Tết của những chiến sĩ An ninh ở buôn làng Tây Nguyên

Chủ Nhật, 11/02/2007, 09:49

Thức cho nhân dân yên ngủ, canh gác cho nhân dân vui chơi, giữ cuộc sống yên bình cho bà con vui Tết... Những điều đó đã trở thành lẽ sống của lực lượng Công an nhân dân nói chung và những người chiến sĩ An ninh nhân dân ở buôn làng Tây Nguyên nói riêng.

Nói chuyện Tết xa nhà, Thiếu tá Nguyễn Văn Chỉnh- Phó trưởng Phòng 2, Cục An ninh Tây Nguyên tâm sự: “Làm lính An ninh ngày thường ở buôn làng cơ sở là chuyện bình thường, nhưng ngày Tết, lễ lại càng phải túc trực ở buôn làng và không thể rời vị trí công tác bất cứ lúc nào”.

Những người không có Tết

Tôi cũng là người “có duyên” gắn bó với Tây Nguyên  hơn chục năm nay nên biết Thiếu tá Nguyễn Văn Chỉnh cũng từ dạo ấy. Nhớ khi chưa quen, có lần xuống buôn làng, tôi cứ nghĩ nhầm anh là một thanh niên Bah Nah, hay Jơ Rai nào đó. Cũng nước da đen chắc, tóc quăn, đầu trần, khoác áo buôn làng và đeo túi thổ cẩm nên mới nhìn không thể phân biệt được.

Sau lần chạm mặt, được một đồng nghiệp giới thiệu Chỉnh là “lính Bộ” nên tôi mới nhận ra anh. Thiếu tá Chỉnh cười và bảo: “Làm lính An ninh mà không ở làng, không cùng dân làng thì sao được”.

Còn Thượng tá Phạm Văn Vinh- Trưởng Phòng 3, Thượng tá Bùi Văn Đức- Trưởng Phòng 1, Cục An ninh Tây Nguyên, cùng những người “lính Bộ” gắn duyên lâu nhất ở Tây Nguyên cũng đều thường xuyên chấp nhận những cái Tết xa gia đình, vợ con như thế. Điện thoại là phương tiện thăm vợ con tốt nhất bây giờ của những người lính An ninh ở Tây Nguyên. Tây Nguyên - Hà Nội... xa vời vợi, đêm giao thừa, những chiến sĩ An ninh ở Tây Nguyên chỉ được gặp nhau, chúc nhau với vợ con, gia đình qua điện thoại là hạnh phúc lắm.

Các anh kể rằng, có lần giao thừa đi xuống làng không có sóng di động, điện thoại chúc Tết gia đình, vợ con cũng đành bó tay. Sau đợt công tác cơ sở trở về niềm hạnh phúc ấy mới được thực hiện. Việc động viên, an ủi gia đình, vợ con về mặt tinh thần để vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ cũng được những người chiến sĩ An ninh xa nhà kinh qua thường ngày.

Nhưng có lẽ sự yêu thương thông cảm và sẻ chia nhọc nhằn ở “hậu phương” của những người mẹ, người vợ sẽ càng hiểu hơn và hy sinh thầm lặng cho cái chung vì sự bình yên ở buôn làng Tây Nguyên. Có lẽ vì thế mà cả những cái Tết qua đi lúc nào không biết, quên cả mùa xuân, các anh - những người lính An ninh vẫn cứ chân trần, túi thổ cẩm đi khắp buôn làng, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Buôn làng là quê hương

Hơn 23 năm gắn bó với buôn làng Tây Nguyên, Đại tá Nguyễn Xuân Hà - Phó Cục trưởng Cục An ninh Tây Nguyên, kể rằng, mình cùng anh em cơ quan đều đã quen với những cái Tết ở buôn làng.

Thông thường hàng năm từ 27 Tết, anh em cán bộ, chiến sĩ An ninh bắt đầu được phân công xuống từng địa bàn để lo Tết cho dân. Mỗi người một ít tư trang cá nhân với mì tôm, bánh kẹo rồi về buôn làng. Lúc đầu có anh em nhớ nhà, nhớ Tết ở quê nằng nặng trong lòng nhưng dần rồi cũng thành quen và chịu gắn bó với buôn làng Tây Nguyên.

Đại tá Nguyễn Xuân Hà kể, có cái Tết khiến anh nhớ rất lâu là năm 1985 cùng với các trinh sát An ninh ở Công an tỉnh Gia Lai tổ chức vui xuân với bà con tại thị trấn Phú Thiện, Ayun Pa, Gia Lai. Đêm giao thừa anh em phân nhau ở các làng, đợi đến khi bà con ngon giấc thì mới tập trung lại chúc nhau một ly rượu xuân đầu năm.

“Tết ấy, 6 anh em trong tổ, gồm 2 lính An ninh của Bộ, 4 trinh sát An ninh tỉnh vui cái Tết với bà con ở đây gói gọn trong lít rượu mía ...”. Bà con trong làng thấy thương nên mang rau, mang gà đến cùng vui...

Các chiến sĩ An ninh kể rằng, đêm giao thừa ở buôn làng luôn chứa chất nhiều kỷ niệm khó quên. Đơn sơ bánh kẹo, rượu cần, thịt nướng nhưng ấm tình nghĩa quân dân, nặng tình đồng chí, đồng bào.

Tết ở làng bây giờ, các chiến sĩ An ninh cũng được vui chung với niềm vui của những cô gái, chàng trai Jơ Rai, Bah Nar, Ê Đê, M’Nông... cùng bên ché rượu cần, cơm lam, thịt nướng và những điệu xoang nhịp nhàng. Tình đất, tình người, tình xuân được hòa quyện nhau thật ấm áp bên bếp lửa hồng rực rỡ, cùng hơi men rượu cần nồng nàn và kể nhau nghe những câu chuyện truyền thống của buôn làng Tây Nguyên như Bok Núp, Kpă Klơng đánh giặc...

Giữ gìn cho Tây Nguyên bình yên, những người chiến sĩ An ninh nhân dân không tiếc máu xương mình, sẵn sàng hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp chung của đất nước. Thức cho dân ngủ, canh gác giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân vui chơi, đó cũng là lẽ sống của riêng mình. Bởi các anh là những người chiến sĩ An ninh nhân dân

Ngọc Như
.
.