Các tân Giáo sư trong lực lượng CAND miệt mài, tận tâm sáng tạo

Thứ Ba, 16/11/2010, 10:05
Tân Giáo sư, Thiếu tướng Bùi Quảng Bạ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Công an cho chúng tôi hay, ông học đại học chuyên ngành ngôn ngữ và văn học phương Đông, nhưng rồi ông lại vào lực lượng CAND, có lẽ cũng là cái duyên "nghề chọn người".

Để có được những thành quả như ngày hôm nay, ông đã phải nỗ lực vượt bậc, phải lao động nghiêm túc và bài bản. Ông tâm niệm rằng, để làm tốt nhiệm vụ của một "cán bộ thực tiễn", không thể không học. Vậy là ông lao vào học tập, nghiên cứu, ngày đi làm, tối đi học, có cơ hội là học, dù học dưới bất kỳ hình thức nào.

Hiện Giáo sư còn là Tổng Biên tập Tạp chí Chiến lược và Khoa học, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ của Tổng cục An ninh I, Bộ Công an. Giáo sư đã tham gia giảng dạy các loại hình đào tạo từ cao học, nghiên cứu sinh, đại học đến các lớp bồi dưỡng chức danh lãnh đạo. Giáo sư đã hướng dẫn 6 nghiên cứu sinh (4 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công) và 6 học viên cao học (5 học viên đã bảo vệ thạc sỹ xuất sắc).

Các tân Giáo sư của lực lượng CAND. Ảnh: T.P..

Sự lao động, nỗ lực vượt bậc của Giáo sư Bùi Quảng Bạ còn thể hiện qua các công trình khoa học mà ông nghiên cứu. Đó là ông đã trực tiếp tham gia 3 đề tài cấp Nhà nước, chủ nhiệm 2 đề tài nhánh thuộc đề tài cấp Nhà nước; chủ nhiệm 1 đề tài cấp Bộ. Giáo sư đã hai lần được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Những vấn đề mà ông được giao nghiên cứu đều là vấn đề rất khó, nhạy cảm, liên quan trực tiếp tới an ninh quốc gia.

Thiếu tướng Bùi Quảng Bạ luôn xác định rằng, con đường khoa học không phải là con đường thẳng tắp, muốn công trình của mình giàu sức sống, không thể chỉ bó gối trong phòng thí nghiệm. Nhận chức danh Giáo sư, ông càng thấy trách nhiệm lớn lao của mình với Đảng, với lực lượng Công an.

Thiếu tướng Phạm Quang Cử, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật CAND là tân Giáo sư duy nhất của lực lượng CAND thuộc chuyên ngành Y học. Trước khi nhận nhiệm vụ Phó Tổng cục trưởng vào tháng 2-2009, ông là Giám đốc Bệnh viện 19-8, Bộ Công an, một bệnh viện Trung ương đầu ngành của y tế CAND. Ông luôn để lại cho những phóng viên trẻ như chúng tôi một cảm giác thật gần gũi mỗi khi tiếp xúc trò chuyện với ông. Ở Giáo sư Phạm Quang Cử luôn là sự giản dị, không quan cách. Và cảm giác lúc nào ông cũng bận rộn.

Giáo sư Phạm Quang Cử từng tâm sự với tôi rằng, cả khi đảm nhận trọng trách ở một cương vị lãnh đạo mới, nhưng với ông, từ khi bắt đầu khoác trên mình chiếc áo blu trắng, ông đã tâm niệm rằng, muốn chữa bệnh tốt nhất cho bệnh nhân thì không thể không nâng cao trình độ chuyên môn, tham gia nghiên cứu khoa học và giảng dạy, hướng dẫn kiến thức y học cho thế hệ sau. Đó cũng chính là niềm vinh dự và trách nhiệm của người thầy thuốc, người thầy giáo.

Từ khi còn trẻ, một trong những hướng nghiên cứu chính của Thầy thuốc Nhân dân Phạm Quang Cử chính là các đề tài về tiêu hóa. Luận án tiến sỹ của ông cũng đi theo hướng nghiên cứu này (nghiên cứu về vi khuẩn helicobacter pylori, một trong những tác nhân gây ung thư dạ dày và các tổn thương khác ở dạ dày. Ngoài ra, Giáo sư Phạm Quang Cử đã nghiên cứu 4 đề tài cấp Bộ về loại vi khuẩn này và đã được đánh giá xuất sắc). Nhiều nghiên cứu của ông có giá trị thực tiễn trong điều trị người bệnh, như đề tài "Ứng dụng kỹ thuật gây từng đoạn trong nội soi đại tràng ống mềm".

Từ năm 1986 đến nay, Giáo sư Phạm Quang Cử đã có 63 đề tài nghiên cứu khoa học, hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh và 12 học viên cao học, trong đó có 1 nghiên cứu sinh và 9 học viên cao học đã bảo vệ luận án, luận văn xuất sắc. Trong các công trình nghiên cứu của mình, Giáo sư Phạm Quang Cử rất tâm đắc với đề tài cấp Bộ: "Y đức thầy thuốc Công an và các giải pháp nâng cao y đức giai đoạn hiện nay". Bởi từ trong sâu thẳm trái tim của một người thầy thuốc, ông luôn coi trọng tính mạng và sức khỏe người bệnh, yêu thương bệnh nhân.

Trong đợt công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2010, lực lượng CAND còn vinh dự có 5 tân Giáo sư đều công tác tại hai trung tâm đào tạo trọng điểm của lực lượng CAND là Học viện ANND và Học viện CSND. Đó là GS. Thiếu tướng Nguyễn Thủ Thanh, Phó Giám đốc Học viện ANND; Đại tá Nguyễn Văn Ngọc, Phó Giám đốc Học viện ANND; Đại tá Nguyễn Huy Thuật, Phó Giám đốc Học viện CSND; Đại tá Trương Công Am, Trưởng bộ môn Tâm lý, Học viện ANND và Đại tá Đỗ Đình Hòa, Trưởng bộ môn Pháp luật, Học viện CSND.

Thật khó có thể kể hết những cống hiến cho khoa học và cho sự nghiệp giáo dục trồng người của các tân Giáo sư.

Giáo sư Nguyễn Thủ Thanh cho hay, 35 năm làm người thầy, ông luôn tâm niệm rằng, là một thầy giáo Công an thì càng phải khắt khe với bản thân mình. Ông rất tâm đắc với phương châm "thân giáo, ngôn giáo và văn giáo" của cố Hiệu trưởng Đại học ANND đầu tiên Phạm Văn Nghi. Trưởng thành từ một giáo viên chuyên ngành điều tra, cho đến ngày hôm nay, với Giáo sư Nguyễn Thủ Thanh cũng là một chặng đường dài phấn đấu không ngừng nghỉ. Ông đã đào tạo ra hàng ngàn học trò giỏi, trong đó có 11 tiến sỹ, 39 thạc sỹ. Ông còn viết nhiều giáo trình đại học, trực tiếp tham gia nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ.

Với Giáo sư Nguyễn Văn Ngọc, thì ngay sau khi tốt nghiệp ĐH ANND năm 1979, được giữ lại làm giảng viên nghiệp vụ, ông cũng luôn ý thức cao độ trách nhiệm của người thầy giáo, trước nhất phải có lối sống đúng mực, giản dị, trong sạch, lành mạnh, làm tấm gương cho học trò noi theo. 31 năm liên tục làm công tác giảng dạy, Giáo sư Nguyễn Văn Ngọc đã tham gia đào tạo hệ cử nhân chính quy, chuyên tu, tại chức, ngắn hạn, rồi hệ đào tạo sau đại học, bồi dưỡng chuyên đề cho lớp quy hoạch trưởng phó phòng an ninh, tham gia hướng dẫn luận văn, luận án.

Còn Giáo sư Trương Công Am cho hay, ông là Trưởng bộ môn Tâm lý, một môn học mới, mang tính đặc thù gắn liền với các hoạt động của nghiệp vụ an ninh. Giáo sư đã đi vào hai hướng nghiên cứu chính là: nghiên cứu tâm lý học tội phạm, tâm lý hoạt động điều tra và tâm lý hoạt động nghiệp vụ trinh sát an ninh. Giáo sư đã viết và được xuất bản 7 cuốn sách, đã góp phần làm phong phú thêm lý luận về tâm lý nghiệp vụ an ninh, được sử dụng làm tài liệu giảng dạy ở các cấp học, hệ học trong các trường CAND.

Trong ngày nhận giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Giáo sư Nguyễn Huy Thuật (người đã đóng góp phần không nhỏ vào việc xây dựng toàn bộ hệ thống giáo trình đại học và sau đại học thuộc chuyên ngành điều tra hình sự) đã tâm sự rằng, giây phút xúc động này, ông lại nhớ đến các học trò của mình. Cuộc đời làm thầy, ông luôn thấy lòng thanh thản khi nghĩ đến những học trò đã trưởng thành.

Còn Giáo sư Đỗ Đình Hòa thì suy nghĩ giản dị rằng, càng miệt mài, tận tâm với công việc, thì khả năng, năng lực sáng tạo càng dồi dào. Có lẽ đó cũng là lí do đã thôi thúc ông không ngừng đổi mới nội dung phương pháp giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đại học, sau đại học của Học viện CSND; tìm tòi, nghiên cứu và cho công bố nhiều sản phẩm khoa học có giá trị góp phần đáng kể vào việc bổ sung hoàn thiện lý luận, pháp luật và thực tiễn tiến hành các biện pháp quản lý xã hội, đấu tranh, phòng chống tội phạm bảo vệ ANTT của lực lượng CSND…

Thu Phương
.
.