Theo dấu chân những trinh sát Công an Thái Bình bắt truy nã

Thứ Tư, 11/03/2009, 15:49

Theo Trung tá Phạm Đình Luyến, Đội trưởng Đội truy nã, khi bắt truy nã cũng cần suy xét từng tình huống, thời điểm bắt cho hợp tình, hợp lý, như thế các đối tượng mới thuận, từ đó phấn đấu cải tạo tốt.

Theo đuổi mấy tháng trời, các trinh sát của Đội truy nã Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC 14) Công an tỉnh Thái Bình mới phát hiện được tung tích của đối tượng truy nã Hoàng Thị Châm, 38 tuổi, trốn thi hành án tội chứa mại dâm. Nhưng Châm trở về đúng ngày bố cô ta mất. Từ khi Châm xuất hiện, các trinh sát của Đội truy nã luôn có mặt, giám sát cô ta. Chạy trốn suốt mấy tháng qua, chẳng thể về chăm sóc bố những ngày cuối đời nên Châm càng thấy ân hận, lăn vào khóc dữ dội.

Trước tình cảnh tang gia đó, các trinh sát xác định không thể vào bắt Châm ngay, bởi các anh ai cũng hiểu rõ tình phụ tử… Thế là, suốt những ngày có đám ma, kể cả lúc đưa bố Châm ra đồng, các trinh sát phải theo sát, ăn bánh mì, không được rời mắt khỏi các di biến động của Châm.

Đợi cho hết 3 ngày, khi Châm đã cùng anh em trong gia đình lo cho bố mồ yên mả đẹp, các trinh sát mới bí mật tiếp cận Châm, yêu cầu về cơ quan Công an. Khi biết các trinh sát đã theo mình từ mấy ngày nay, Châm rất cảm động và cảm ơn các anh đã cho mình làm tròn nghĩa vụ của người con…

Trong lần bắt đối tượng Vũ Cao Thế, 21 tuổi, trú tại xã Thái Học (Thái Thụy, Thái Bình) bị Công an quận Hoàn Kiếm ra lệnh truy nã về tội cố ý gây thương tích, các trinh sát cũng phải đắn đo, suy xét thời điểm bắt giữ. Bởi Thế trở về địa phương vào lúc gia đình đang chuẩn bị đám cưới cho anh ta với một em gái mới có 16 tuổi.

Không thể để đám cưới trên diễn ra vì nó vi phạm pháp luật, Thế có thể sẽ bị khởi tố thêm tội giao cấu với người chưa thành niên. Hơn nữa, cô dâu và gia đình phải biết được bản chất thực của chú rể là tội phạm đang lẩn trốn. Các trinh sát đã quyết định truy bắt ngay đối tượng trước giờ anh ta làm thủ tục đón dâu. Lúc đầu, Thế và gia đình 2 bên phản ứng khá dữ dội, nhưng khi nghe các trinh sát phân tích về lý do vì sao bắt giữ Thế trước đám cưới, mọi người hiểu cả và đối tượng đã phải "tâm phục, khẩu phục".

Theo Trung tá Phạm Đình Luyến, Đội trưởng Đội truy nã, khi bắt truy nã cũng cần suy xét từng tình huống, thời điểm bắt cho hợp tình, hợp lý, như thế các đối tượng mới thuận, từ đó phấn đấu cải tạo tốt.

Khi bắt những đối tượng truy nã nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, những đối tượng đã thay đổi tên họ, lẩn trốn nhiều năm… các trinh sát phải có sự nhiệt tình, dốc hết công sức và tâm lực vào công việc. Như đối tượng Đào Văn Biện, 55 tuổi, quê ở xã Đông Các (Đông Hưng, Thái Bình), đã trốn khỏi trại giam từ 18 năm nay khi đang thi hành án về tội cướp tài sản. Dù Biện đã thay tên đổi họ, đã từng vào ẩn tu trong một ngôi chùa tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng các trinh sát vẫn phát hiện ra tung tích của gã.

Trực tiếp Trung tá Phạm Đình Luyến và một trinh sát nữa đã vào, phối hợp với Công an huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) bắt giữ Biện. Tuy chỉ có 7 cán bộ, chiến sĩ nhưng trong năm 2008, Đội truy nã đã bắt và vận động đầu thú được 40 đối tượng truy nã, trong đó có 22 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Từ đầu năm 2009 đến nay, các anh cũng đã bắt và vận động được 11 đối tượng truy nã.

Đối với những trinh sát bắt truy nã như các anh, đôi khi vì bận công việc, chểnh mảng chuyện gia đình mình nhưng nhất thiết phải nhớ và biết rõ ràng về từng sự kiện xảy ra trong gia đình đối tượng truy nã.

Hôm tôi về công tác tại Công an tỉnh Thái Bình, bắt gặp Trung tá Phạm Đình Luyến ngồi bần thần với quyển sổ ghi chép trên tay. Trong sổ là dày đặc thông tin về từng đối tượng có lệnh truy nã cần bắt giữ. Anh Luyến đang đánh dấu vào trang ghi của đối tượng truy nã Nguyễn Kim Hưng, 19 tuổi, trú tại Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Ngày mai trong nhà Hưng có việc tập trung đông người, rất có thể Hưng sẽ về nhà. Và đó là thời điểm xác minh và truy bắt đối tượng…

T.H.
.
.