Hành trình cảm hóa cái ác
Họ là những nữ Cảnh sát làm công tác quản giáo ở các Trại giam của Bộ Công an. Công việc của họ đầy rẫy những gian lao bởi đối tượng giáo dục của họ là những người đặc biệt, đều mang trong mình tội lỗi, có người nhiễm HIV, có người lao phổi, ung thư… nên tư tưởng hoang mang, dao động, bi quan. Nhưng, họ đã dùng sự nhiệt thành, tận tâm của mình để giáo dục, thuyết phục khiến phạm nhân yên tâm cải tạo. Chúng tôi gọi họ là những người xây cầu nhân ái bởi từ những nhịp cầu ấy, hàng nghìn phạm nhân gột rửa lỗi lầm, trở thành người có ích, hoàn lương…
Hiểu phạm nhân như hiểu mình
Đó là tâm sự của quản giáo Nguyễn Thị Kiều Anh, cán bộ Trại giam Cái Tàu (Cà Mau). Câu ngạn ngữ mà chị tâm đắc nhất, áp dụng triệt để vào công việc của mình, đó là “Nếu ta hiểu được họ như chính ta thì mọi lỗi lầm của họ có thể tha thứ được”.
Chị kể, khi đối diện với các phạm nhân – những con người đã một thời lầm lỡ, chị nhận ra rằng những mảnh ghép của cuộc đời họ đã phản ánh một phần hiện thực xã hội họ đang rất cần người giúp đỡ để nhận ra lỗi lầm và phát triển lành mạnh. Mặc dù cách biện minh của những người lầm lỗi không giống nhau nhưng nhiều người trong số họ có hoàn cảnh đáng thương. Điều đó thể hiện rõ nhất khi đối với trường hợp Nguyễn Thị H. – phạm nhân do chị Kiều Anh phụ trách.
Kiều Anh kể, đây là kỷ niệm mà chị nhớ nhất trong suốt thời gian làm quản giáo. Lúc đầu, phạm nhân H. hầu như không tiếp xúc với ai. Sau nhiều lần quản giáo Kiều Anh gặp gỡ, động viên, chị H. đã bộc bạch về quãng đời mình đã trải qua, sự vấp ngã và phải đánh đổi bằng chính cuộc sống vì sai lầm của mình. H. kể rằng, do sự thờ ơ của gia đình chồng, sự thiếu hụt về kinh tế đã khiến H. phải đem đứa con chưa đầy 1 tháng tuổi đi bán hàng rong nuôi thân.
Thấy hoàn cảnh của H., có người thương tình muốn xin nuôi đứa con, gửi lại cho H một ít tiền để H lấy vốn làm ăn. Không có tiền, nhưng khi đứng trước lựa chọn giữa tình mẫu tử và kinh tế, chị đã chọn tình mẫu tử, quyết không cho đi núm ruột của mình dù khó khăn chồng chất. Nhưng rồi, gánh nặng của một gia đình 4 miệng ăn với 2 đứa con lít nhít suốt ngày ốm vặt đã khiến H. kiệt quệ, trong lúc túng quẫn đó, H. sa ngã vào những việc làm trái pháp luật.
Kinh tế chưa thấy đâu nhưng sự trừng phạt của pháp luật đã thấy rõ. Đi tù, con nhỏ phải bỏ lại cho người thân chăm sóc khiến H. vô cùng chán nản, bế tắc, không muốn cải tạo. Thấy H. như vậy, nữ quản giáo Kiều Anh không quản ngại động viên giúp đỡ nữ phạm nhân này. Có được chỗ dựa tinh thần, phạm nhân Nguyễn Thị H. đã tự biết vươn lên, cải tạo tốt để được hưởng khoan hồng.
Nữ quản giáo Nguyễn Thị Kiều Anh hướng dẫn phạm nhân lao động. |
Kiều Anh cho biết, chị từng đọc cuốn “Những cuộc đời lầm lỡ” và “Sự hồi sinh từ trong tuyệt vọng” và nhận ra rằng, mỗi phạm nhân, ngoài cái tôi cá nhân thì trong sâu thẳm tâm hồn họ đều luôn trăn trở và hối hận về sai lầm đã gây ra nên khi đối diện với bóng tối, với bản thân mình, họ càng day dứt nhiều hơn. Chính vì vậy, người quản giáo phải tìm nơi sâu thẳm nhất của mỗi tâm hồn phạm nhân, giúp họ hiểu rằng, hạnh phúc chỉ mỉm cười với những ai biết đứng dậy sau vấp ngã.
Từng hoàn cảnh lại có cách giải quyết
Thượng úy Nguyễn Thị Thu Hương, cán bộ quản giáo Trại giam Quyết Tiến (Tuyên Quang) nhớ mãi lần đầu quản lí 30 phạm nhân nữ. Khi nhận nhiệm vụ ở Phân trại số 1 (thuộc Trại giam Quyết Tiến), chị nghĩ sẽ thuận lợi vì họ là phạm nhân chắc phải nghe lời quản giáo. Buổi đầu tiếp xúc, gần như phạm nhân đều đã lớn tuổi, ít nói, khép kín. Hỏi thì mới nói, có phạm nhân hai điều “vâng, dạ” thường trực trên môi.
Trở về nhà sau buổi làm việc đầu tiên, lòng chị lâng lâng cảm giác khó tả, công việc sao mà “thuận buồm xuôi gió”. Nhưng nửa đêm chị thức giấc bởi tiếng chuông điện thoại của đồng nghiệp: “Hương vào ngay phân trại, đội của em có phạm nhân nổi loạn”. Chưa kịp hiểu chuyện gì, chị vội vàng đi vào nơi ở của phạm nhân.
Lúc này, phạm nhân Vũ Thị Hoa, mang án giết người đang thể hiện bản tính đàn anh, đàn chị xúi giục người này người kia quậy phá, hút thuốc lá… và còn định xông vào đánh nhau với phạm nhân khác. Trước sự việc này, Hương yêu cầu các phạm nhân im lặng và đưa Vũ Thị Hoa sang nơi khác. Trong đêm ấy, Hương đã ngồi với phạm nhân Hoa cho đến sáng để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của phạm nhân. Và những ngày tiếp theo, chị lại tiếp tục gặp gỡ, động viên tư tưởng phạm nhân này. Tuy nhiên, đáp lại thiện chí của chị là sự im lặng.
Nữ quản giáo hướng dẫn phạm nhân học nghề gia công đính hạt trên áo. |
Trước sự việc này, Thượng úy Hương vừa liên lạc với gia đình của phạm nhân trao đổi để họ viết thư hỏi thăm, mặt khác chị lại tiếp tục kiên trì ngồi nói chuyện với Hoa… 3 tháng trời, bằng sự nỗ lực của Hương, phạm nhân Hoa đã hiểu ra việc làm sai của mình. Giờ thì phạm nhân này đã hết án – Thượng úy Hương mỉm cười hạnh phúc.
30 phạm nhân là 30 mảnh đời khác nhau, mỗi người một hoàn cảnh, suy nghĩ. Công việc quản giáo đòi hỏi Thượng úy Hương phải gắn kết họ lại, tạo thành một tập thể đoàn kết, gương mẫu trong lao động cải tạo. Nhiều khi chị phải tự nghĩ ra những câu chuyện cười gắn với đời sống, kể cho họ nghe nhằm tạo không khí thoải mái, vui vẻ, xóa đi rào cản giữa các phạm nhân.
Công việc quản giáo tưởng đơn giản nhưng đã chiếm hết quỹ thời gian của chị. Cậu con trai đầu đang bước vào lớp 1 chị lại phải nhờ chồng (làm bên kế hoạch sản xuất khu trung tâm của Trại giam Quyết Tiến) chăm sóc, kèm cặp, đưa đón đi học. Nhiều hôm chị về đến nhà đêm đã khuya, con đã say giấc ngủ. Nhìn con thương lắm nhưng chị hiểu rằng để hoàn thành nhiệm vụ người quản giáo, chị và đồng đội đôi khi phải hy sinh những niềm vui, hạnh phúc của một người vợ, người mẹ.