Chuyện những người lội rừng bắt truy nã

Thứ Sáu, 23/10/2009, 09:07

Đã vào Công an thì phải gánh vác những nhiệm vụ nặng nề, nhưng là trinh sát hình sự làm nhiệm vụ bắt truy nã là chấp nhận vất vả, hy sinh nhiều hơn, bởi trong thực tế các anh phải trực tiếp đối mặt với những tên tội phạm hung hãn, manh động, sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng truy bắt để tẩu thoát. Ở vùng cao, nhiệm vụ này còn có thêm những khó khăn rất "miền ngược"...

Đi bộ hàng ngàn cây số bắt đối tượng truy nã

Thượng tá Lê Vĩnh Phúc, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh Lai Châu là một người trưởng thành từ trinh sát truy nã. Gần ba chục năm gắn bó với ngành Công an là chừng đấy thời gian anh làm nhiệm vụ bắt truy nã, với những chuyến đi bộ dài ngày, đối mặt bao nguy hiểm. Dù bây giờ anh đã bước sang cái tuổi "ngũ thập tri thiên mệnh", giữ cương vị lãnh đạo, song chất lính hình sự chưa bao giờ nhạt phai.

Thượng tá Phúc tiếp tục có những chuyến đi bộ dài ngày, cùng các trinh sát xuống địa bàn xa nhất để chỉ đạo và trực tiếp tham gia chuyên án bắt đối tượng truy nã nguy hiểm. Chuyến bắt nã nhiều kỉ niệm nhất của anh chính là cái đận bắt đối tượng Mào Văn Tem, can tội giết người lẩn trốn ở Pa Vệ Sử, Mường Tè hồi tháng 6/2008. Để bắt và áp giải an toàn đối tượng ra đến huyện, các anh đã phải cuốc bộ cả đi lẫn về gần 150 cây số đường rừng…

Công an tỉnh Lai Châu trong một lần trực tiếp bắt đối tượng truy nã dưới bản.

Bắt truy nã ở miền núi có một đặc thù không giống như các địa phương khác, đó là phải đi bộ trong hầu hết các vụ bắt. Đại uý Hoàng Minh Lợi, Đội trưởng Đội truy nã, Phòng CSĐTTP về TTXH, Công an tỉnh Yên Bái tâm sự: "Xác minh được đối tượng có thể đang lẩn trốn ở đâu đã là chuyện "mò kim đáy bể", nhưng để lên đến nơi đối tượng cư trú là một kỳ tích! Không ít vụ, chúng tôi phải đi bộ vài trăm cây số đường rừng".

Có lẽ chẳng đơn vị nào có những khó khăn rất "miền ngược" như ở Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an các tỉnh Tây Bắc, từ "tướng" đến quân năm nào cũng phải cuốc bộ; người nhiều hàng trăm cây số, người ít cũng vài ba chục cây. Những chuyến công tác ròng rã, lội rừng, vượt suối với bao mối nguy hiểm rình rập; khi không gặp dân, đói khát phải ăn cả ngô sống ở nương, múc nước suối, hứng nước mưa để uống, chấp nhận những cơn đau để phá án là chuyện "thường ngày ở huyện". Ở Công an tỉnh Điện Biên, người lập kỷ lục đi bộ nhiều nhất trong một chuyến công tác là Trung tá Nguyễn Văn Ruấn. Cách đây chưa lâu, khi huyện Mường Nhé còn chưa có đường ôtô, anh đã xác minh, trực tiếp vào bắt và dẫn giải một đối tượng từ xã Sín Thầu cuốc bộ ra huyện lỵ Mường Chà ròng rã nửa tháng trời, với gần 300 cây số đường rừng cả đi lẫn về…

Trận tuyến chưa bình lặng

Bản chất của những tên tội phạm sau khi gây án bỏ trốn thường rất liều lĩnh, manh động, không chỉ tìm cách trốn chạy mà chúng còn sẵn sàng ăn thua, một sống một chết với các chiến sĩ Công an. Theo thống kê, từ năm 2004 đến nay, trong trận tuyến bắt truy nã, đã có 1 đồng chí hy sinh, gần 100 lượt trinh sát bị thương, bị phơi nhiễm HIV.

Chúng ta còn chưa quên tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm và anh dũng hy sinh của Trung uý Hà Ngọc Thao, Công an huyện Điện Biên. Nhận được tin báo đối tượng truy nã đặc biệt Lò Văn Xanh đang lẩn trốn ở nhà bố đẻ tại xã Nà Tấu, huyện Điện Biên, không kịp chờ chi viện của đơn vị, Trung uý Thao cùng một đồng đội đã nhanh chóng triển khai phương án vây bắt đối tượng. Phát hiện lực lượng Công an, trong sự che chắn của gia đình…, tên Xanh đã bất ngờ xả súng, làm Trung uý Thao hy sinh.

Thực hiện Kế hoạch 327 của Bộ Công an về công tác xác minh, truy bắt, vận động các đối tượng truy nã và trốn thi hành án, 5 năm qua, Công an các tỉnh Tây Bắc đã phát hiện, bắt giữ gần 500 đối tượng, trong đó có hơn 300 đối tượng đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm. Những đơn vị có nhiều thành tích là Công an tỉnh Lai Châu, Công an tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lào Cai với trên 60 đối tượng. Một trinh sát "có duyên" và là khắc tinh với đối tượng truy nã là Trung tá Đào Thanh Xuân, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Yên Bái; 5 năm qua một mình anh đã bắt, vận động tự thú 40 đối tượng, trong đó có 29 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm…

Trong "sự nghiệp" của mình, Trung tá Ngô Minh Đức, Công an tỉnh Điện Biên đã trực tiếp bắt gần 100 đối tượng truy nã, hầu hết là những tên nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Lần bắt đối tượng Lù Văn Nghị, 41 tuổi, ở bản Hon Sáng, xã Ẳng Cang (Mường Ẳng) là kỷ niệm sâu sắc. Trước đó, tên Nghị tham gia vào đường dây ma tuý, vận chuyển 2 bánh heroin. Qua công tác trinh sát, các anh được biết tên Nghị thường xuyên mang vũ khí nóng trên người. Với hành vi vận chuyển chừng ấy ma tuý, hắn đã tự định đoạt số phận của mình, nên nhiều lần Nghị tuyên bố "Nếu phải xuống địa ngục, tao sẽ đi cùng 2 Công an(?!)".

20h, chọn thời điểm tên Nghị đang ngồi ăn cơm ở góc nhà sàn, các trinh sát ập lên. Phát hiện các trinh sát hình sự, rất nhanh, hắn rút chốt quả lựu đạn, định "ăn thua" với các anh. Nhưng cũng trong giây phút một sống hai chết đó, Ngô Minh Đức đã dũng cảm lao vào, quật ngã đối tượng, vô hiệu hoá quả lựu đạn, bảo vệ an toàn tính mạng lực lượng truy bắt và chính bản thân đối tượng cùng gia đình, trong lúc đó gia đình Nghị tắt đèn, dùng gậy gộc tấn công nhằm giải vây cho y…

Trận tuyến bắt truy nã ở vùng cao Tây Bắc chưa một ngày bình lặng. Còn rất nhiều những tấm gương mưu trí, dũng cảm, không ngại khó khăn, nguy hiểm của các trinh sát hình sự vùng cao đã và sẽ góp phần giữ gìn sự bình yên cho đất nước

Vũ Mạnh Hà
.
.