CA huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi thực hiện lời Bác Hồ dạy:

Giúp dân bước qua hủ tục lạc hậu…

Thứ Tư, 16/04/2008, 08:35
Ngày nay, trong những cánh rừng già trên dãy Đông Trường Sơn hùng vĩ vẫn còn một số thôn, làng người H'rê, Ca Dong, Cor còn tin vào tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Đây là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn trong cộng đồng, nên đã có không ít vụ trọng án thảm khốc, đau lòng. Được sự hỗ trợ đắc lực của các già làng Công an đã giúp đồng bào dần dần tiếp cận với thế giới văn minh, hiện đại để có được cuộc sống tinh thần lành mạnh…

Nằm cách trung tâm huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, chỉ trên 40km, nhưng vì đi bộ, leo dốc, lội suối, băng rừng nên phải mất gần một ngày chúng tôi mới đến được xã Sơn Tinh, nơi có nhiều thôn, làng của người Ca Dong, H’rê, Cor...

Trung tá Đinh Quang Ven, Trưởng Công an huyện Sơn Tây, nói, ở các thôn, làng nằm sâu trong dãy Đông Trường Sơn này, đồng bào dường như đều tin vào những chuyện huyễn hoặc, nhất là chuyện "cầm đồ thuốc độc", "cúng chết người". Đây là nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh những vụ trọng án hết sức dã man, đau lòng.

Khi tiếp cận với một số người dân xã Sơn Tinh, chúng tôi được họ kể về cách nuôi dưỡng râu con cọp để tạo ra một loại chất kích độc có thể sai khiến nó đi giết người. Theo họ, người có nghề "cầm đồ thuốc độc" phải tốn khá nhiều công sức tôi luyện mới thành công.

Những người nuôi loại độc này đa số là thầy mo, thầy cúng. Họ lặn lội vào rừng sâu tìm con cọp già chết để lấy những sợi râu của nó đem trồng trong một cái chậu và mỗi ngày cho ăn một con gà. Trong gần một năm sau thì râu cọp mới sinh ra những con bọ có chất độc cực mạnh.

Người nuôi râu cọp đem các con bọ nung thành bột cất trong người. Chỉ cần ghét ai đó, họ để một ít vào móng tay bắn sang là người đó tức khắc mạng vong.

Thế nhưng, chúng tôi hỏi những người dân kể chuyện này, có biết ai trong vùng đã "luyện" râu cọp thành thuốc độc làm chết người chưa? Mọi người đều lắc đầu nói rằng, chỉ nghe ông, cha đời trước của mình nói lại như vậy thôi (!?)…

Tuy nhiên, đâu chỉ là hủ tục lạc hậu "cầm đồ thuốc độc", quan niệm mê tín "cúng chết người" có một thời hoành hành trên các thôn, làng ở miền núi Sơn Tây cũng đã làm cho lực lượng Công an ở cơ sở rất vất vả trong việc giải quyết để ổn định an ninh trật tự địa phương.

Đồng bào Ca Dong, H'rê, Cor đều cho rằng, ghét ai đó thì họ chỉ cần lấy áo, quần, tóc… của người đó đem vào rừng sâu cúng và chôn cạnh một con suối.

Dường như các hủ tục "cầm đồ thuốc độc", "cúng chết người" đã vạch một ranh giới vô hình, với những lời nguyền độc địa đã ăn sâu trong tâm não người dân trong dãy Đông Trường Sơn, lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác nên chẳng ai dám vượt qua.

Trung tá Đinh Quang Ven tâm sự, để xóa bỏ các hủ tục, quan niệm mê tín lạc hậu đó, lực lượng Công an ở cơ sở phải "trụ bám" từng thôn, làng tuyên truyền, giải thích nếp sống văn minh, lành mạnh. Các già làng cũng hỗ trợ tích cực cho Công an trong việc này.

Hồi cuối năm ngoái, ông Đinh Tà Gót ở xã Sơn Tinh mua con bò của bà Đinh Thị Nhi cùng làng, nhưng bà Nhi không bán. Khi con bò của bà Nhi và con trâu của Phước bị bệnh chết. Người trong làng nghi Tà Gót biết phép thuật "cúng chết người" nên rủ nhau mang dao, mác đi tìm giết anh ta.

Nghe tin, các già làng  họp làng ngăn cản, giải thích để mọi người đừng manh động và báo cáo cho Công an xã Sơn Tinh, Công an huyện Sơn Tây kịp thời có mặt đưa các đối tượng về trụ sở làm việc, hòa giải mâu thuẫn.

Sau khi người dân biết con trâu và con bò chết là do dịch bệnh chứ không phải do Tà Gót cúng làm chết. Và Đinh Văn Phước thú nhận đã vu khống cho Tà Gót, đồng bào ở Sơn Tinh mới hiểu ra sự thật của vấn đề…

Cả huyện Sơn Tây hiện có trên 18.000 dân. Từ cơ quan Công an huyện về đến các thôn, làng nằm rải rác ở vùng giáp ranh các huyện Nam Trà My (Quảng Nam), Ngọc Tem (Kon Tum), vì đường núi nên phải đi bộ mất hơn một ngày đường.

Điều đáng quí là bên cạnh lực lượng Công an đã có đội ngũ già làng làm việc rất xông xáo, nhiệt tình. Họ đã giúp cho Công an huyện gỡ rối rất nhiều vụ việc mâu thuẫn từ "trứng nước".

Trung tá Đinh Quang Ven khẳng định với chúng tôi rằng, 15 già làng có uy tín, nhiệt tình, xông xáo đã giúp cho lực lượng Công an huyện giải quyết mọi mâu thuẫn nảy sinh trong các thôn, làng; nhất là xóa bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan, tạo điều kiện cho người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận nếp sống văn minh, hiện đại, ổn định ANTT địa phương

Long Vân
.
.