Là chiến sĩ thi đua 22 năm liền

Thứ Bảy, 15/01/2005, 07:12

Về Hải Chánh (Hải Lăng, Quảng Trị) hỏi Phó Công an xã Nguyễn Văn Đồng, từ trẻ đến già không ai là không biết, bởi vì trường hợp vào "nghề" của anh khá đặc biệt. Hơn 20 năm tận tâm với công việc, hiệu suất công tác, chiến đấu mang lại từ sự nỗ lực của anh không phải ai cũng theo kịp.

Nguyễn Văn Đồng lớn lên khi miền Nam còn đang trong khói lửa của chiến tranh. Năm 1971, đang học dang dở, anh bị đòi "quân dịch". Sau khoá huấn luyện ngắn hạn tại Đà Nẵng, anh bị ném lên Pleiku, một "toạ độ lửa" của cao nguyên Trung phần - nơi đang chứng kiến những thất bại liên tiếp của lính ngụy khi cuộc chiến tranh đến dần giai đoạn cuối. Đồng chán nản tìm cách đào ngũ trốn về Đà Nẵng. Nhưng trong cái xã hội đầy rối ren bất trắc, sống nay đây mai đó mà không có lấy một thứ giấy tờ tùy thân, anh bị chúng bắt rồi đưa ra toà án binh xét xử tại Nha Trang.

 

Ngày miền Nam vừa mới giải phóng, anh lần tìm về quê trong phấp phỏng lo âu. Ra tới Đà Nẵng, đang lang thang trên đường Hòa Khánh thì thấy một chiến sĩ giải phóng quân đang loay hoay với chiếc xe chiến lợi phẩm. Vốn thành thạo các loại xe của Mỹ, Đồng đánh bạo sửa giúp. Thế là anh được "trưng dụng" luôn gần một tuần lễ để đưa đón bộ đội Trung đoàn 3 cơ động vào ra nội thành Đà Nẵng. Cũng nhờ hành động "nhận đường" đầu tiên này mà khi về quê, anh được miễn học tập cải tạo do có giấy xác nhận đã tích cực giúp đỡ bộ đội của Trung đoàn 3.

Anh hăm hở hòa nhập đời sống mới, cùng bà con khai hoang, phục hóa xây dựng lại làng mạc, xóm thôn. Sự "lột xác" đến với anh một cách tự nguyện khó ngờ. Cái gì cũng muốn học, cái gì cũng muốn biết. Từ học cày, học cuốc cho đến tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ, tuần tra bảo vệ trật tự hương thôn. Sự chân thành của anh đã gây được tình cảm trong số đông những cán bộ lãnh đạo chính quyền cách mạng lâm thời xã Hải Chánh. Qua nhiều lần cân nhắc, năm 1976 Nguyễn Văn Đồng được thu dụng vào Ban Văn hoá thông tin của xã. Đây chính là bước ngoặt của đời anh.

Hơn hai mươi năm tận tâm với công việc

Sau một thời gian phụ trách công tác văn hóa thông tin, đầu năm 1980, Nguyễn Văn Đồng được chuyển sang làm công tác Công an với chức danh Phó Công an xã. Lúc đầu cũng có lắm ý kiến hoài nghi ở anh, cả về thái độ chính trị lẫn năng lực. Nhưng những người lãnh đạo của xã đã đặt niềm tin vào anh. Đồng quyết không phụ lòng tin ấy bằng hành động và tấm lòng nhiệt thành với cách mạng.

Hải Chánh những năm sau giải phóng không phải là một địa bàn bình lặng, các loại đối tượng hình sự: cờ bạc, trộm cắp, chặn đường xin đểu; lại thêm các phần tử du thủ du thực chuyên móc túi hành khách... thường xuyên hoành hành, Đồng đã gặp gỡ những tay anh chị, lấy lời hay lẽ phải để khuyên giải, thuyết phục họ "rửa tay gác kiếm" trở về làm ăn lương thiện. Nhiều người đã nghe anh, nhưng cũng không ít kẻ cứng đầu bất chấp và hăm doạ lại. Anh mạnh dạn đề xuất chính quyền lập hồ sơ cho đi tập trung cải tạo.

Có một thực trạng trước đây ở Hải Chánh là sự phân biệt chính cư, ngụ cư, tranh chấp ngôi thứ họ tộc và xích mích giữa các thôn làm lòng dân không yên. Anh cùng các thành viên trong tổ hòa giải và Mặt trận lăn lộn xuống địa bàn 11 thôn của xã để vận động bà con lấy tình cảm và truyền thống "nhiễu điều phủ lấy giá gương" làm trọng, dẹp bỏ những hiềm khích, hẹp hòi cá nhân để chung sức xây dựng quê hương Hải Chánh ngày thêm rỡ ràng như danh xưng vốn có của vùng đất "sơn thủy hữu tình".

 

Từ một bộ phận, một vài xóm, thôn lan dần ra toàn xã. Nhiều đơn vị của Hải Chánh liên tiếp được công nhận "Làng văn hóa". Từ chỗ làm trong sạch địa bàn đã giúp Ban Công an Hải Chánh "phá nóng" nhiều vụ án mà thủ phạm là các đối tượng lưu động. Như lần anh tham gia bắt tên Hoàng Chí Phụng, thủ phạm trong một vụ cướp ở địa bàn huyện Triệu Phong trốn đến Hải Chánh để tìm cách vào Nam. Khi bị phát hiện, hắn chống trả quyết liệt, buộc anh phải "ra đòn hiểm" khống chế. Hoặc lần anh đối mặt với một tên tội phạm nguy hiểm dạt ra từ Huế. Biết hắn là võ sĩ có hạng, anh mưu trí dùng kế hoãn binh, nhưng quyết không rời đối tượng và tìm cách "bắn tin" cho đồng đội đến hỗ trợ.

 

Hơn hai mươi năm tận tâm với công việc, anh đã có 22 năm liền đạt danh hiệu "Chiến sĩ thi đua" và liên tục nhận được bằng khen, giấy khen từ cấp Chính phủ, Bộ Công an qua các thời kỳ đến cấp tỉnh và một số ban ngành khác. Mới đây, anh được tặng thưởng Huy chương "Vì ANTQ".

Hơn hai mươi năm... "vác tù và", cũng có lúc hoàn cảnh đặt anh trước những thử thách: kinh tế gia đình gặp khó khăn, vợ yếu, con đau... Nhưng trước nhiệm vụ anh chưa một lần thoái thác. Anh tâm sự: Thời gian đã cho anh cơ hội để chọn bước ngoặt của đời mình và anh đang còn nhiều duyên nợ với thời gian

Nguyễn Hùng
.
.