Nghị lực vượt lên hoàn cảnh
Nhưng cả những lúc bệnh tật nguy hiểm, giữa những đợt xạ trị dài ngày, Dương cũng chưa bao giờ bỏ nhiệm vụ. Nhìn chị cần mẫn bên những chồng hồ sơ, tận tụy làm thêm ngày, thêm giờ trả hồ sơ cho công dân trong thời gian sớm nhất, các đồng đội càng thêm cảm phục.
Cùng lúc đỗ hai trường đại học, trong đó có Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội nhưng Dương chọn theo học tại Học viện An ninh nhân dân. Sau 5 năm đèn sách, Dương ra trường rồi được điều động về Đội trinh sát, Phòng Bảo vệ chính trị Công an tỉnh Phú Thọ. Phần việc ấy đối với một nam giới không dễ dàng, với một phụ nữ vốn được coi là phái yếu còn khó khăn hơn nhiều.
![]() |
Thiếu tá Nguyễn Thị Thùy Dương. |
Là một trinh sát, Dương thường xuyên phải có mặt ở những địa bàn được phân công để nắm tình hình, đó là các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Thanh Thủy. Để đáp ứng yêu cầu công việc, Dương phải đi từ rất sớm rồi về nhà khi tối nhọ mặt người để không phải ở lại qua đêm. Khổ nhất là những lúc con còn nhỏ…
Những ngày đó, Dương vừa phải sắp xếp việc nhà, vừa đảm bảo nhiệm vụ do lãnh đạo đơn vị phân công. Sự mềm mại, nữ tính giúp Dương dễ dàng tiếp xúc với địa bàn, thu thập được nhiều tài liệu quan trọng, giúp lãnh đạo đơn vị chủ động trong công tác nắm tình hình, giữ gìn vững an ninh nông thôn tại địa bàn chị phụ trách.
Sau 5 năm làm công tác trinh sát, Thiếu tá Dương được điều động và bổ nhiệm làm Đội trưởng Đội Quản lý xuất nhập cảnh. Công việc của chị và đồng đội là quản lý công dân địa phương, xuất nhập cảnh, tiến hành cải cách hành chính, tạo hình ảnh đẹp của người chiến sỹ An ninh. Có thời điểm chỉ có 3 cán bộ chiến sỹ nhưng mỗi ngày Dương và đồng đội phải tiếp nhận 150 hồ sơ liên quan đến xuất nhập cảnh. Những con số phần nào nói lên những cố gắng của Thiếu tá Dương và những người đồng đội của chị.
Trong 3 năm (2012-2014), Dương và đồng đội đã tiếp nhận và giải quyết gần 50 nghìn hồ sơ, không để có vướng mắc phát sinh, đảm bảo quyền lợi của công dân. Qua công tác tiếp nhận và giải quyết, chị cùng đồng đội phát hiện 22 vụ, 30 trường hợp giả mạo hồ sơ giấy tờ để được cấp hộ chiếu, trong đó có nhiều vụ có dấu hiệu liên quan đến đường dây tổ chức giả mạo giấy tờ. Một trong số đó phải kể đến việc phát hiện đối tượng giả mạo hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu tại Sông Lô, Việt Trì (Phú Thọ).
Nguyễn Thúy Hoa còn có tên gọi khác là Nguyễn Thị Cảnh đã 2 lần thông qua môi giới ở Hà Nội làm hồ sơ và đã xuất cảnh sang Nga lao động, nhưng nay đã bị cấm nhập do vi phạm thủ tục đăng ký tạm trú. Vì hoàn cảnh gia đình, Hoa có nguyện vọng tiếp tục sang Nga lao động. Thông qua bạn bè có người nhà đang làm ăn sinh sống tại Nga, Hoa biết Nguyễn Thị Kim Liên ở Việt Trì, có chồng đang lao động ở nước này…
Thông qua sự giới thiệu của Liên, Hoa tìm đến người đàn ông tên Nam và được người này hướng dẫn cách mượn chứng minh nhân dân của Nguyễn Thị Tám, chị họ của Hoa để làm hồ sơ cấp hộ chiếu mang tên Tám, dán ảnh của Hoa vào đó. Trong quá trình làm thủ tục, Thiếu tá Dương và đồng đội đã phát hiện hành vi sai phạm của các đối tượng…
Trong những ngày này, Thiếu tá Nguyễn Thị Thùy Dương vẫn cần mẫn đi sớm về khuya, tận tụy với công việc, không để những hồ sơ hợp lệ phải đi lại nhiều lần. Sự tận tụy của Dương và đồng đội đã tạo được hình ảnh đẹp về người cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh trong lòng nhân dân. Sau những giờ làm việc căng thẳng, Thiếu tá Dương lại trở về bên mái ấm gia đình, bên chồng và hai cậu con trai. Sự yêu thương của người chồng cũng là một cán bộ Công an tỉnh Phú Thọ; sự giúp đỡ của những người đồng chí, đồng đội là động lực giúp Dương vượt qua cú sốc lớn lao về tinh thần và thể lực.
Với những thành tích đã đạt được, hai năm liên tiếp, Thiếu tá Nguyễn Thị Thùy Dương được Bộ Công an tặng 2 Bằng khen vì thành tích xuất sắc, ba năm liên tiếp được nhận danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở. Chị là một trong những tấm gương điển hình tiên tiến của Công an tỉnh Phú Thọ tham dự Đại hội thi đua Vì an ninh Tổ quốc của Bộ Công an.