Cống hiến thầm lặng trên dải đất miền Trung

Thứ Tư, 08/11/2006, 14:13

Mùa hè cát bỏng bàn chân, mùa mưa lũ lụt, khí hậu miền Trung luôn khắc nghiệt nhưng với tinh thần vượt khó, đảm bảo mạng lưới thông tin liên lạc giữa Bộ và lực lượng Công an các tỉnh, cán bộ, chiến sĩ Công an Trạm Bưu chính Đà Nẵng, Phòng Thông tin bưu chính trực thuộc Văn phòng Bộ Công an luôn hoàn thành xuất sắc công việc được giao.

Với nhiệm vụ tổ chức tiếp nhận, vận chuyển và giao nhận công văn, tài liệu, sách báo, tạp chí, băng hình nghiệp vụ các loại từ Bộ Công an gửi vào Công an các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định và ngược lại. Đã 28 năm, những chiến sĩ thông tin liên lạc Trạm Bưu chính Đà Nẵng âm thầm cống hiến.

Tận mắt chứng kiến công việc, đời sống sinh hoạt của các anh, chúng tôi hiểu các anh đã thấm nhuần lời dạy của Bác "Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh, vì chính nó quyết định sự thống nhất, chỉ huy, phân phối lực lượng và do đó đảm bảo thắng lợi".

Toàn Trạm Bưu chính ở Đà Nẵng chỉ có 6 cán bộ, chiến sĩ, người ít nhưng công việc nhiều, nên hàng ngày các anh đều trăn trở tìm giải pháp sắp xếp để đưa đúng giờ công văn, tài liệu. Chỉ có 6 người nhưng mấy khi anh em có dịp ngồi lại đông đủ bên nhau, vì công tác có khi người đang chuyển công văn ở Bắc Tây Nguyên, có người lại ngược ra Bắc miền Trung...

Đã mấy năm trôi qua nhưng Trung tá Phạm Hữu Thiện và Đại úy Vũ Văn Chuyên vẫn khắc ghi trận lũ lịch sử năm 1999. Nhận được công văn từ Bộ chuyển vào để chuyển ra Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, anh em liên lạc vượt qua được đèo Hải Vân đến Phú Lộc thì nước lụt băng đồng, xóa đường. Phải tìm mọi cách để chuyển công văn cho các tỉnh, sau khi hội ý chớp nhoáng, anh em mượn thuyền của dân để lên thành phố.

Mặc dù đang rất cần thuyền trong mưa lũ, nhưng khi nghe các anh trình bày công việc gấp gáp nên người dân đã chở các anh lên tận nơi để giao tài liệu. Giữa mênh mông nước lũ, các anh hiểu, trong mỗi trường hợp khi gặp nguy hiểm nhất, nếu biết làm tốt công tác dân vận, làm cho dân tin người cán bộ, chiến sĩ Công an luôn "Vì nước quên thân vì dân phục vụ" thì dân sẽ giúp đến cùng.

Mỗi lần công tác thường chỉ có 2 người (một người lái xe và một người giao liên bảo vệ) đi với nhau. Nhiều khi trong đêm khuya, chỉ có 2 người nhưng các anh phải vượt hàng ngàn km đường rừng để làm việc. Dưới tán lá rừng, bên bờ suối, trong đêm khuya... là người chồng, người cha, nỗi nhớ vợ thương con vẫn thường trực trong các anh, nhưng vì công việc các anh phải tạm gác sang bên cạnh những niềm vui sum họp thường nhật của gia đình để cống hiến cho lý tưởng mà cuộc đời các anh đã chọn.

Hầu hết chiến sĩ của Trạm Bưu chính Đà Nẵng đều có vợ con đang sinh sống ở Hà Nội hoặc ở Thanh Hóa, Thái Bình, Nghệ An… hàng ngày các anh tự phân công nhau, động viên, giúp đỡ nhau trong đời sống sinh hoạt thường nhật. Thượng úy Phan Đăng Thiện tâm sự: "Làm chiến sĩ thông tin nên phải đi nhiều, đi rồi về lại cơ quan chuẩn bị cho chuyến công tác mới... Mình ở xa nên thương vợ, thương con nhiều, ít có điều kiện gần gũi chăm sóc bảo ban con cái".

Trong mưa lũ nhiều lần đi tác nghiệp, tôi đã chứng kiến cảnh Đại uý Trần Văn Dự, Vũ Văn Toản, Hà Ngọc Tân... cởi áo bọc công văn, tài liệu để khỏi ướt. Trong những chiều về, nhìn các anh ngồi tỷ mẩn ghi những lá thư động viên vợ, con ở xa... tôi hiểu sự vượt khó của chính bản thân và những cống hiến âm thầm của các anh đã góp phần rất lớn cho cuộc sống bình yên của mỗi người

S.Lam
.
.