Bản lĩnh người quản giáo xứ Nghệ
Đến Trại giam số 6 – Bộ Công an công tác, tôi bị ấn tượng bởi khuôn viên đẹp hao hao công viên hoặc một khu nghỉ dưỡng nào đó, hơn là nơi giam giữ phạm nhân. Mỗi một phân trại có màu sắc riêng, nếu phân trại số 1 ở khu trung tâm với kiến trúc hiện đại, biệt thự giữa hồ nước trong vắt, cây cầu uốn cong, có tượng đài, tiểu cảnh... thì phân trại số 3 lại hài hoà với những hàng cây xanh mướt, nhiều bức tượng hình thù phong phú, sinh động. Ít ai biết rằng, để phân trại số 3 có được cơ sở vật chất như ngày hôm nay, những quản giáo “lão làng” như Thiếu tá Trần Công Tĩnh đã phải đổ mồ hôi, góp công góp sức gây dựng từ những ngày đầu tiên...
Sinh năm 1962, quê xã Thanh Hoà, huyện Thanh Chương, Nghệ An, Thiếu tá Trần Công Tĩnh học Trường Hạ sỹ quan Cảnh sát 6 (ở Quán Triều, Bắc Thái, nay là Trung cấp CSND VI), năm 1979 tốt nghiệp ra trường thì được phân công về Trại giam số 6 và công tác ở đó cho đến nay đã 36 năm. Năm 1997, anh được đơn vị điều động lên phân trại số 3 công tác – nơi được mệnh danh là vùng sơn cước, xa xôi hẻo lánh.
“Lúc đó ở đây hoang vu lắm, đường sá lầy lội, cách trung tâm trại 7km nhưng xe cộ không đi lại được vì chưa có đường và toàn bùn lầy, chỉ có thể cuốc bộ. Đó là chưa kể thú rừng còn kéo bầy về sinh sống, điện lưới chưa có, chúng tôi chỉ sinh hoạt bằng đèn dầu…” - anh kể.
Thiếu tá Trần Công Tĩnh hướng dẫn phạm nhân Trại giam số 6 lao động, học nghề. |
Thế rồi dưới sự dẫn dắt của Ban Giám thị, anh cùng đồng đội “vỡ hoang” mảnh đất phân trại số 3, bắt tay vào trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc theo dự án 327 của Nhà nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Đến nay, mảnh đất hoang vu ngày nào cơ bản được đầu tư các hạng mục công trình quy mô với hàng trăm cán bộ, chiến sỹ và giam giữ hàng nghìn phạm nhân nhưng Thiếu tá Trần Công Tĩnh vẫn không thể quên những giây phút của buổi ban đầu sơ khai ấy…
Quá trình công tác ở trại, anh được phân công nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ trung đội trưởng cảnh sát bảo vệ, cán bộ giáo dục, cán bộ trực trại, cán bộ quản giáo… nhưng thời gian làm quản giáo quản lý, giáo dục cải tạo đội phạm nhân nhiều hơn cả. Công việc của một quản giáo lúc nào cũng phức tạp, số phạm nhân có nhiều tiền án, tiền sự, phạm nhân có mức án cao, mắc bệnh xã hội… thường bất cần bởi không có cơ hội để giảm án, đặc xá, họ không tuân thủ mệnh lệnh cán bộ, khước từ cải tạo, chống đối quyết liệt… Tuy nhiên số phạm nhân ấy khi gặp quản giáo Tĩnh thường “mất điện”, dù ban đầu có hung hăng đến đâu.
“Cán bộ quản giáo tác phong đứng đắn, lịch sự, tuỳ từng loại đối tượng mà cứng rắn, dứt khoát hay mềm dẻo, quan trọng là đi sâu tâm lý của phạm nhân để có đối sách hợp lý. Trong đó mình phải lấy giáo dục làm gốc, bởi như Bác Hồ đã từng dạy, “hiền dữ đâu phải là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”…” – Thiếu tá Trần Công Tĩnh lý giải.
Có thể, thấm nhuần tư tưởng của Người và có cách vận dụng hợp lý nên đội phạm nhân do anh phụ trách đạt rất nhiều thành tích về cải tạo trong các kỳ tổng kết phong trào thi đua chấp hành án phạt tù, được Ban Giám thị biểu dương, khen thưởng. Đặc biệt, mỗi tháng đội phải hoàn thành chỉ tiêu khâu 1.000 quả bóng nhưng thực tế họ luôn khâu được trên dưới 1.500 quả, vượt chỉ tiêu 50%...
Anh còn nhớ phạm nhân tên M.A. quê Hà Nội, bị kết án 17 năm do phạm tội về ma tuý lúc mới đến phân trại số 3 luôn có tư tưởng chống đối, không chấp hành nội quy. Kiên trì tìm gặp riêng phạm nhân này, từ từ thuyết phục, không phải là chuyện “ngày một ngày hai”, không giáo điều, lý thuyết suông, anh tâm sự thẳng những vấn đề thực tế trong cuộc sống. Dần dần M.A, hiểu ra, chấp nhận cải tạo, chấp hành nội quy lao động, học nghề.
Ngày mãn hạn tù về với gia đình, phạm nhân này đã ôm anh khóc và nói rằng: “Nhờ cán bộ cứng rắn, động viên, uốn nắn nên tôi mới có ngày hôm nay, còn nếu không có khi giờ này tôi đang ở trong trại, hoặc thậm chí là phạm tội mới…”.
Năm 2000, Thiếu tá Tĩnh nộp đơn xin phép Ban Giám thị đi học đại học hệ tại chức tại Trại giam Thanh Phong (Thanh Hoá) để nâng cao trình độ và được đồng ý, thế nhưng không lâu sau anh đành bỏ dở.
“Vợ tôi sinh cháu thứ hai bị bệnh não bẩm sinh, càng lớn thì bệnh càng nặng. Trong khi vợ không nghề nghiệp, con càng lớn càng quấy khóc, tôi phải trở về đơn vị công tác để bên cạnh giúp đỡ, hỗ trợ vợ nuôi dạy con cái. Khổ nỗi khi con bệnh, vợ tôi cũng đổ bệnh, phải đưa đi bệnh viện cấp cứu, nhiều lần tưởng chừng như không qua khỏi…”- mắt anh rơm rớm kể về quãng thời gian bao gian khổ bủa vây.
Hiện giờ cũng vậy, vợ ốm đau không đi chợ được, anh như người mẹ thứ hai, vừa đi chợ nấu ăn, vừa lo sinh hoạt cho vợ cho con. Con ăn ngủ thất thường, anh cũng “đổi lịch” theo cháu, lúc nào con thức thì anh cũng thức, con chưa ngủ bố chưa ngủ bởi mẹ đâu có đủ sức bế ẵm, ru con ngủ…
Thiếu tá Tĩnh cho rằng, cán bộ quản giáo là người tiếp xúc thường xuyên với phạm nhân, trong đó có nhiều phạm nhân dùng thủ đoạn tinh vi để mua chuộc, gài bẫy cán bộ, thậm chí là “ra điều kiện”, đút lót... Trong hoàn cảnh ấy, chỉ cần một chút bất cẩn “tặc lưỡi”, người quản giáo sẽ dễ bị sơ sẩy, hoặc ít ra là mất đi sự nể trọng ở phạm nhân.
“Tôi từng gặp phạm nhân như vậy, nhưng tôi cũng thể hiện quan điểm rõ ràng với họ rằng, tôi không lấy điếu thuốc, gói quà làm thước đo cải tạo của các anh và cũng không lấy vận mệnh chính trị của mình để đánh đổi tiền bạc của phạm nhân” - anh nói.
Vợ và con trai bệnh tật hiểm nghèo nhưng bù lại người con gái đầu của anh học rất giỏi, tốt nghiệp Học viện CSND về công tác ở Công an huyện Thanh Chương, tiếp bước người cha cống hiến cho ngành. Đó là nguồn động viên lớn lao cho gia đình, đồng thời là động lực để anh phấn đấu, vượt mọi gian khó…