Câu chuyện xúc động về một Thượng tá Công an và hai mẹ con cậu bé 8 tháng tuổi bị ung thư máu

Thứ Ba, 25/08/2015, 16:49
Cách đây chưa lây, nhóm phóng viên Báo CAND tình cờ nghe được một câu chuyện đẫm lệ về hoàn cảnh của một gia đình công nhân nghèo, về số phận một tiểu nhi tấm bé trót mang trong mình bạo bệnh và về việc làm của một sĩ quan Công an trong một thời khắc ngắn ngủi nhưng mang đậm tính nhân văn sâu sắc.

Qua câu chuyện, chúng ta nhận thấy rằng, góc độ vì bình yên cuộc sống không chỉ được người chiến sĩ Công an nhân dân thể hiện qua từng chiến công trên mặt trận đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, xã hội, mà còn thể hiện rất cụ thể qua từng hành động nhỏ bé giữa đời thường…

Câu chuyện ấy bắt đầu từ một người phụ nữ tên Bích, đang còn ở độ tuổi xuân sắc, quê TP Hải Phòng. Bích nhỏ nhắn, xinh xắn, có duyên với gương mặt của một phụ nữ chất phác. Năm 2010, Bích xây dựng gia đình. Hoàn cảnh của hai bên gia đình cũng không lấy gì làm khá giả nên đôi vợ chồng nghèo chỉ biết dựa vào sức lực của đôi bàn tay để dần tích góp, vun đúc mái ấm từ những đồng lương ít ỏi. 

Bích là công nhân may cho một công ty liên doanh nước ngoài đóng trên địa bàn TP Hải Phòng, chồng Bích cũng là một công nhân tự do mà ngày có việc ít hơn ngày ngồi chờ việc… Hạnh phúc nhỏ nhoi cứ dần trôi, ngôi nhà nhỏ bé, có cá ăn cá, có rau ăn rau, hai vợ chồng Bích với cô con gái đầu lòng cứ bình yên là vậy. 

Đầu năm 2014, ông bà nội, ngoại hai bên gia đình Bích hân hoan, vui mừng chào đón đứa cháu thứ hai chào đời. Bé trai rất kháu khỉnh, được đặt cái tên bao trùm sự mong ước và hy vọng của cuộc đời bố mẹ, cái tên Minh Khang. Cháu Khang chào đời, sức khỏe tốt, mẹ tròn con vuông. 

Hạnh phúc chẳng tầy gang, đến tháng 1/2015, khi cái Tết Nguyên đán Ất Mùi đang đến gần, nhà nhà đang thu xếp những bộn bề cuộc sống để chuẩn bị cho cái Tết ấm cúng, sum vầy thì cũng là lúc chị Bích phát hiện trên cổ cháu Khang xuất hiện hạch to. Cứ ngỡ cháu Khang chỉ bị những bệnh thông thường như bao bệnh nhi khác, ai ngờ đâu, tin dữ ập đến như sét đánh bên tai, cháu Khang bị phát hiện ung thư máu khi vừa tròn 8 tháng tuổi.

Nhỏ xíu, Minh Khang đã phải vật vã chịu đựng đau đớn trong cơn bạo bệnh, chứng kiến cảnh đó, không một ai trong gia đình chị Bích cầm được nước mắt. Nghịch cảnh ngỡ tưởng chỉ có trong phim ảnh, giờ đây lại vận đúng vào gia cảnh nhà chị. Hai vợ chồng làm công nhân lương ba cọc ba đồng, rồi lương hưu của ông bà cũng chỉ đủ chi tiêu cho ông bà hàng tháng, giờ đây biết lấy tiền đâu cho con chữa bệnh! Lại chứng kiến cái cảnh, con mình là bệnh nhân ít tháng tuổi nhất nhưng lại bệnh nặng nhất phòng, mọi người cứ hồ hởi thu xếp đồ đạc chờ được bác sĩ khám và cho về ăn Tết cùng gia đình, trong khi đó con mình mắc rất nặng. 

Chiều 30 Tết, cái chiều cuối cùng của một năm, trong cái tiết lạnh mùa đông vẫn còn như cắt da cắt thịt, nằm ôm con, chuyền từng hơi ấm của mình cho con, nghĩ đến những lời bác sĩ nói “gia đình nên xác định tâm lý ngay từ bây giờ!”, lòng chị như quặn đau. Niềm vui, tiếng cười và cái Tết đã qua từ cái ngày cháu Khang lâm bệnh trọng. 

Buổi chiều đó, phòng bệnh của bé Minh Khang thật đìu hiu, tiếng khóc thét của những đứa trẻ vì đau đớn bệnh tật cũng thưa dần, tiếng người lớn dỗ dành trẻ nhỏ vì thế mà giờ cũng chỉ còn ẩn khuất đâu đây. Khoảng 16h ngày 30 Tết, quá quẫn trí, chị Bích lấy ít đồ trong tủ, không nói gì, lặng lẽ bế theo cháu Khang đi khỏi buồng bệnh, bắt taxi về phía cầu Chương Dương…

Chị Bích và cháu Minh Khang tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (Hà Nội).

Chiều 30 Tết, giữa những cơn gió mạnh trên chiếc cầu lớn bắc qua sông Hồng, những dòng nước mắt không ngừng rơi, nước mắt của người mẹ đang trong cơn cùng quẫn. Thương con, chị muốn quyên sinh cùng con xuống sông Hồng, để cùng con thoát khỏi kiếp người ngắn ngủi mà đã phải trải qua biết bao sóng gió, đau đớn của cuộc đời. Tấm áo nhỏ của người mẹ không che nổi những luồng khí lạnh đang len lỏi đánh thức giấc mơ con trẻ. Chị Bích khóc vì số phận hẩm hiu, khóc cho những người ở lại, còn Minh Khang đang khóc ré lên vì cái lạnh và những cơn đau đang hành hạ em bấy lâu. 

Đang trong giây phút phân vân giữa sự sống và cái chết, bất chợt có một chiếc ôtô 4 chỗ đỗ lại gần chị, một người đàn ông đứng tuổi bước xuống xe. Người đàn ông hỏi lớn như muốn đánh gục những suy nghĩ lầm lỡ trong đầu của chị. Rồi người đàn ông tiến lại gần, giọng nói trầm ấm giới thiệu tên là Trung, đồng thời tay rút trong ví ra tấm thẻ Công an để chị Bích yên tâm và ông đang nhận biết được mẹ con chị có uẩn khúc gì. 

Ông bảo chị: “Ở ngoài này lạnh, cháu cứ bình tĩnh, lên xe của chú, kẻo cháu nhỏ gió lạnh, có chuyện gì cứ kể chú nghe cái đã…”. Rồi người đàn ông nghe qua về câu chuyện mà chị Bích kể, ông khuyên chị “nếu cháu cố chết hôm nay, rồi mai đây ai sẽ chăm sóc bố mẹ cháu khi về già, rồi chồng, rồi đứa con gái lớn của cháu ai sẽ là người chăm sóc… Rồi đứa nhỏ này có tội tình gì mà cháu cướp đi mạng sống của nó. Cháu hãy bình tĩnh, giờ những bệnh nhi dưới 6 tuổi Nhà nước đã lo bảo hiểm chữa bệnh rồi, gia đình mình chỉ cần lo tiền ở cùng chăm sóc cháu nó thôi. Mà mình là người lớn, mình khổ cũng được. Mình đã mang nặng đẻ đau, giờ con bị bệnh nặng, “còn nước thì còn tát”, hãy nghe chú trở về chăm sóc cháu nó thật tốt”. 

Sau này, chị Bích kể với chúng tôi: “Những lời lẽ động viên xuất phát từ chân tình của chú Trung, của người Công an đó đã làm tôi thay đổi suy nghĩ, nhận ra cái đúng, cái sai. Rồi chú Trung còn cho tiền để mẹ con tôi quay lại bệnh viện. Chú nói một miếng khi đói bằng một gói khi no, cháu cầm về coi như quà chú mừng tuổi cháu nó và cũng để chữa bệnh”. 

Chị kể, thời điểm ấy, chú Trung phải về cơ quan để trực nên chú Trung đã gọi taxi rồi hẹn lái xe phải chở về đúng đến Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương mới cho mẹ con chị xuống, không được dừng giữa đường... Được biết, người lái xe taxi khi được ông Trung nói qua về tình hình của hai mẹ con chị Bích đã tình nguyện chở mẹ con chị Bích về đến nơi mà không lấy tiền xe. Từ đó đến nay, gia đình chị Bích sau khi biết chuyện đã coi ông Trung như ân nhân cứu mạng.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết đó là Thượng tá Phạm Văn Trung, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động Công an TP Hà Nội đang trên đường từ quê Hải Dương trở về đơn vị ứng trực công tác đảm bảo an ninh, trật tự cho nhân dân Thủ đô vui xuân đón Tết an toàn. 

Thời điểm đó, Thượng tá Trung thấy phía bên kia cầu có người phụ nữ thất thểu giữa trời lạnh giá, ôm con khóc nức nở, trong khi trời đã nhá nhem tối và ai ai cũng đang hối hả về nhà đón giao thừa, Thượng tá Trung đã quay xe trở lại để hỏi han sự tình… 

Kể từ ngày đó tới nay đã hơn 6 tháng, hiện tại cháu Bùi Minh Khang đang điều trị hóa chất đợt 3 và bệnh tình đang có nhiều tiến triển, hy vọng hơn. Người nhà chị Bích cho biết: “Dù bận nhiều việc nhưng thỉnh thoảng chú Trung điện thoại hỏi thăm tình hình sức khỏe của cháu Khang để động viên tinh thần mẹ con cháu và cũng đã cùng gia đình mình dành thời gian tới Viện Huyết học -Truyền máu Trung ương thăm hỏi, động viên mẹ con bé Khang.

Trong lá thư gửi đến cho chúng tôi gần đây, chị Lê Thị Thúy, chị ruột của chị Bích đã thay mặt gia đình viết: “Trong xã hội hiện nay cháu thấy còn rất nhiều người quá vô cảm, nhưng cũng còn người có những nghĩa cử cao đẹp và sâu nặng tình người như chú Trung, người Công an nhân dân mẫu mực. Cũng nhờ chú Trung mà mẹ con em Bích còn có ngày hôm nay. Việc làm của chú đã thể hiện tấm lòng và trách nhiệm của người Công an cách mệnh suốt đời vì nhân dân phục vụ. Thay mặt gia đình, cháu chân thành gửi lời cảm ơn tới chú Trung cùng gia đình và toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an nhân dân dồi dào sức khỏe, lập nhiều chiến công trên mặt trận đảm bảo an ninh, trật tự...”.

Sau khi tiếp xúc với gia đình mẹ con chị Bích, chúng tôi đến Trung đoàn Cảnh sát cơ động Công an TP Hà Nội, nơi Thượng tá Phạm Văn Trung công tác. Khi chúng tôi đề cập đến việc làm nhỏ bé mà cao cả ấy, đồng chí Trung chỉ cười và nói: “Việc làm của tôi chỉ là trách nhiệm công dân, nếu các nhà báo gặp hoàn cảnh đó thì cũng hành động như vậy…”. Nói xong, đồng chí Trung cười rất tươi và chào chúng tôi vì đang phải bận chuẩn bị cho các phương án đảm bảo an ninh, trật tự các kỳ cuộc lớn của Thủ đô, rồi anh lại phải đi kiểm tra, đôn đốc các tổ công tác 141 trên địa bàn Hà Nội vì đồng chí Trung cũng là thành viên Ban chỉ đạo Kế hoạch 141, “quả đấm thép” của Công an Thủ đô Anh hùng… Việc làm của Thượng tá Phạm Văn Trung không chỉ để lại ấn tượng tốt đẹp cho riêng gia đình chị Bích, mà còn là bông hoa tươi thắm góp phần tô thắm hình ảnh tốt đẹp người Công an cách mệnh trong lòng nhân dân…

Cũng nhờ chú Trung mà mẹ con em Bích còn có ngày hôm nay. Việc làm của chú đã thể hiện tấm lòng và trách nhiệm của người Công an cách mệnh suốt đời vì nhân dân phục vụ. 
Chị Lê Thị Thúy (chị ruột của chị Bích)
Minh Khoa - Trần Xuân
.
.