Những cán bộ Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát, Bộ Công an góp phần làn nên những cuộc đoàn tụ

Thứ Hai, 22/03/2010, 17:29
Theo Biên tập viên Thu Uyên, người phụ trách chương trình NCHCCCL nói: Một trong những đơn vị tận tình giúp đỡ cho sự thành công của chương trình là Cục C27, đặc biệt là ở phía Nam, giúp tra cứu suy luận để chương trình NCHCCCL đưa ra những trường hợp giống nhất. Từ những thông tin trên, giúp ê kíp của chương trình NCHCCCL khoanh vùng những trường hợp đỡ mất thời gian và công sức. 

Thiếu tướng Triệu Quốc Kế, Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát (NVCS) chia sẻ với chúng tôi cái "duyên" đưa họ đến với chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly (NCHCCCL): Sau nhiều kỳ xem chương trình, cán bộ, chiến sỹ của Cục C27 rất xúc động, chứng kiến cảnh đoàn tụ sau nhiều năm của các gia đình bị ly tán. Mỗi người đều nhận thấy đây là chương trình rất nhân văn, mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Họ tâm niệm một điều rằng, một cuộc tìm kiếm dù thành công hay chưa thành công đều đem lại niềm tin, nguồn hạnh phúc lớn lao cho mỗi thành viên trong gia đình và cho xã hội…

Thiếu tướng Kế chia sẻ: "Chúng tôi được giao quản lý khai thác nguồn tài sản vô giá, có nhiều dữ liệu công dân, giúp cho việc tìm kiếm đỡ tốn công sức và thời gian hơn, đồng thời có hiệu quả. Chúng tôi đặt vấn đề với đài, đóng góp sức của mình giúp những gia đình ly tán gặp gỡ nhau. Với quyết tâm và khả năng hiện có, hy vọng sẽ giúp phần nhỏ bé thành công của những người làm chương trình NCHCCCL".

Vào một ngày tháng 3/2009, chương trình NCHCCCL nhận được điện thoại Cục C27 với nội dung các thủ trưởng và chiến sỹ của Cục C27 rất hoan nghênh chương trình và có khả năng giúp đỡ… Điều này, thật đúng với mong ước của những người thực hiện NCHCCCL, bởi khi thực hiện chương trình này, họ mong muốn không chỉ các cơ quan chức năng, mà cả những người dân trong xã hội sẽ chung tay kết nối đưa những người bị ly tán trở lại với người thân.

Biên tập viên Thu Uyên, người phụ trách chương trình NCHCCCL nói: Một trong những đơn vị tận tình giúp đỡ cho sự thành công của chương trình là Cục C27, đặc biệt là ở phía Nam, giúp tra cứu suy luận để chương trình NCHCCCL đưa ra những trường hợp giống nhất. Từ những thông tin trên, giúp ê kíp của chương trình NCHCCCL khoanh vùng những trường hợp đỡ mất thời gian và công sức. 

Lãnh đạo C27 và Ban Biên tập chương trình NCHCCCL tại cuộc gặp.

Thượng tá Vũ Hải Vân, Trưởng phòng 6 nhớ lại những ngày đầu nhận nhiệm vụ: Lúc ấy cán bộ trong đơn vị xác định đây là yêu cầu rất khó bởi lượng thông tin vừa ít lại vừa thiếu cả về số lượng và chất lượng thông tin, hầu hết đều chỉ là thông tin nghe kể lại, nói lại… Phòng 3 và Phòng 6 đã chủ động tìm kiếm các thông tin thất lạc do chiến tranh di tản, có những tàng thư đã được xây dựng từ mấy chục năm qua. Việc tìm kiếm chẳng khác gì "mò kim đáy bể", bản thân người tìm kiếm không chắc về thông tin, trong khi đó, hồ sơ chỉ cần sai một cái tên "lót" cũng chẳng thể tìm ra. Lúc ấy, cán bộ Cục C27 phải cẩn thận tra cứu từng tàng thư. Có những hồ sơ được gửi đến, anh em phải huy động cả các phòng nghiệp vụ của Công an các tỉnh cùng vào cuộc.

Trong 8 tháng đầu năm 2009, Cục C27 đã tiếp nhận 199 trường hợp, trong đó căn cứ vào thông tin C27 đã tìm ra 23 trường hợp thất lạc được trở về đoàn tụ cùng gia đình. Chỉ tính riêng Phòng 6 đã khẳng định chính xác 14 địa chỉ cần tìm. Hiện nay, ê kíp của chương trình NCHCCCL vẫn tiếp tục tìm kiếm theo 44 địa chỉ do Phòng 6 cung cấp…

Nhận được một yêu cầu tra cứu, cán bộ Cục C27 làm việc chẳng có thời gian nghỉ. Bởi khai thác hồ sơ trên căn cước can phạm thật vô cùng vất vả, họ phải áp dụng tính theo phương pháp cộng trừ 3. Có khi xác định một người sinh năm 1956 nhưng phải tra cứu trong 7 năm mới lần ra. Với một khối lượng tàng thư rất lớn, có khi chỉ một cái họ, một cái tên cũng phải tra cứu cả một buổi sáng. Vất vả vậy nhưng anh em chẳng ai nề hà, chẳng quản ngại giờ giấc.

Rồi kế đó là những vùng miền phát âm không giống nhau, chỉ một chữ cái như chữ S và X cũng có khi bị hiểu sai, hoặc những âm vần như "vân" và "dân" ở các địa phương cũng có cách phát âm khác nhau. Để hoàn chỉnh được một yêu cầu phải tốn rất nhiều thời gian, nếu không thực sự tâm huyết với nghề, với những mảnh đời lưu lạc thì khó lòng hoàn thành được nhiệm vụ.

Nhờ thông tin từ Cục C27, nhiều cuộc tìm kiếm đã thành công như trường hợp tìm ông Đỗ Văn Hào, SN 1920, trú tại Hưng Yên, có cha tên là Đỗ Văn Sứng và mẹ là Lê Thị Liền. Kết quả tra cứu của C27 đã xác định ông Đỗ Văn Hào, SN 1925 tại Mài Hòa, Hưng Yên, có địa chỉ lập căn cước tại 142/128 Vĩnh Viễn, Sài Gòn. Họ tên vợ là Nguyễn Thị Tín, tên cha là Đỗ Văn Thụy và tên mẹ là Lê Thị Liền.

Với những thông tin trên, chương trình NCHCCCL đã liên hệ, tra cứu và tìm kiếm tại Công an TP HCM và Công an phường 10, quận 9. Qua quá trình tìm kiếm đã xác định được địa chỉ cụ thể của gia đình đang sinh sống và sau khi trao đổi về hoàn cảnh của ông Hảo và gia đình thì đây đúng là người mà chương trình cần tìm.

Bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, cán bộ, chiến sỹ Cục C27 đã góp phần vào những cuộc đoàn tụ của biết bao gia đình. Hình ảnh những cán bộ hồ sơ tận tình, miệt mài, cẩn trọng tra cứu từng trang tài liệu luôn tươi đẹp trong lòng dân

Xuân Mai
.
.