Những người giữ bình yên Côn Đảo

Thứ Hai, 13/09/2010, 10:20
Côn Đảo, một địa danh nổi tiếng trên bản đồ Việt Nam. Nơi mang trong mình nhiều dấu tích lịch sử lẫn huyền thoại về cuộc đấu tranh giữ nước của dân tộc. Tự hào biết mấy khi hơn 50 CBCS Công an huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được giao nhiệm vụ đảm bảo trật tự an ninh ở mảnh đất mang trong mình bao máu xương của người Cộng sản và đang được dựng xây để trở thành một hòn ngọc ở vùng biển Đông Nam của Tổ quốc.

Thân tình, thắm tình đồng chí, đồng đội là cảm nhận của chúng tôi khi tiếp xúc với CBCS, Công an huyện Côn Đảo. Các anh, những người con đến từ đất liền, người ít thì mới gia nhập lực lượng Công an huyện đảo vài tháng, người nhiều thì đã trên 30 năm đều rất yêu hòn đảo này.

Bên dưới những tán bàng cả trăm năm tuổi, chúng tôi được nghe những câu chuyện về người chiến sỹ Cộng sản, được tận mắt nhìn thấy chứng tích của cuộc chiến không khoan nhượng giữa các chiến sỹ cách mạng với kẻ thù thực dân, đế quốc. Và cũng tại đây, chúng tôi được chứng kiến những nỗ lực mà các chiến sỹ Công an huyện đã làm được để giữ gìn một Côn Đảo bình yên.

Thượng tá Trần Văn Quý, Phó Trưởng Công an huyện cho biết, cư dân Côn Đảo có hơn 6.000 người, chủ yếu làm các nghề dịch vụ, sơ chế thuỷ sản, nông nghiệp. Vốn là một địa danh lịch sử, nơi có Di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo nổi tiếng, có nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của nhiều chí sỹ yêu nước, anh hùng, liệt sỹ và có cảng cá Bến Đầm nên lượng du khách, ngư dân đến Côn Đảo lên cả triệu lượt người mỗi năm. Để đảm bảo an toàn cho du khách, làm tốt công tác quản lý người tạm trú là nỗ lực rất lớn của CBCS Công an huyện đảo.

CBCS Công an Đồn Bến Đầm, Côn Đảo đi thực địa tại cảng.

Mỗi ngày, sân bay Côn Đảo (còn gọi là sân bay Cỏ Ống) có 3-4 chuyến bay từ TP HCM ra. Vào các ngày cuối tuần, ngày nghỉ lễ, số lượng chuyến bay từ TP HCM ra Côn Đảo đều tăng nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch của du khách. Ngoài ra, còn phải kể đến 2-3 chuyến tàu thuỷ cập cảng Bến Đầm mỗi ngày. Ngày thường, lượng tàu, ghe cập cảng Bến Đầm vài chục chiếc. Vào mùa gió chướng, ngày mưa bão, số lượng tàu, ghe cập cảng càng nhiều khiến lượng người tạm trú tăng đột biến. Điều này cũng đặt ra cho Công an huyện đảo những thách thức trong công tác quản lý.

Ngày 21/7, tại cảng Bến Đầm, chúng tôi đã gặp Thượng sỹ Đỗ Phúc Hiệp khi anh đang làm công tác tuần tra kiểm soát. Đồng chí Hiệp cho biết, anh thuộc biên chế của Công an huyện Côn Đảo nhưng được phân công công tác tại đồn Công an Bến Đầm. Đồn có 8 CBCS, được giao nhiệm vụ làm công tác đảm bảo ANTT tại cảng Bến Đầm.

Theo chân Hiệp, chúng tôi xuống tàu hàng chở vật liệu xây dựng. Nhìn cách anh vui vẻ trò chuyện với những người lao động đang vác xi măng từ hầm tàu lên bờ, chúng tôi biết giữa họ có sự thân tình. Ở tàu bên cạnh là cảnh bốc dỡ những tải cá cơm ướp đá. Những giọt mồ hôi của ngư phủ lấm tấm trên trán, những đôi bàn tay chai sần chuyển cá lên bờ...

Tốt nghiệp Trường Trung học Cảnh sát nhân dân II tháng 9/2008, ngày 15/10/2008, Hiệp chính thức nhận công tác tại Công an huyện Côn Đảo. Khi tôi hỏi: "Em được tổ chức phân công hay tình nguyện ra Côn Đảo?", Hiệp cười bảo rằng: "Một chú ở Phòng Tổ chức cán bộ, Công tỉnh hỏi, "cháu có ra Côn Đảo được không?", em trả lời ngay, "con ra được". Thế là ra thôi chị".

Ba là thương binh, mẹ mất sức lao động, các chị đều có gia đình riêng nên Hiệp có thể từ chối nhận nhiệm vụ ở Côn Đảo, song không. Sau khi nhận quyết định, Hiệp ra cảng Cát Lơ, phường 11, thành phố Vũng Tàu đón tàu thuỷ ra Côn Đảo. 12 giờ sau, tàu cập cảng Bến Đầm. Mấy đồng chí ở Công an huyện Côn Đảo đã đợi sẵn nhanh chóng đưa tân binh về trụ sở. Thế rồi chỉ nửa tháng sau, Hiệp được Công an huyện điều động ra công tác ở đồn Công an Bến Đầm và gắn bó đến nay.

Ở Bến Đầm, công việc của Hiệp và đồng đội rất bận rộn. Hầu như ngày nào anh em cũng ứng trực 100% quân số. "Tụi em như CS 113 đó chị, khi nhận tin có liên quan đến ANTT chỉ sau 3 phút là có mặt", Hiệp tâm sự.

Do lượng người vãng lai đông, đặc biệt là số người theo các ghe, tàu đánh bắt xa bờ cập cảng Bến Đầm lớn, kéo theo những phức tạp về ANTT nên CBCS thường xuyên bám sát địa bàn. Có không ít ngư dân sau nhiều tháng lênh đênh trên biển, khi vào đảo có biểu hiện ăn chơi. Có cung, ắt có cầu, một số cửa hàng dịch vụ phục vụ ăn uống, giải trí mọc lên bên cảng Bến Đầm.--PageBreak--

Đồn Công an Bến Đầm nắm bắt tình hình, báo cáo Công an huyện. Công an huyện kết hợp với đội kiểm tra liên ngành 178 kiểm tra các cơ sở kinh doanh ăn uống, giải khát ở khu vực cảng Bến Đầm phát hiện và lập biên bản 5 trường hợp vi phạm sử dụng tiếp viên ngồi với khách.

Vốn là nơi tập trung nhiều người vãng lai nên không thể loại trừ đối tượng hình sự trà trộn. Nhờ làm tốt công tác nắm địa bàn nên Đồn Công an Bến Đầm đã phát hiện đối tượng trốn truy nã Nguyễn Hữu Tại, 26 tuổi, quê ở Bình Định. Tại bị Công an tỉnh Ninh Thuận ra quyết định truy nã toàn quốc về tội giết người. Để lẩn tránh, Tại đi đánh cá thuê trên các ghe, tàu.

Trong những ngày Tại quá giang ở Bến Đầm, hắn bị phát hiện là đối tượng trốn truy nã. Sau khi có kết quả xác minh từ Công an tỉnh Ninh Thuận, CBCS Đồn Công an Bến Đầm đã động viên hắn đầu thú. Trước thái độ chân thành và sự phân tích hợp tình, hợp lý, Nguyễn Hữu Tại ra đầu thú. 2 ngày sau, cán bộ của Công an tỉnh Ninh Thuận ra Côn Đảo dẫn giải Tại về đất liền theo thẩm quyền.

Có những đối tượng gây án lẩn trốn ra Côn Đảo và cũng có kẻ phạm tội ở Côn Đảo vào đất liền lẩn trốn. Thế nên, công tác bắt truy nã và phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an các tỉnh là việc thường xuyên được Công an huyện Côn Đảo duy trì.

Khánh thành nhà treo đại hồng chung ở Côn Đảo. Ảnh: Quỳnh Mi.

 Trung tá Trần Văn Thị, Phó Trưởng Công an huyện cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2010, đơn vị đã tổ chức vào đất liền bắt hai đối tượng trốn truy nã. Bắt đối tượng trốn truy nã vốn đã rất khó khăn nhưng đối với Công an huyện đảo còn khó khăn hơn nhiều. Thế nhưng các anh đã bắt và dẫn giải thành công hai đối tượng trốn truy nã là Nguyễn Thị Thanh và Nguyễn Văn Đơ phạm tội đánh bạc và cướp giật. Cũng trong khoảng thời gian này, trên địa bàn huyện đã xảy ra 4 vụ phạm pháp hình sự được Công an huyện khám phá 100%.

Đất rộng, người thưa, lượng người lưu thông trên đường rất ít, Song ý thức chấp hành trật tự giao thông của người dân Côn Đảo rất cao. Có được điều này là nhờ công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, duy trì thường xuyên công tác tuần tra kiểm soát giao thông. Trong 6 tháng đầu năm, Công an huyện đã lập biên bản vi phạm 127 trường hợp, tạm giữ 1 ôtô, 49 mô tô và ra quyết định xử phạt 153 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Công an huyện cũng đăng ký mới 68 xe môtô, làm thủ tục cấp phát 158 chứng minh nhân dân.

Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh gas xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy, triển khai công tác kiểm tra phòng cháy chữa cháy vào mùa khô hanh. Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc là một phần việc đặc biệt quan trọng được Công an huyện Côn Đảo phối hợp với các tổ chức đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Ban dân vận huyện uỷ, Hội cựu chiến binh... thực hiện trong nhiều năm, nhiều giai đoạn. Qua đây, quần chúng nhân dân đã phát hiện, tố giác tội phạm và giúp cơ quan Công an làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

100% CBCS Công an huyện Côn Đảo đều là người từ đất liền ra. Nhiều lượt CBCS đến với Côn Đảo theo phân công của tổ chức theo thời hạn nhưng cũng có người đã gắn bó trọn đời với Côn Đảo. Đồng chí Huỳnh Thanh Khiết, Trưởng Công an huyện là người có mặt ở Côn Đảo từ năm 1976. Tính đến nay, anh đã gần 35 năm sống và cống hiến cho Côn Đảo. Người có thâm niên gắn bó với Côn Đảo lâu thứ hai phải kể đến đồng chí La Thành Triện, Đội phó Đội Tham mưu Tổng hợp.

Ngay như đồng chí Trần Văn Thị cũng gắn bó với Côn Đảo ngót nghét 30 năm. Đồng chí Thị quê ở Kiên Giang. Năm 1981, anh ra Côn Đảo thăm người anh trai là Trần Gia Hợp đang công tác tại Công an huyện. Yêu thích lực lượng Công an và muốn gắn bó lâu dài nên anh viết đơn tình nguyện tham gia lực lượng và chấp nhận. Năm 1983, anh lấy vợ ở Kiên Giang và đưa chị ra đảo sinh sống. Đến nay, con trai anh là Trung úy Trần Thành Công cũng đang công tác tại Công an huyện Côn Đảo. "Càng gắn bó lâu, càng thêm yêu mảnh đất này", đồng chí Thị hồ hởi cho biết.

Côn Đảo của "địa ngục trần gian" hôm nay đang thay da đổi thịt trở thành một điểm tham quan du lịch, nghỉ dưỡng, đầu tư hấp dẫn. Được giao nhiệm vụ giữ bình yên trên mảnh đất mà hàng ngàn chiến sỹ Cộng sản đang yên nghỉ, Công an huyện Côn Đảo nguyện noi gương nữ anh hùng CAND Võ Thị Sáu làm tốt nhiệm vụ mà Đảng và ngành giao phó

Cao Hồng (Báo CAND số 19/8)
.
.