Kỷ niệm hào hùng của những chiến sĩ Công an chi viện chiến trường miền Nam

Thứ Hai, 29/04/2019, 10:35
Chiến thắng 30-4-1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ghi dấu trang vàng lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Làm nên chiến thắng lịch sử mang tầm thời đại ấy có sự đóng góp to lớn của lực lượng CAND. Những ngày tháng 4 lịch sử này, những ký ức về một thời hoa lửa lại ùa về với những chiến sĩ Công an chi viện chiến trường miền Nam.


Thiếu tướng Phan Văn Lai, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng phóng viên ôn lại những kỷ niệm nơi chiến trường.

Trở về miền ký ức, các đại biểu bồi hồi nhớ lại: Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chủ trương của Đảng, từ trước đó, lực lượng Công an miền Bắc và An ninh miền Nam đã tích cực khẩn trương chuẩn bị mọi mặt để phục vụ Tổng Tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Trong đó tập trung xây dựng lực lượng đủ sức đảm bảo trật tự trị an, chống chiến tranh phá hoại miền Bắc và chủ động, tích cực trong chi viện cho An ninh miền Nam; đảm bảo thông tin liên lạc bí mật, thông suốt, nhanh chóng phục vụ chỉ đạo của Trung ương Đảng, Đảng đoàn lãnh đạo Bộ Công an về tổng tiến công và nổi dậy.

Cùng lúc, lực lượng Công an phối hợp với các lực lượng vũ trang mưu trí, dũng cảm, tổ chức đánh thọc sâu vào hang ổ địch, tiêu diệt nhiều tay sai, đầu sỏ, ác ôn tạo khí thế cách mạng tiến công của quần chúng… Tại những vùng địch phản công chiếm giữ, CAND chủ động phục hồi lực lượng, kiên cường bám đất, bám dân, góp phần mở rộng, bảo vệ vững chắc căn cứ cách mạng.

Thiếu tướng Phan Văn Lai, Anh hùng LLVTND, nguyên Chánh Văn phòng Ban An ninh khu Trị Thiên-Huế, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, từng tham gia đoàn cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam lúc bấy giờ.

Đối với ông những giây phút, những kỷ niệm, những ký ức thiêng liêng về một thời hoa lửa, kề vai sát cánh cùng các đồng đội chiến đấu vào sinh ra tử tại chiến trường Trị Thiên-Huế là những kỷ niệm, ký ức không bao giờ phai mờ.

Thiếu tướng Phan Văn Lai giờ đã bước vào tuổi 90, với chất giọng hào sảng, một trí nhớ mẫn tiệp, tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ nằm lặng lẽ, bình yên trên con phố Hoàng Cầu, Hà Nội, những ký ức về năm tháng hào hùng không thể nào quên trên chiến trường lại ùa về.

Từ năm 1966, Bộ Chính trị quyết định thành lập Khu ủy Trị Thiên Huế trực thuộc Trung ương và trong phiên họp ngày 6-6-1966, Bộ Chính trị đã quyết định giao cho Đảng đoàn Bộ Công an phụ trách chỉ đạo công tác an ninh khu Trị Thiên. Từ một khu đệm trở thành một mặt trận quan trọng, nơi đọ sức khốc liệt giữa ta và địch, nơi có khả năng phối hợp với các chiến trường khác đưa cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc giành thắng lợi quyết định.

Chưa có chiến dịch nào mà hầu hết cán bộ chiến sĩ trong Cơ quan An ninh Khu và An ninh Thành phố Huế được huy động, bố trí tham gia các mũi tiến công, trọng điểm là Huế. Toàn bộ lãnh đạo An ninh Khu và An ninh Thành phố Huế đều xuất trận, trực tiếp giam gia chỉ đạo các mũi tiến công và nổi dậy.

Đồng chí Lê Minh, Phó Bí thư Khu ủy, Trưởng Ban An ninh Khu trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Huế kiêm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy chiến dịch toàn khu mà trọng điểm là Huế; đồng chí Nguyễn Đình Bảy, Phó Trưởng ban An ninh khu tham gia Ban chỉ đạo cánh Nam, trực tiếp làm mũi trưởng mũi tiến công phía Tây Nam Huế; đồng chí Tống Hoàng Nguyên, Phó Trưởng ban An ninh Khu, Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban An ninh Thành phố Huế và đồng chí Nguyễn Trung Chính, Thành ủy viên, Phó Trưởng ban An ninh Thành phố tham gia ban chỉ đạo cánh Bắc Huế.

Sau khi có nghị quyết của Khu ủy mở cuộc tấn công toàn diện Đông – Xuân 1967, 1968, lãnh đạo An ninh Khu đã cử một trung đội An ninh vũ trang đến vùng Khe Trái (Hương Trà) nghiên cứu địa hình, bí mật đào một địa đạo kiên cố dài 300m xuyên qua một ngọn núi, chia thành 3 cửa thông nhau, bên trong có phòng họp, phòng ngủ của lãnh đạo. Chính địa đạo này đã bảo vệ tuyệt đối an toàn bộ chỉ huy chiến dịch toàn khu trong suốt thời gian mở cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Trị Thiên Huế, trọng điểm là ở Huế.

Cán bộ, chiến sĩ Công an miền Bắc nô nức lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam (ảnh tư liệu).

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Huế, lực lượng An ninh có vai trò quan trọng, nòng cốt trong công tác  đấu tranh trấn áp phản cách mạng, góp phần đánh sập bộ máy kìm kẹp của Mỹ, ngụy từ tỉnh đến xã, ấp, tạo động lực cho quần chúng nổi dậy giành chính quyền làm chủ, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Chưa có chiến dịch nào chỉ trong một thời gian ngắn ta đã bắt sống, tiêu diệt dược hàng trăm đối tượng cầm đầu các tổ chức địch và lãnh tụ các tổ chức phản động.

Thực hiện thành công mục tiêu chiếm lĩnh Nhà lao Thừa Phủ, giải thoát an toàn 2.300 cán bộ, đảng viên, du kích, cơ sở cách mạng, quần chúng bị địch cầm tù và diệt toàn bộ bọn ác ôn trà trộn trong số tù nhân để ám hại cán bộ ta.

Hơn 500 người vừa thoát khỏi ngục tù được lựa chọn và bổ sung ngay cho quân đội, an ninh để tiếp tục giam gia chiến đấu trong thành phố, số còn lại được bàn giao cho bộ phận công tác hậu phương bổ sung cho các lực lượng.

Thành tích giải phóng nhà lao thừa Phủ được Cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, thay mặt Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an có điện khen ngợi: “Đảng đoàn nhiệt liệt hoan nghênh và khen ngợi đồng chí Khiêm và các cán bộ chiến sĩ đã lập được thành tích trên”.   

12 năm kiên trì bám trụ ở chiến trường, dũng cảm chịu đựng gian khổ ác liệt,  Thiếu tướng Phan Văn Lai cùng đồng đội đã tiêu diệt nhiều tên ác ôn có nợ máu với cách mạng, bóc gỡ nhiều mạng lưới mật báo viên của tình báo cảnh sát ngụy; khai thác số đối tượng cảnh sát, tình báo, đảng phái phản động ngụy quân, ngụy quyền, thu nhiều tin tức tài liệu tình báo quan trọng; góp phần làm thất bại kế hoạch hậu chiến của địch.

Với tinh thần mưu trí, sáng tạo, tấn công địch tới cùng, ông cùng đồng đội đã trực tiếp tiêu diệt tên Trần Đình Thương, Phó Tỉnh trưởng ngụy quyền Huế trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Khi đột nhập vào nhà tên Trần Đình Thương, ông cùng các đồng đội xác định, nhiều khả năng Trần Đình Thương đang lẩn trốn trên trần nhà nên cử người lên kiểm tra và kêu gọi đầu hàng.

Thiếu tướng Phan Văn Lai sử dụng chiếc sào có gắn mũ tai bèo đưa dần lên ô thoáng. Thấy động, tên Thương 2 lần rút lựu đạn ném qua ô thoáng hòng chống trả làm một đồng chí an ninh vũ trang bị thương. Để bảo đảm an toàn, Thiếu tướng Phan Văn Lai đã quyết định tiêu diệt đối tượng.

Đã 44 năm kể từ cuộc Đại thắng mùa Xuân năm 1975 nhưng âm vang hào sảng của cuộc chiến đấu thần tốc ấy vẫn còn vang vọng, sự hy sinh quên mình của các chiến sĩ lực lượng CAND vẫn vẹn nguyên giá trị. Các chiến sĩ đã hy sinh cả tuổi xuân, xả thân trong mưa bom bão đạn, không tiếc máu xương, hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Chiến tranh đã lùi xa, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Công an chi viện chiến trường miền Nam đã nằm lại trên các chiến trường miền Nam nhưng hình ảnh các các chiến sĩ còn mãi với non sông đất nước Việt Nam, với đồng chí, đồng đội, gia đình và nhân dân.

Việt Hưng
.
.