Doanh nghiệp gửi thư cảm ơn Công an tỉnh Thanh Hoá triệt xoá cơ sở sản xuất hàng giả
Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam vừa có thư cảm ơn gửi đến Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, Trưởng Công an huyện Vĩnh Lộc vì đã nhanh chóng điều tra, làm rõ và triệt phá 2 cơ sở sản xuất, buôn bán hàng giả quy mô lớn, đặc biệt là các sản phẩm mang thương hiệu OMO và Sunlight.
"Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm của Unilever. Chúng tôi vô cùng lo ngại trước tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của thương hiệu và gây thiệt hại về kinh tế, đồng thời gây thất thu ngân sách Nhà nước. Việc Quý cơ quan đã kịp thời phát hiện và xử lý vụ án này không chỉ giúp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hợp pháp của Unilever mà còn góp phần làm trong sạch thị trường, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng", ông Lâm Vũ Thao, Giám đốc pháp lý Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam đề cập trong thư.
Trước đó, ngày 8/8/2024, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc và Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, Công an huyện Vĩnh Lộc đã phối hợp với Công an các xã Tế Nông, Tân Phúc (huyện Nông Cống) phá Chuyên án 824M, triệt xóa 2 cơ sở chuyên sản xuất, phân phối, bán các loại sản phẩm nước giặt giả thương hiệu nhãn hàng OMO và các loại nước rửa bát giả.
Tại nhà kho (ở thôn Đông Hưng, xã Tế Nông, huyện Nông Cống) do Lê Tuấn Thành (SN 1995 ở cùng địa chỉ) làm chủ và cơ sở sản xuất do Lê Hạ Tuấn (SN 1995, ở thôn Thái Sơn, xã Tân Phúc, huyện Nông Cống) làm chủ, lực lượng chức năng thu giữ trên 4.000 sản phẩm nước giặt nhãn hiệu OMO thành phẩm (loại 3,6 kg và loại 2kg/sản phẩm); 600 lít nước giặt đã pha chế chưa đóng gói; hơn 1.000 sản phẩm nước rửa chén nhãn hiệu Sunlight; 160 kg vỏ bao nước giặt in hình giả thương hiệu OMO; 1 thùng chứa nắp đóng túi sản phẩm; 540kg thùng bìa các tông in thương hiệu OMO; 1 máy trộn; 20 bao hoá chất và muối lạnh...
Trong đường dây này, Lê Hạ Tuấn là đối tượng sản xuất các sản phẩm giả trong khi Lê Tuấn Thành là đối tượng nhập sản phẩm giả, sau đó đăng bán trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội với mức giá thấp. Đặc biệt, để che giấu hành vi sản xuất hàng giả, Tuấn đã biến xưởng sản xuất giấy của bản thân thành xưởng pha chế, san chiết các loại hàng hóa giả thương hiệu nhãn hàng OMO và Sunlight.
Việc Công an huyện Vĩnh Lộc nhanh chóng triệt phá chuyên án này không chỉ góp phần bảo đảm an ninh, trật tự mà còn thể hiện tinh thần đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng của lực lượng Công an trong cuộc chiến với hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ uy tín thương hiệu của doanh nghiệp chân chính, chống thất thu ngân sách Nhà nước và làm trong sạch thị trường.
Nhân dân chúng tôi cũng rất hoan nghênh, nếu không chúng tôi bỏ tiền thật nhưng nhận hàng giả. Đề nghị phạt thật nặng kẻ làm hàng giả, dù là loại gì.