nghèo tiền mặt. Vì vậy, khoản thuế này sẽ có tác động tiêu cực với họ”.

Bộ trưởng Reeves cũng đang phải đối mặt với khả năng bị Unite, công đoàn và là nhà tài trợ lớn cho Công đảng, thách thức pháp lý khi cho biết họ đang có kế hoạch tiến hành đánh giá tư pháp. Unite đã gửi một lá thư trước khi hành động tới Liz Kendall, Bộ trưởng Bộ Công trình và Lương hưu (DWP), yêu cầu chính phủ hủy bỏ việc xóa bỏ khoản thanh toán nhiên liệu mùa đông và bãi bỏ các quy định được ban hành vào tháng 8/2024.

Lựa chọn dũng cảm và cần thiết

Bất chấp những thách thức, kế hoạch ngân sách của Bộ trưởng Rachel Reeves báo hiệu sự thay đổi đáng hoan nghênh so với quá khứ và nhấn mạnh quy mô của những thách thức mà nước Anh đang phải đối mặt.

chinh phu cong dang anh tang thue - anh 4.jpg -3
Các nhà kinh tế từ lâu đã chỉ ra mức đầu tư công và tư yếu kém là lý do chính khiến nền kinh tế Anh tăng trưởng chậm chạp. Ảnh: Guardian.

Các nhà kinh tế từ lâu đã chỉ ra mức đầu tư công và tư yếu kém là lý do chính khiến Anh tăng trưởng chậm chạp. Phần lớn động lực tăng trưởng kinh tế của nước này trong 16 năm qua được thúc đẩy bằng cách tăng thêm lao động, một phần thông qua nhập cư, thay vì làm cho lao động hiện tại năng suất hơn. Sản lượng bình quân đầu người của Anh chỉ tăng 5,6% trong giai đoạn 2007-2023, quá thấp nếu so với con số 20% ở một quốc gia G7 khác là Mỹ.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), kinh tế Anh chỉ tăng trưởng 2,9% trong 3 tháng tính đến tháng 6 so với trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tụt hậu xa so với mức tăng trưởng 10,7% mà Mỹ ghi nhận trong cùng kỳ. Trong số các nước ngang hàng với Anh trong nhóm G7, chỉ có Đức có sự phục hồi yếu hơn sau đại dịch.

Do đó, kế hoạch ngân sách mà bà Reeves vừa đưa ra là lựa chọn cần thiết. Ngân sách này sẽ cho phép bà phân bổ các nguồn lực thiết yếu cho trường học, bệnh viện và tăng mức đầu tư công để đảm bảo tăng trưởng trong tương lai. Bộ trưởng Reeves đã chọn nới lỏng quy tắc tài chính đối với nợ công để tăng mức đầu tư theo kế hoạch trong 5 năm tới, một điều mà ông Paul Johnson, Giám đốc Viện Nghiên cứu tài chính có trụ sở ở London, gọi là "một động thái dũng cảm và là sự tập trung đáng hoan nghênh vào dài hạn”.

Và, để xoa dịu sự lo lắng của các nhà đầu tư, Bộ trưởng Reeves cũng đã công bố một quy tắc mới: rằng khoản vay sẽ không trang trải các khoản chi tiêu hằng ngày của chính phủ. Bà cho biết khoản vay này sẽ giúp tài trợ cho chính sách công nghiệp dài hạn của Công đảng, mà theo bà sẽ giúp phá vỡ chu kỳ đã gây khó khăn cho các chính phủ ở châu Âu: tăng trưởng chậm khiến các chính phủ thiếu tiền để duy trì các dịch vụ công.

Bên cạnh những lời chỉ trích, cũng có nhiều tiếng nói khen ngợi bà Reeves. Trong bài bình luận mới nhất, tờ Guardian viết: “Việc ngân sách này đan xen với rủi ro không phản ánh năng lực của bà Reeves, nó chỉ phản ánh di sản tồi tệ của đảng Bảo thủ mà bà thừa hưởng. Bỏ qua tiếng kêu than của những kẻ giàu có về thuế thừa kế và thuế thu nhập từ vốn, đây một ngân sách dũng cảm và cho thấy Công đảng hiểu được quy mô thực sự của thách thức kinh tế mà nước Anh phải đối mặt”.

Trong một bài viết khác cũng trên tờ Guardian, Phó Thủ tướng Anh, bà Angela Rayner nhấn mạnh đây là “một ngân sách dành cho người lao động”. “Ngân sách này không chỉ là một tập hợp các chính sách mà còn là một tầm nhìn chính trị táo bạo, phá vỡ quá khứ và bắt đầu một chương mới”, bà Rayner nói. “Đây là một khoảnh khắc định hình kỷ nguyên được thúc đẩy bởi các giá trị của Công đảng”.

Nguyễn Khánh
.
.
.