Cán bộ điều tra đam mê văn hóa Tây Nguyên

Chủ Nhật, 04/02/2024, 11:30

Ngày Chủ nhật, Thiếu tá Đinh Văn Bộ, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an huyện Đắk Glong (Đắk Nông) đưa từng hiện vật ra giữa nhà, tỉ mỉ ngắm nghía. Anh cẩn thận ghi chép lại ý nghĩa của những họa tiết.

Sự am hiểu sâu sắc về đời sống văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của bà con dân tộc thiểu số ở địa phương đã góp phần giúp Thiếu tá Đinh Văn Bộ điều tra phá án nhanh, cùng lực lượng Công an giữ vững cuộc sống bình yên trên dải đất Tây Nguyên chiến lược.

Bén duyên với sưu tầm hiện vật

Tây Nguyên chuyển trời trong vắt, nắng vàng rải đều, mềm như tơ lụa. Hơi lạnh từ miền biên viễn từng đợt tràn về khiến những thiếu nữ M’nông, Châu Mạ, Kơ ho… xúng xính trong bộ váy thổ cẩm truyền thống khẽ rùng mình trong mùa trẩy hội. Xa xa, ẩn sâu trong đại ngàn của dãy Nam Trường Sơn, đâu đó lại vang lên tiếng chiêng trầm hùng, dồn dập gọi bạn tụ tập về chung vui với cư dân buôn bản trong ngày mừng lễ thôi nôi, cúng lúa mới, ngày bỏ mả, hiến tế thần linh…

Giai điệu mùa xuân của Tây Nguyên thường bắt đầu từ những ngày nhiều nắng, là cái se lạnh từng đợt ùa về đọng thành lớp sương khuya long lanh mắt ngọc, là tiếng ríu rít của bầy chim ch’rao vắt vẻo trên những cành cây cao… Và, nhất quyết không thể thiếu được tiếng chiêng trầm hùng, náo nức thúc giục của những ngày hội buôn trong các cộng đồng dân tộc thiểu số đang cư ngụ thuận hòa nơi đây.

Cán bộ điều tra đam mê  văn hóa Tây Nguyên -1
Thiếu tá Đinh Văn Bộ bên những hiện vật được anh sưu tầm trong 10 năm qua.

Thiếu tá Đinh Văn Bộ, người không sinh ra trên miền đất Tây Nguyên nhưng lại nguyện gắn bó cả đời với sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc trên dải đất này. Chính sự đam mê nghiên cứu văn hóa, sưu tầm hiện vật và tiếp xúc gần gũi với bà con mà khi đã trở thành điều tra viên Công an huyện Đắk Glong, anh Bộ nhận ra rằng những gì anh dày công nghiên cứu và học hỏi từ bà con bấy lâu đã trở thành nguồn tư liệu sắc sảo phục vụ hữu ích cho công tác chuyên môn. Hoa văn, đường nét trang trí trên những hiện vật là minh chứng sinh động cho đời sống văn hóa, phong tục, tập quán phong phú của từng cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên qua các thời kỳ lịch sử. Không ít vụ án xảy ra trên địa bàn huyện Đắk Glong đã được Thiếu tá Đinh Văn Bộ vận dụng sáng tạo kiến thức văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương để phối hợp với gia đình bị can thuyết phục, vận động đối tượng gây án ra đầu thú hoặc nhanh chóng truy xét, bắt giữ.

Rất nhiều người am hiểu đã đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác khi bước vào căn nhà nhỏ của gia đình Thiếu tá Đinh Văn Bộ ở xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong khi anh đã có trong tay khoảng 1.000 hiện vật của đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc nhiều lĩnh vực sau 10 năm dày công tìm kiếm, sưu tầm. Khó ai có thể ngờ rằng, với cá tính thường thấy ở các cán bộ điều tra là sự cương trực, dứt khoát, ít mơ mộng thì ở Thiếu tá Đinh Văn Bộ, ngoài hội tụ đầy đủ phẩm chất thường có của một điều tra viên hình sự đầy bản lĩnh, anh còn mang trong mình niềm đam mê của một nhà nghiên cứu văn hóa, sưu tầm hiện vật các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên một cách có trách nhiệm.

Niềm đam mê hữu ích

Từ thuở thiếu thời, khi còn là cậu học sinh cấp hai ở Gia Nghĩa (Đắk Nông), chàng trai quê miền trung du Bắc bộ đã tò mò tìm hiểu về phong tục, tập quán, các nghi thức tâm linh tín ngưỡng lạ lẫm của từng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thông qua bạn bè cùng trang lứa đang theo học ở trường. Nghe bạn kể về lễ hội đâm trâu, ngày mừng thôi nôi, lễ bỏ mả, cúng Yàng… với những nghi thức huyền bí, linh thiêng đã khơi dậy trí tò mò khám phá của một chàng trai mới lớn đến từ miền đồng bằng Thái Bình. Có lần, niềm đam mê tìm hiểu đã khiến anh mạnh bạo trốn học đi theo nhóm bạn để được tận mắt diện kiến, hòa mình vào lễ hội cúng Yàng huyền bí của bà con.

Trưởng thành khi đã là một cán bộ điều tra Công an huyện Đắk Glong, Thiếu tá Đinh Văn Bộ càng thấy rõ hơn bao giờ hết sự cần thiết phải nghiên cứu kỹ về văn hóa các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên để phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ và không ngừng trau dồi kiến thức về các dân tộc thiểu số bản địa. Vậy là từ năm 2014, điều tra viên Đinh Văn Bộ bắt đầu dấn thân vào “nghiệp” nghiên cứu văn hóa và đã cất công đi nhiều nơi để tìm hiểu, sưu tầm các hiện vật của bà con người Mnông, Êđê, Châu Mạ, Kơ ho…

“Càng đi sâu vào nghiên cứu, tìm hiểu, tôi càng bị mê hoặc bởi những câu chuyện văn hóa, tín ngưỡng đa thần sơ khai của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Với bà con, lịch sử hình thành một hiện vật là một câu chuyện lớn về văn hóa nhuốm màu sắc tâm linh, huyền bí bởi tập quán tín ngưỡng đa thần. Tất cả các hiện vật ngoài công dụng, mục đích rõ ràng còn có đời sống độc lập, song hành với con người và luôn được bà con coi trọng như một thực thể sống có linh hồn, biết vui, biết buồn!..”, Thiếu tá Đinh Văn Bộ chia sẻ.

Cán bộ điều tra đam mê  văn hóa Tây Nguyên -0
Khoảng 1.000 hiện vật của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã được Thiếu tá Đinh Văn Bộ sưu tầm.

Với các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, nhiều hiện vật không chỉ là công cụ phục vụ đời sống sản xuất, sinh hoạt, được định đoạt bằng giá trị vật chất. Hơn thế nữa, các hiện vật còn mang giá trị tinh thần, tâm linh, có tính biểu tượng cao của cả một cộng đồng người. Thiếu tá Đinh Văn Bộ cho biết, đồ gốm là hiện vật điển hình nhất thể hiện phong phú đời sống văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Nó cũng đại diện rõ ràng cho sự phân tầng cấp bậc, sự giàu sang hay nghèo khó trong xã hội.

Từ xa xưa, bước vào một gia đình quyền thế, thứ đầu tiên mọi người nhìn thấy chính là các loại chum ché, ghè cổ, được gia chủ cẩn thận giữ gìn ở nơi trang trọng nhất. Khi tục chia của cho người chết còn duy trì ở nhiều dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, để thể hiện sự thương yêu, quý trọng và bình đẳng giữa người sống với người quá cố, bà con thường gõ bể một miếng ghè, chum ché quý nhất để chôn theo. Thậm chí, có những loại chum ché cổ quý giá tới mức được so sánh ngang hàng với sinh mạng của con người.

“Trong quá khứ, khi pháp luật nhà nước còn chưa định hình, các cộng đồng thiểu số ở Tây Nguyên đã hình thành luật tục để điều chỉnh các quan hệ trong xã hội. Chẳng hạn, khi giết người, nếu không muốn bị đền mạng phải bồi thường cho phía bị hại một ché mẹ bồng con hay hiện vật khác linh thiêng, quý giá tương đương…”, Thiếu tá Đinh Văn Bộ cho biết.

Với khoảng 1.000 hiện vật đã được Thiếu tá Đinh Văn Bộ kỳ công sưu tầm trong vòng 10 năm qua, vượt xa giá trị về vật chất, đó chính là sự đam mê tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Điều này không chỉ nâng cao kiến thức văn hóa mà còn hỗ trợ Thiếu tá Đinh Văn Bộ rất lớn trong công tác chuyên môn, giúp anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần trấn giữ bình yên trên vùng đất Đắk Nông. 

Khắc Lịch
.
.