Công an miền Trung tập trung ứng cứu dân các vùng lũ lụt
Do ảnh hưởng không khí lạnh tăng cường kết hợp với rãnh áp thấp qua Trung bộ, trong 3 ngày qua (ngày 15/10 đến 17/10), các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đã xảy ra mưa to, làm cho nước trên các con sông lên nhanh, gây ngập lụt cục bộ. Nhiều địa phương bị nước lũ chia cắt, ách tắc giao thông.
* Quảng Bình:
Nước lũ sông Gianh và sông Kiến Giang đã vượt mức báo động III, gây ngập lụt nhiều địa phương. Ở huyện Minh Hóa, ông Đinh Hữu Niên, Phó Chủ tịch huyện cho biết: Có gần 700 nhà dân của các xã Tân Hóa, Thượng Hóa, Minh Hóa bị ngập chìm sâu trong nước lũ; đường Hồ Chí Minh đi qua đoạn hang Băng, Eo Gió có đoạn bị ngập trên 3m khiến ngôi làng đồng bào Rục bị cô lập hoàn toàn.
Còn ở huyện Quảng Ninh, chỉ trừ xã vùng biển là Hải Ninh, còn lại 14 xã, với trên 5.300 nhà dân đã bị nước lũ làm ngập, trong đó có 2.000 ngôi nhà bị ngập sâu hơn 0,5m. Nước lũ dâng cao làm ngập và chia cắt huyện Lệ Thủy, có nơi nước lũ ngập hơn 1m. Ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay, có hơn 3.000 hộ dân trên địa bàn bị ngập lũ; các lực lượng Công an, Quân đội cùng với chính quyền địa phương tiến hành di dời 400 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu ở những vùng ngập nặng đến nơi an toàn...
Theo thống kê của Ban Phòng, chống lụt bão tỉnh Quảng Bình, lũ lụt chủ yếu xảy ra ở huyện Lệ Thủy và tính đến 17h ngày 17/10 đã có 47.087 hộ dân bị lũ bao vây, trong đó có 35.253 hộ dân bị nước ngập sâu từ 1m đến 2,5m. Tại huyện Lệ Thuỷ, toàn bộ các tuyến đường liên huyện, một số điểm trên đường QL1A đã bị ngập sâu, có nơi gần 1m như ở Hồng Thủy, Cam Thủy. Các vùng rất dễ xảy ra nguy cơ bị lũ quét như Kim Thủy, Mỹ Thủy, Trường Thủy, Phú Thủy đặt trong tình trạng báo động khẩn cấp.
Mặc dù bị nước lũ tràn vào làm ngập thềm tầng 1 của trụ sở, gara để xe máy của cán bộ, chiến sỹ, gara để xe xử lý vi phạm ATGT, nhà thi đấu thanh niên, nhà tạm giam, tạm giữ bị ngập hoàn toàn và 70% gia đình cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Lệ Thủy bị ngập lụt nhưng Công an huyện Lệ Thủy vẫn đảm bảo trực 100% quân số để giúp dân chạy lũ.
Công an Quảng Bình vận chuyển mì tôm, nước uống cứu trợ đồng bào vùng lũ. |
Đại tá Bùi Xuân Thành - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình khi cùng tổ công tác cứu hộ, cứu nạn Công an tỉnh đã đến cứu trợ mì tôm, nước uống cho một số gia đình người dân ở xã An Thủy, xã Lộc Thủy. Đồng chí cho biết: Công an tỉnh đã xuất 10.000 gói mì tôm, 50 thùng lương khô và hàng trăm thùng nước, hàng trăm áo phao, áo mưa cùng nhiều cơ số thuốc và 5.000 lít xăng và hàng chục canô để phục vụ công tác PCLB, huy động hơn 800 cán bộ, chiến sỹ, tham gia cứu dân. Tại Công an huyện Lệ Thủy, nhiều cán bộ, chiến sỹ dù bị nước lũ ngập nhà, song vẫn bám địa bàn, không quản ngại khó khăn, dầm mình trong mưa lũ để ứng cứu dân vùng bị nước lũ cô lập. Trong lúc đi sơ tán dân, chẳng may canô do Trung úy Nguyễn Văn Quý, Đội CSGT, Công an huyện Lệ Thủy bị lật, khiến đồng chí Quý bị thương và hiện đang được cấp cứu tại bệnh viện...
* Quảng Trị:
Tại tỉnh Quảng Trị, mưa lũ đã làm 3 người chết và mất tích, gần 14.000 nhà dân bị ngập sâu trong nước, có nơi ngập tới 2 mét.
Trong đêm 16 rạng ngày 17/10, Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã huy động trên 300 cán bộ, chiến sỹ và 20 ca nô cùng với chính quyền các địa phương sơ tán gần 1.000 hộ dân với 5.000 người vùng ngập lụt đến nơi an toàn. Trong đó, khu dân cư Phước Vĩnh, phường Đông Lương, TP Đông Hà bị ngập rất nặng, sâu tới 3 mét, lại khó khăn trong di chuyển, trú tránh mưa lụt.
Rạng sáng 17/10, 50 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh cùng các lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã nhanh chóng ứng cứu bà con ra khỏi vùng bị ngập lụt. Cũng vào thời điểm trên, 30 cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Cam Lộ đã ứng cứu kịp thời 70 người dân bị mắc lũ ở xã Cam Tuyền.
Đại tá Nguyễn Văn Định, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, cùng với việc cứu hộ cứu nạn nhân dân, lực lượng Công an tỉnh và Công an các địa phương đã nỗ lực khắc phục các tuyến đường giao thông bị sạt lở, trong đó, phối hợp với các lực lượng tại chỗ gia cố gần 40 mét đường bị sạt lở taluy âm tại Km44 QL9, đến đầu giờ chiều 17/10 thì đoạn đường này đã đi lại được. Riêng đường Hồ Chí Minh nhánh Tây Đakrông đi A Lưới (Thừa Thiên - Huế) bị sạt lở nặng tại nhiều điểm, lực lượng đã tham gia giải phóng hàng trăm khối lượng đất, đá nhưng đến cuối chiều hôm qua (17/10) vẫn chưa thể thông được tuyến.
Đến cuối chiều 17/10, các xã Ba Lòng, Hải Phúc và một số thôn bản trên địa bàn huyện Đakrông vẫn còn bị nước lũ chia cắt. Công an huyện Đakrông và lực lượng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh đã sử dụng canô đến cấp phát mì tôm, nước đóng chai cho bà con ở đây.
* Thừa Thiên - Huế:
Theo ông Hồ Đăng Vang, Phó Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, đã có gần 4.000 nhà dân ở các huyện Phong Điền, Hương Trà, Quảng Điền và TP Huế bị ngập lũ. Tuyến QL1A tại Km 829 (cầu vượt Thủy Dương) và QL49B đoạn qua các xã Phong Bình, Phong Hòa, Điền Hương bị ngập từ 0,3m đến 1m. Nhiều đoạn đường tỉnh lộ, huyện lộ chìm sâu trong nước lũ; ngay các tuyến đường trong TP Huế như: Tịnh Tâm, Thánh Gióng, Lê Thánh Tôn... cũng bị mưa làm ngập cục bộ từ 0,1m - 0,3m. Đoạn đường sắt Km 656+400 đến Km 657+100 khu gian Mỹ Chánh, Phò Trạch bị ngập lũ làm kẹt tại Ga Huế 2 đoàn tàu SE2 và SE4, với 491 hành khách. Đường Hồ Chí Minh qua đèo Peeke; QL49A từ Huế lên A Lưới, đoạn qua Hồng Hạ và Bốt Đỏ cũng bị sạt lở nghiêm trọng...
Đối phó với lũ lụt, Công an các địa phương phối hợp cùng các lực lượng cứu nạn tổ chức sơ tán 507 hộ, với 1.036 nhân khẩu ở các xã bị ngập nặng như Phong Điền, Hương Trà đến nơi an toàn, cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm để ăn ở tạm tránh lũ. Đặc biệt di dời toàn bộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở sông Bồ ở thôn Phò Ninh, xã Phong An, Phong Điền.
Thượng tá Đặng Minh Lực, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tình hình mưa lũ hiện nay hết sức phức tạp, tỉnh chuẩn bị tiếp tục di dời dân các vùng bị ngập nước sâu, cô lập. Công an tỉnh đã bố trí lực lượng ở một số địa phương sẵn sàng giúp dân sơ tán, đồng thời có nhiệm vụ bảo vệ tài sản của người dân được an toàn.
* Đà Nẵng:
Do mưa lớn kéo dài từ đêm trước, sáng 17/10, nhiều khu dân cư cánh Tây Bắc huyện Hòa Vang thuộc các xã Hòa Phú, Hòa Liên, bị ngập lụt cục bộ khiến cả ngàn nhà dân bị ngập nước từ 0,8 - 1,2m. Các số tuyến đường liên huyện DT 602, 603, 604 bị nước lũ chia cắt nhiều giờ liền. Tuyến đường QL 14B nối QL1A với đường Hồ Chí Minh bị ngập sâu trong nước tại nhiều điểm, nặng nhất là đoạn ngã ba Túy Loan và Dốc Võng. Đoạn đường tránh Nam Hải Vân nối hầm đường bộ Hải Vân với QL14B tại thôn Tân Ninh (xã Hòa Liên) cũng bị ngập sâu hơn 1m khiến hàng chục ôtô bị tắc đường.
Xã Hòa Liên là khu vực bị ngập lụt sớm nhất và nước rút chậm nhất. Hàng trăm ngôi nhà nhanh chóng bị ngập sâu hơn 1m khi từ sông Cu Đê và hồ chứa nước Hà Trung đổ về bị ứ đọng bởi các kênh rạch thoát nước đã bị đất cát của dự án đô thị Golden Hills lấp kín. Ngay trong sáng 17/10, UBND huyện Hòa Vang đã chỉ đạo sơ tán gần 1.000 dân trong vùng ngập lũ với sự tham gia của Huyện Đội Hòa Vang, Công an Hòa Vang và Công ty Cổ phần Trung Nam, đơn vị thi công dự án Golden Hills. 5 canô và ghe máy đã tham gia sơ tán hàng trăm hộ dân vùng trũng thấp thôn Quan Nam 3, Quan Nam 1, Quan Nam 4 và Quan Nam 6 đến nơi an toàn, trong đó chủ yếu là người già và trẻ em.
Thượng tá Đặng Quang Chưa, Phó trưởng Công an huyện Hòa Vang cho biết Công an 11 xã trên địa bàn huyện đã tích cực tham gia di dời dân đến nơi an toàn, tăng cường tuần tra bảo vệ tài sản của nhân dân, sẵng sàng ứng cứu khi cần thiết. Lực lượng CSGT đã túc trực 24/24h tại các tuyến đường ngập lụt để điều tiết giao thông và cảnh báo, ngăn chặn không cho các phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm. Đến chiều 17-10, hoạt động giao thông tại các tuyến đường trên địa bàn đã trở lại bình thường, ngoại trừ khu vực ngã 3 Túy Loan vẫn còn ngập nặng.
* Quảng Ngãi:
Hiện mực nước ở các sông Quảng Ngãi đang lên, nhiều tuyến đường trong TP Quảng Ngãi và liên xã, huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Sơn Tịnh bị ngập chìm trong nước. Khoảng 10h ngày 17/10, tại xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức, nhiều tuyến đường liên xã đã bị ngập, giao thông đi lại bị ách tắc, nhiều nhà dân nước vào hơn nửa mét.
Nước ngập nhiều tuyến đường tại TP Quảng Ngãi. |
Theo ông Nhâm Xuân Sỹ - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Quảng Ngãi cho biết, trong đêm 16 và 17 trên địa bàn tỉnh ta có mưa to đến rất to. Tuy nhiên, lượng mưa lớn tập trung ở các huyện đồng bằng và trung du, nên nước lũ ở các sông không lên nhanh. Lượng mưa đo được ở các huyện đồng bằng từ 100 - 200mm, cao nhất là ở An Chỉ, lượng mưa đo được là 214 mm.
Lực lượng Công an Quảng Ngãi đã triển khai tích cực các phương án phòng, chống lụt bão, bảo đảm ANTT, đồng thời giúp dân vượt qua khó khăn do lũ lụt gây ra