Nữ cựu tù chính trị hết lòng vì người nghèo

Thứ Ba, 03/05/2022, 12:38

Mười năm giữ chức vụ Bí thư Quận ủy quận Tân Bình, nhận thấy các địa phương dù đã có nhiều cố gắng trong việc chăm lo cho gia đình chính sách, người nghèo nhưng lực bất tòng tâm do kinh phí địa phương có hạn. Đây là điều mà bà luôn trăn trở, suy tư rất nhiều nên trong thời gian đương chức, công tác chăm lo cho người nghèo luôn được bà đặt lên hàng đầu...

“Thời kháng chiến mình nương tựa trong dân, dân che chở cho mình. Mình xuất thân từ gia đình nghèo nhưng niềm tin yêu về cách mạng vẫn cháy mãnh liệt, bất chấp nguy hiểm đến sinh mạng. Ba mẹ mình cũng một thời đối diện với hiểm nguy để che chở cho những chiến sĩ cách mạng nên trong tâm trí mình lúc nào cũng hướng đến người nghèo. Và mình nguyện sẽ dốc hết sức mình để chăm lo cho người nghèo khi còn có thể”- bà Trần Kim Cúc, một cựu tù chính trị, nguyên Bí thư Quận ủy Tân Bình (TP Hồ Chí Minh), Chi hội trưởng Chi hội từ thiện Bình Phú Đông đã trải lòng như vậy khi được hỏi về hành trình hàng chục năm làm từ thiện giúp người nghèo…

Trang 18: Nữ cựu tù chính trị hết lòng vì người nghèo -0
Bà Trần Kim Cúc và em bé mồ côi.

Bà Trần Kim Cúc (SN 1947), sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, lớn lên ở vùng đất thép Củ Chi. Khi mới 14 tuổi, bà đã tham gia cách mạng: đào địa đạo, làm hầm chông, đấu tranh chính trị dưới sự lãnh đạo các chi bộ Đảng hoạt động bí mật lúc bấy giờ. Trong giai đoạn từ năm 1964-1968, bà bị bắt 3 lần, đến năm 1969, giặc đày bà ra Côn Đảo hơn 1 năm thì trả về đất liền, giam ở Thủ Đức. Năm 1972, một lần nữa chúng đưa bà trở lại Côn Đảo, phải chịu nhiều sự tra tấn dã man nhưng bà vẫn giữ vững ý chí. Tháng 10/1973, sau khi hiệp định Paris được ký kết, bà được trả tự do. Hòa bình lập lại, bà giữ nhiều chức vụ quan trọng tại quận Tân Bình và trước khi về hưu vào năm 2004, bà là Bí thư Quận ủy quận Tân Bình.

Mười năm giữ chức vụ Bí thư Quận ủy quận Tân Bình, nhận thấy các địa phương dù đã có nhiều cố gắng trong việc chăm lo cho gia đình chính sách, người nghèo nhưng lực bất tòng tâm do kinh phí địa phương có hạn. Đây là điều mà bà luôn trăn trở, suy tư rất nhiều nên trong thời gian đương chức, công tác chăm lo cho người nghèo luôn được bà đặt lên hàng đầu. Đến khi về hưu, tuy hoàn cảnh gia đình còn nhiều bề bộn nhưng bà Cúc luôn vận động từ thiện để giúp cho người nghèo. Bà liên lạc với những người bạn là cựu tù chính trị năm xưa để góp tiền của, công sức, kêu gọi nhà hảo tâm giúp đỡ cho người nghèo. Chính vì vậy mà khi được Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh gợi ý thành lập Chi hội từ thiện liên quận: Tân Bình, Tân Phú và quận 12 thì bà nhận lời ngay. “Chi hội từ thiện Bình Phú Đông ra đời vào năm 2009. Tuy nhiên, hoạt động từ thiện thì vượt phạm vi địa bàn, ở khắp nơi trên cả nước, kể cả bà con nghèo người Việt sống ở Lào, Campuchia”- bà Cúc cho biết.

Cũng theo bà Cúc, quỹ từ thiện do bà và các thành viên trong ban chấp hành vận động từ thiện được mỗi năm từ 3-4 tỷ đồng. Số tiền này dùng để xây nhà tình nghĩa, tình thương (đến nay đã xây dựng trên 220 căn), trao học bổng cho học sinh nghèo mỗi năm 200 suất; trao quà cho người bị bệnh phong ở Trại phong Bến Sắn, bệnh nhân AIDS ở Củ Chi… Riêng những tháng đầu năm 2022, Chi hội đã vận động các nhà hảo tâm đỡ đầu cho 31 học sinh nghèo học đến hết cấp học…

Hiện nay, với nhiệm vụ là Chủ tịch Chi hội từ thiện Bình Phú Đông, Trưởng Ban liên lạc cựu tù chính trị (với 232 thành viên) và là hội viên Hội Phụ nữ quận Tân Bình, bà vẫn ngày ngày tích cực vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài quận đóng góp vào quỹ từ thiện của Chi hội. Bà xây dựng chương kế hoạch hoạt động hàng tháng, quý, năm một cách cụ thể, rõ ràng. Khi có nguồn tài trợ, bà cùng các thành viên luôn trực tiếp đi đến các vùng sâu, vùng xa, các địa phương nghèo để khảo sát, xác minh từng trường hợp cần giúp đỡ tiền, hàng hoặc xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương.

“Hoạt động của Chi hội Bình Phú Đông có thuận lợi do hầu hết các thành viên trong Ban chấp hành đều là cán bộ hưu trí, đảng viên nghỉ hưu hoặc đang đương chức, có sức khỏe, lòng nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm cao. Tất cả các thành viên trong Ban chấp hành không chỉ tình nguyện làm việc không công mà còn bỏ tiền túi hoặc vận động thêm các nhà hảo tâm giúp đỡ người nghèo. Đáng quý hơn nữa là còn có sự tham gia nhiệt tình của các đoàn viên, thanh niên. Các em sẵn sàng bỏ công sức, lặn lội đến nơi xa xôi hẻo lánh để mang những phần quà thiết thực đến người dân”- bà Cúc vui mừng cho biết.

Trang 18: Nữ cựu tù chính trị hết lòng vì người nghèo -0
Trang 18: Nữ cựu tù chính trị hết lòng vì người nghèo -1
Hình ảnh trao tặng quà từ thiện của Chi hội từ thiện Bình Phú Đông.

Những cựu tù chính trị cùng đồng hành với bà Cúc trong suốt hành trình gần 13 năm qua như bà Trần Thị Quế Nga, ông Đặng Công Tâm, ông Nguyễn Văn Ngoãn… có lòng nhiệt huyết, yêu thương giúp đỡ người nghèo như những người thân trong gia đình họ vậy. Còn đôi vợ chồng cán bộ hưu trí là bà Nguyễn Thị Cúc- ông Bùi Ngọc Châu được xem là “cặp đôi hoàn hảo”, quán xuyến công việc văn phòng, tiếp nhận hỗ trợ, theo dõi thu chi để đảm bảo số tiền vận động không sử dụng sai mục đích. Nhà hảo tâm đồng thời cũng là thành viên Ban chấp hành Chi hội được xem là đóng góp nhiều nhất là vợ chồng bà Nguyễn Thị Tuyết Trang, Hiệu trưởng Trường Trung cấp giao thông Tiến Bộ. 13 năm qua, mỗi khi có trường hợp nào cần giúp đỡ khẩn cấp, vợ chồng bà Trang đều tham gia đóng góp và cũng là nhà tài trợ phương tiện di chuyển cho đoàn từ thiện trong suốt thời gian qua.

Đặc biệt hơn, Chi hội từ thiện Bình Phú Đông còn có sự giúp sức đáng kể của đạo diễn Điệp Văn (Phó Chủ tịch Chi hội Bình Phú Đông), người sáng lập dự án cộng đồng “100 ngàn - vạn mái ấm”. 100 ngàn là 100.000 VND còn 1 vạn là ước mơ của ông Văn xây dựng được vạn mái ấm cho người nghèo. Bởi theo ông Văn, chỉ cần kêu gọi mỗi người đóng góp 100.000 đồng, tích tiểu thành đại sẽ có số tiền lớn để xây nhà cho những gia đình khó khăn. Đến nay, dự án này đã xây dựng hơn 100 căn nhà cho người nghèo. Theo bà Cúc, đạo diễn Điệp Văn chính là một trong những người kế thừa, tiếp tục công tác từ thiện khi các cựu tù chính trị, cán bộ hưu trí không còn đủ sức khỏe để tiếp tục cuộc hành trình…

Bên cạnh sự đóng góp bằng hiện vật từ các nhà hảo tâm, Chi hội từ thiện Bình Phú Đông còn nhận được sự hỗ trợ rất tích cực của các ban, ngành, đoàn thể quận Tân Bình. Nhờ vậy, khi triển khai công tác từ thiện, Chi hội luôn được những người có chuyên môn hướng dẫn, giúp đỡ và cùng phối hợp thực hiện để đảm bảo tính minh bạch. Chính vì cách làm này mà hội viên, các nhà hảo tâm hết sức tin tưởng, thu hút ngày càng đông số lượng người tham gia đóng góp giúp đỡ cho người nghèo. Đó cũng là nguyện vọng, là mong muốn của người cựu từ chính trị hết lòng vì người nghèo trong quãng đời còn lại…

Bà Trần Kim Cúc là con ruột của mẹ Bảy Đồng (Nguyễn Thị Đồng), một cơ sở cách mạng ở xã Vĩnh Phước Tây, huyện Củ Chi. Mẹ gan góc, mưu trí, tích cực tham gia vào những phần việc mà cách mạng giao cho. Nhắc đến mẹ Bảy Đồng, hầu hết các cán bộ cách mạng lão thành ở Củ Chi đều nhớ đến cuộc giải cứu ly kỳ, mạo hiểm để cứu bốn chiến sĩ cách mạng (2 người bị thương) mắc kẹt trong hàng rào bảo vệ của quân địch sau một trận đánh lớn vào căn cứ Đồng Dù. Khi được giao nhiệm vụ, mẹ Bảy cùng chồng soạn 2 bộ quần áo cũ cùng vài cái nơm bắt cá để ông giả đò đến khu vực các chiến sĩ ẩn nấp để nơm cá. Sau đó, ông bỏ lại quần áo, nơm để 2 chiến sĩ không bị thương đóng giả người đi bắt cá và thoát khỏi vòng vây, trở về đơn vị.

Phương án cứu 2 chiến sĩ bị thương nặng không đi được cũng được vợ chồng mẹ nhanh chóng lên kế hoạch một cách mưu trí, tỉ mỉ. Mẹ cùng chồng đánh xe bò ra đồng chở rơm về nhà và đốt để làm phân trên cánh đồng sau mùa gặt. Vợ chồng mẹ hì hục bó 500 bó rơm rồi rải đều theo hướng di chuyển với dự tính khi đốt rơm lên, khói sẽ bay mù mịt che khuất tầm nhìn của quân địch.

Đúng như dự kiến, khi khói vừa đủ che mờ, chồng mẹ cõng một chiến sĩ bị thương nhẹ đưa vào ẩn náu trong một ao cạn nước trong làng. Còn mẹ dùng đòn xóc gánh 4 bó rơm, trên lưng cõng theo chiến sĩ bị thương nặng di chuyển về hướng xe bò. Mẹ đi được một đoạn, địch nghi ngờ nên thả trái màu chỉ điểm. Mẹ nhanh trí bỏ lại người chiến sĩ bị thương xuống ruộng rồi dùng rơm phủ lên người, còn mình vẫn ung dung gánh rơm đi.

Quần thảo hơn 10 phút, thấy mọi chuyện diễn ra bình thường, máy bay địch rút lui, mẹ quay lại tiếp tục cõng người chiến sĩ bị thương lên xe bò chở an toàn vào làng…Mẹ Bảy Đồng được nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba.

Mã Hải
.
.