Niềm vui đặc xá tại Trại giam Cái Tàu
Thượng tá Lê Quốc Phấn - Giám thị cùng tập thể cán bộ của trại liên tục mấy tháng qua đã dồn nhiều công sức... bởi công việc chuẩn bị cho ngày đặc xá luôn phải tập trung và rất vất vả nhưng tập thể đơn vị này đã biết lấy niềm vui của những phạm nhân được đặc xá làm niềm vui của mình. Giám thị Lê Quốc Phấn cho biết, trại đóng trên vùng đất chua phèn, ngập mặn thuộc huyện U Minh và Trần Văn Thời, của tỉnh Cà Mau - tỉnh cuối cùng của cực Nam Tổ quốc. Trong điều kiện xa xôi, còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất như thế nhưng tập thể cán bộ, chiến sĩ của đơn vị luôn đồng sức, đồng lòng, đoàn kết vươn lên. Công tác chuyên môn của trại nhờ thế cũng dần đi vào nề nếp.
Giám thị Trại Cái Tàu thông tin cho tôi nghe những con số cụ thể và hết sức ấn tượng mà tập thể trại đã nỗ lực đạt được trong 5 năm qua: Có 3.064 người được tha hết án, 392 người được giảm hết án, 6.800 lượt người được giảm có thời hạn từ 3 đến 24 tháng, 1.648 người được đặc xá tha tù (riêng đợt đặc xá dịp 2-9 này có 465 phạm nhân có tên trong danh sách đề nghị đặc xá), 109 người được tạm đình chỉ chấp hành án (chủ yếu là để về nhà điều trị bệnh).
PV Báo CAND tiếp xúc với một phạm nhân của Trại giam Cái Tàu có tên trong danh sách đề nghị đặc xá nhân dịp Quốc khánh năm nay. |
Để có được niềm vui đặc xá như ngày hôm nay, các đội chuyên môn nghiệp vụ của trại luôn quan tâm đến việc rà soát, lập danh sách, thống kê phân loại sức khỏe, phạm nhân mù chữ và vị thành niên, giới tính để bố trí lao động, học tập phù hợp, giúp họ có điều kiện hoàn lương. Giám thị trại phấn khởi kể thêm: Tệ nạn "đầu gấu", "đại bàng", "anh chị" đã được giải quyết dứt điểm. Đời sống vật chất, tinh thần và đặc biệt là sức khỏe của phạm nhân được quan tâm, chăm lo đúng mức. Liên tiếp nhiều năm qua, Trại Cái Tàu không có trường hợp phạm nhân bị suy kiệt, không xảy ra dịch bệnh. Hàng năm, trại kết hợp với Bệnh viện Đa khoa Cà Mau tổ chức mời bác sĩ khám, chữa trị chăm sóc y tế cho phạm nhân tại trại. Trường hợp nào ốm đau nặng, quá khả năng chữa trị của Bệnh xá Trại đều được chuyển viện kịp thời. Nhiều trường hợp phạm nhân bệnh nặng được Ban giám thị thông báo cho gia đình kết hợp chữa trị hoặc làm thủ tục cho tạm đình chỉ về gia đình chữa trị.
Một cán bộ trại hướng dẫn cho tôi xem hệ thống bếp đun bằng công nghệ lò hơi trị giá hơn 1 tỷ đồng. Anh còn cho tôi tham khảo tiêu chuẩn định lượng, chất lượng của một phạm nhân trong 1 tháng theo quy chế của trại. Các loại thực phẩm thịt, cá, ra xanh,… đều được nâng lên. Trong căng tin, có đầy đủ các mặt hàng, thực phẩm cần thiết. Giá cả được niêm yết công khai bằng với mặt bằng giá tại địa phương nơi trại đóng quân.
Tôi hỏi chuyện thăm gặp, liên lạc với gia đình của các phạm nhân, Giám thị Trại Cái Tàu cho biết hiện tất cả các phân trại, khu sản xuất đều có lắp đặt điện thoại, nhà thăm, gặp. Phạm nhân cải tạo tốt được Ban giám thị tạo điều kiện tối đa. Ngoài chuyện thăm gặp, mỗi phạm nhân được gọi điện thoại, trò chuyện với thân nhân mỗi tháng 1 lần. Còn chuyện "Căn buồng hạnh phúc", hiện tại Phân trại 1, có tới 5 buồng, được trang bị đầy đủ, thoáng mát, sạch sẽ để các phạm nhân được gặp vợ hoặc chồng của mình.
Buổi chiều tại Phân trại 1, chúng tôi đã tiếp xúc, trò chuyện với gần chục phạm nhân và được biết, ngoài việc được học về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nội quy, quy chế trại giam,… phạm nhân còn được Ban giám thị cập nhật chuyện thời sự, xã hội.
Nhiều phạm nhân đã rớt nước mắt kể với chúng tôi rằng nhờ sự giúp đỡ quý báu của trại mà giờ đây họ tự đọc báo, tự viết thư gởi về gia đình và bạn bè. Hỏi thêm, tôi được biết, liên tiếp 2 năm qua, trại đã mở 2 lớp xóa mù chữ cho gần 200 phạm nhân. Ban giám thị Trại Cái Tàu cũng đã chủ động hợp tác với các DN có uy tín dạy nghề, truyền nghề cho hàng ngàn phạm nhân. Phạm nhân của Trại Cái Tàu giờ đây tự hào với tay nghề của mình qua một số nghề đặc thù gắn với vùng đất Cà Mau như: Nuôi cá, nuôi tôm, trồng rau - màu, trồng mía…
Đội trưởng Hồ sơ, quản giáo - Trung tá Dương Xuân Thắng cho tôi biết thêm, cảm nhận được sự quan tâm đầy tính nhân đạo như thế nên tỷ lệ phạm nhân vi phạm nội quy trại giảm hẳn. Trật tự kỷ cương được giữ vững, số phạm nhân được xếp loại cải tạo tốt chiếm 14,5%, loại khá gần 80%.
Phạm nhân Nguyễn Thị Lệ, 44 tuổi, quê ở xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), bị phạt tù 16 năm, đã ở tù 6 năm 1 tháng 26 ngày, đã được giảm án 1 lần, có tên trong danh sách đề nghị được đặc xá lần này, giọng nghẹn ngào khi trò chuyện với tôi: "Hồi mới vô đây, tôi sợ lắm. Với kẻ từng phạm tội giết người (chị Lệ đã giết chồng do bị chồng bạo hành) như tôi chắc sẽ khó có cơ hội được xem xét giảm án, đặc xá. Nhưng ngay từ những ngày đầu tiên, tôi được cán bộ tiếp xúc, động viên… tôi đã vượt qua những suy nghĩ nông cạn".
Và sau những ngày đầu tiên được học tập, cải tạo, chị đã khóc thật nhiều nhất là khi nhớ tới mẹ già, nhớ đến người cha đã mất sau khi chị ngồi tù được 3 năm, nhớ lời của đứa con gái lớn ngày chị ra tòa mới có 14 tuổi, nhớ tới lời khuyên đầy tình người của cán bộ quản giáo. Đó chính là sự cụ thể hóa chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp luật đối với những con người thật sự ăn năn hối cải trước lỗi lầm của bản thân trong qúa khứ, thật sự muốn hoàn lương trở về gia đình, tái hòa nhập và trở thành người có ích cho xã hội