Châu Âu: Đảng Xanh hồi sinh?

Thứ Tư, 24/10/2018, 16:24
Loạt bầu cử vào trung tuần tháng 10 vừa qua tại một số quốc gia châu Âu (Đức, Bỉ, Hà Lan, Luxemburg) đã chứng kiến sự vượt lên của đảng Xanh, khi họ giành tỉ lệ phiếu bầu khá cao, trở thành đảng mạnh thứ nhì tại một số quốc gia.

4 năm sau thất bại thảm họa tại các kỳ bầu cử Nghị viện châu Âu và địa phương tại các quốc gia thì đây là lần đầu tiên, đảng Xanh ở châu Âu giành được vị thế của một đảng lớn.

Trong các cuộc bầu cử chính quyền địa phương Bỉ, đảng Xanh đã lập nên kỳ tích với hơn 30% phiếu bầu, giúp cho đảng này giành quyền kiểm soát một số quận của Brussels. Còn ở Luxemburg, đảng Xanh nhảy vọt về số ghế nghị sĩ đạt được, tăng 50% so với nhiệm kỳ trước.

Tại Hà Lan, đảng Xanh không chỉ gia tăng số ghế nghị sĩ đạt được từ 4 lên 14 ghế mà còn vươn lên vị trí thứ nhì trong các cuộc thăm dò cử tri gần đây, tăng tỉ lệ ủng hộ từ 9% lên 13%.

Tại Đức, đảng Xanh có sự nhảy vọt ngoạn mục nhất, đạt gấp đôi số ghế đại biểu tại kỳ bầu cử địa phương mới đây ở bang Bavaria, bang quan trọng đối với liên minh cầm quyền của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Đáng chú ý là đảng Xanh đã vượt qua hai đối tác quan trọng của bà Merkel trong liên minh cầm quyền là SPD và CSU để xếp thứ nhì tại đây.

Theo kết quả vừa được công bố, đảng Xanh đã thu hút mạnh số phiếu bầu từ hai đảng này, khiến hai đảng này rơi vào thế khó khăn, phải chật vật giành giật từng lá phiếu với đảng cực hữu dân túy AfD.

Lãnh đạo đảng Xanh Đức Cem Ozdemir.

Chưa hết, trên phạm vi toàn quốc, các cuộc thăm dò gần đây đều cho thấy đảng Xanh đang có tỉ lệ ủng hộ rất cao của cử tri, qua mặt đối tác SPD trong liên minh cầm quyền, với 17% ủng hộ, tăng mạnh so với chỉ 8,9% trong kỳ bầu cử quốc hội vừa qua.

Những kết quả trên đây đang làm cho đảng Xanh “hồi sinh” sau một giai đoạn tụt dốc thảm hại. Nhìn lại 4 năm gần đây, tức là kể từ đợt bầu cử năm 2014 cho đến cuối năm 2017, đảng Xanh đã trải qua một giai đoạn trượt dốc khiến lãnh đạo các đảng Xanh toàn châu lục phải rất vất vả tìm “con đường sống” để tồn tại.

Đầu năm 2017, lần đầu tiên sau hơn 30 năm, đảng Xanh ở Pháp đã không thể cử người ra ứng cử trong cuộc bầu cử tổng thống và đành phải dành sự ủng hộ cho ứng cử viên của đảng Xã hội, với đường lối thiên tả và cũng “xanh” như đảng Xanh.

Ngoại trừ Hà Lan, nơi lãnh đạo đảng Xanh Jesse Klaver đã tạo được niềm tin ở tầng lớp trung lưu, còn lại khắp châu Âu, đảng Xanh đã rất vất vả để tìm hướng đi mới sau cuộc trượt dốc thảm họa 3 năm trước.

Đảng Xanh vẫn tiếp tục “đứng bên lề” trào lưu chính trị lấy trọng tâm là vấn đề an ninh và chống người nhập cư trong khi mình lại đi ủng hộ người nhập cư. Trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, đảng Xanh toàn châu lục chỉ giành được 50 ghế, ít hơn 7 ghế so với kỳ bầu cử năm 2009.

Một năm sau, nội bộ đảng Xanh Pháp xào xáo vì không thống nhất được có nên tham gia liên minh cầm quyền với đảng Xã hội không. Hậu quả là đảng Xanh đánh mất đến một nửa số phiếu bầu trong kỳ bầu cử chính quyền địa phương Pháp năm đó. Tại Đức, đảng Xanh mất điểm liên tục trong các cuộc bầu cử địa phương và toàn quốc, với tỉ lệ ủng hộ chỉ còn 7% - mức thấp chưa từng có.

Đảng Xanh thậm chí còn mất điểm, tụt dốc ngay tại những quốc gia, địa phương vốn là “cứ địa” vững mạnh của họ trong các kỳ bầu cử trước đó không lâu, như tại Áo, Thụy Điển,...

Sự tụt dốc đó một phần được lý giải là do đảng Xanh ngày càng trở nên nhàm chán, không đưa ra được chủ trương gì mới, trong khi cử tri từng ủng hộ đảng này lại có những mối quan tâm mới hấp dẫn hơn nhiều, như các chủ trương thiên tả, trung tả. Một số đảng chính trị lớn còn lấy chủ trương của đảng Xanh làm đường lối trong các kỳ bầu cử khiến cho cử tri đi theo họ thay vì ủng hộ đảng Xanh.

Tháng 3-2017, đảng Xanh đã tuyên bố ủng hộ ứng cử viên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (sau đó trở thành tổng thống), vì ông này xuất hiện như một nhân tố mới, tích cực, là câu trả lời cho những bức xúc, chán nản của công chúng Pháp. Tuy nhiên, sau bầu cử, khi ông Macron đã trở thành Tổng thống Pháp tạo nên sức hút kỳ lạ trên chính trường Pháp và châu Âu, đảng Xanh lại không tiếp tục ủng hộ ông nữa, chính vì thế mà đảng này cũng đánh mất luôn sức hấp dẫn với cử tri.

Mặt khác, đảng Xanh là đảng thiên tả, theo đường lối bảo vệ môi trường và những giá trị phát triển bền vững, trong khi chính trị châu Âu trong 4 năm qua có xu hướng hữu khuynh do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng di dân làm cho chủ nghĩa dân tộc bảo thủ lên ngôi. Từ đó sự quan tâm của cử tri dành cho các chủ trương của đảng Xanh cũng không còn nhiều.

Sau những bước sai lầm và những biến động chính trị châu Âu thời kỳ khủng hoảng người nhập cư, đảng Xanh đang trở lại. Sự gia tăng mạnh về tỉ lệ phiếu bầu cũng như thăm dò cử tri vừa qua được lý giải là kết quả của một sự điều chỉnh từ bên trong đảng Xanh lẫn cục diện chính trị toàn châu Âu.

Trái ngược với các đảng hữu khuynh dân túy và thiên tả khác, đảng Xanh đưa ra quan điểm ủng hộ châu Âu, kèm với một giải pháp mang tính nhân văn hơn đối với vấn đề dân nhập cư và lập trường rõ ràng về một số vấn đề sống còn của châu lục, như biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và phát triển bền vững.

Đặc biệt, đảng Xanh đang hưởng lợi lớn từ cuộc khủng hoảng chính trị mang tên “cực hữu dân túy” ở châu Âu. Một bộ phận ngày càng lớn dần các cử tri châu Âu chán nản với các chính sách kém hiệu quả của các đảng truyền thống, đồng thời họ cũng chật vật để chống lại thách thức từ phong trào chính trị cực hữu dân túy chưa có lối thoát.

Trong bối cảnh đó, họ tìm thấy ở đảng Xanh một “lời giải thỏa đáng” và hợp lý. Đó là chuyển biến quan trọng làm hồi sinh đảng Xanh ở châu Âu.

An Châu (tổng hợp)
.
.
.