Tây Nguyên: Thầm lặng trận tuyến phía Tây đèo Viôlắc

Thứ Sáu, 09/11/2007, 16:09
Có về được mảnh đất vùng sâu, vùng xa nằm giữa đại ngàn Trường Sơn như Kon Plông trong mùa mưa lũ, chứng kiến cảnh các chiến sĩ Công an tỉnh Kon Tum bận rộn với việc dựng lại nhà cửa cho bà con, cùng bà con dọn dẹp vệ sinh môi trường, sửa sang lại đường sá,... càng hiểu thêm giá trị về tình dân quân cá nước...

Sáng 7/11, chiếc U oát chở tôi cùng các cán bộ, chiến sĩ Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh Kon Tum vượt trên 100 cây số đường rừng về huyện Kon Plông, nơi đồng bào K'Dong, H're, Xêđăng... đã bị nạn gió lốc và mưa lũ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Cơ quan Công an huyện Kon Plông nằm lọt giữa ngút ngàn rừng thông Măng Đen, vùng đất được ví như "Đà Lạt thứ hai", mùa này giá rét căm căm. Trung tá Nguyễn Văn Lân, Trưởng Công an huyện, cho biết: Huyện Kon Plông có 9 xã, 87 thôn và 117 làng, với hơn 22.000 dân.

Thời gian qua, lực lượng Công an huyện luôn bám sát địa bàn phối hợp với các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của bọn phản động FULRO.

Đặc biệt, dù địa bàn núi rừng Trường Sơn Đông rất hiểm trở, cheo leo, song do có sự phối hợp chặt chẽ với Công an các huyện giáp ranh như: Công an Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây (Quảng Ngãi); Công an Nam Trà My (Quảng Nam) và Công an huyện Kon Rẫy (Kon Tum) nên tình hình an ninh chính trị và TTATXH trên địa bàn được giữ vững.

Hiện nay, tất cả cán bộ, chiến sĩ đều xuống địa bàn giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ và gió lốc. Một tổ công tác đang cùng chính quyền, Công an và nhân dân xã Măng Cành tổ chức tìm kiếm xác bà Y Linh và cháu gái Y Nen đi làm rẫy lội qua sông bị nước lũ cuốn trôi mất tích. Các tổ công tác khác cũng được triển khai xuống giúp dân lợp lại nhà cửa, công trình trường học bị gió lốc và mưa lũ làm sập, tốc mái.

Khó khăn nhất là 5 xã nằm cách trung tâm huyện từ 45-80 cây số vẫn bị mưa lũ làm ngập đường, sạt lở núi cô lập từ nhiều ngày nay. Đó là các xã Đăk Tăng, Măng Bút, Đăk Nên, Đăk Rin và Ngọc Têm. Mỗi xã có trung bình hơn 2 nghìn hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống rất khó khăn.

Cũng may là trước khi xảy ra mưa lũ do ảnh hưởng bão số 5, huyện đã đưa lương thực, thực phẩm dự trữ về các xã này nên cuộc sống thường nhật của người dân tạm thời ổn định. Tuy nhiên, nếu bão số 6 đổ bộ vào miền Trung thì vùng Kon Plông sẽ tiếp tục xảy ra mưa lũ, đường giao thông lại ách tắc, có thể dẫn đến nguy cơ thiếu đói của đồng bào.

Do đường về các xã nằm sâu trong rừng bị cô lập, không sử dụng các phương tiện ôtô hay xe máy quấn xích để đi được, các tổ công tác xuống địa bàn giúp dân phải cuốc bộ, song cố gắng lắm thì mỗi giờ các anh cũng chỉ đi được khoảng 4-5 cây số...

Chúng tôi về xã Pờ Ê nằm ở chân đèo Viôlắc, bên kia đèo là huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Tại Pờ Ê, Trung tá Lê Duy Lãm, Phó Công an huyện đang chỉ đạo một tổ công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường, dựng lại nhà cửa trường học cho đồng bào. Ông Đỗ Văn Hiến, Chủ tịch xã, cho hay: Xã có 374 hộ dân, với 1.858 khẩu, chiếm đa số là bà con H're, Mơ Nông.

Mưa lũ và gió lốc đã làm tốc mái 1 phòng học, 1 nhà văn hóa cộng đồng và gần 60 nhà, kho chứa lúa của người dân. Nhiều gia súc như trâu, dê cũng bị chết vì giá lạnh; giao thông đi lại giữa các thôn cũng đang ách tắc do lở núi.

Ngay sau khi xảy ra thiên tai, lực lượng Công an bám địa bàn cùng sự hỗ trợ của các tổ công tác Công an huyện đã kịp thời phối hợp cùng chính quyền, các đoàn thể địa phương giúp dân khắc phục hậu quả nên bà con mừng lắm. Đồng bào tích cực cùng lực lượng Công an sửa chữa lại nhà cửa, trường học.

Ông A Kay xúc động nói: "Mưa lũ, gió lốc làm nhà cửa đồng bà mình hư hết. Chừ có các anh Công an về giúp lợp lại, đồng bào mình cảm ơn nhiều lắm!".

Có về được mảnh đất vùng sâu, vùng xa nằm giữa đại ngàn Trường Sơn như Kon Plông trong mùa mưa lũ, chứng kiến cảnh các anh Công an bận rộn với việc dựng lại nhà cửa cho bà con K'Dong, H're, Xêđăng, Mơ Nông... hoặc cùng bà con dọn dẹp vệ sinh môi trường, sửa sang lại đường sá để nối liền giao thông giữa các thôn, làng, càng hiểu thêm giá trị về tình dân quân cá nước...

Long Vân
.
.