Động lực vươn tới những thành công

Chủ Nhật, 21/08/2022, 20:23

SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam đã qua đi nhưng vẫn để lại những trải nghiệm đáng nhớ cho các vận động viên (VĐV) CAND tham gia Đoàn thể thao Việt Nam dự kỳ Đại hội thể thao khu vực này. Đóng góp 11 huy chương trong đó có 1 HCV, 5 HCB, 5 HCĐ cho Đoàn Thể thao Việt Nam là thành quả của sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của các VĐV CAND.

Họ đã vượt khó, vượt khổ trong bối cảnh điều kiện tập luyện còn thiếu thốn cũng như dịch bệnh COVID-19 để mang về vinh quang, góp phần vào thành công chung của thể thao nước nhà tại SEA Games 31.

Thể thao Việt Nam đã trải qua một kỳ chuẩn bị đầy khó khăn cho SEA Games 31 trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cùng hàng loạt khó khăn khách quan khác. Tham gia các đội tuyển thuộc Đoàn Thể thao Việt Nam dự SEA Games 31, đương nhiên các VĐV CAND cũng không tránh khỏi vất vả, thách thức.

Như câu chuyện của VĐV Nguyễn Ngọc Trâm của đội kata (biểu diễn quyền) ở môn karate chẳng hạn. Nữ võ sĩ của thể thao CAND đã có gần chục năm theo đuổi nội dung kata nhưng phải đến sau Tết Nguyên đán 2022 mới biết có suất tham gia thi đấu ở SEA Games 31 do người đồng đội Lê Thị Khánh Ly bất ngờ bị chấn thương vai. Ráp nối với 2 đồng đội là Nguyễn Thị Phương và Lưu Thị Thu Uyên được 2 tuần thì Trâm lại mắc COVID-19. Đó là thách thức mà cô gái này chưa từng phải đối mặt.

Động lực vươn tới những thành công -0
VĐV Nguyễn Ngọc Trâm (bên phải) cùng đồng đội giành HCV SEA Games 31.

Phải nghỉ tập một thời gian rồi khi tập lại thì vừa tập vừa nghe cơ thể trong khi ngày thi đấu SEA Games 31 đã rất gần. HLV Nguyễn Hoàng Ngân của đội kata khi đó không dám cho học trò tập nặng dù yêu cầu trong huấn luyện ở giai đoạn này lại đòi hỏi phải tập khối lượng lớn. Cả cô và trò ở đội cùng điều tiết nhịp điệu tập luyện; trong khi các HLV ở Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao CAND cũng thường gọi điện động viên nên Nguyễn Ngọc Trâm cũng yên tâm đối mặt với thách thức.

Một thách thức khác mà chính Ngọc Trâm phải đối mặt là việc được lắp ghép vào đội hình thi đấu đồng đội biểu diễn quá gấp nên cũng đặt ra cho chính cô những áp lực. Trong đó, rõ hơn cả vẫn là liệu có thể khỏa lấp được vị trí của đồng đội Lê Thị Khánh Ly hay không. Rất may là HLV Nguyễn Hoàng Ngân và đồng đội liên tục “tiếp lửa” tinh thần,  cộng với ý chí, khát vọng vươn đến đỉnh cao SEA Games nên Ngọc Trâm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để giúp thể thao CAND đóng góp 1 HCV cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 31.

Hay như câu chuyện của á quân chạy 200m ở SEA Games 31 Ngần Ngọc Nghĩa – gương mặt sáng giá của thể thao CAND trong vài năm qua. Cả hành trình chuẩn bị cho SEA Games 31 của chàng trai người Sơn La được thể thao CAND phát hiện, đào tạo này thực sự không dễ dàng. Chấn thương đã là việc “thường ngày ở huyện” nhưng việc không thể thi đấu quốc tế trong suốt năm 2021 vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã tác động rất nhiều đến quá trình chuẩn bị cho SEA Games 31 của Nghĩa. Chỉ tập luyện ở địa điểm tập huấn tại Bắc Ninh với người thầy Nguyễn Văn Hoàng, cũng là HLV tại đội CAND của Nghĩa, nên chàng trai này càng phải tự tạo động lực cho mình.

Dịp Tết Nguyên đán 2022, Ngần Ngọc Nghĩa không về nhà mà dồn sức cho tập luyện cũng như bảo đảm an toàn tối đa cho bản thân trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Cho đến những ngày diễn ra SEA Games 31, như Ngần Ngọc Nghĩa kể thì đã có đến 7 tháng anh không về thăm gia đình.

Ngần Ngọc Nghĩa kể, trong giai đoạn chuẩn bị cho SEA Games 31 cũng không tránh khỏi những khó khăn về mặt tâm lý. Nhưng rồi chính anh cũng tự nhủ rằng phải vượt qua để có thành công ở SEA Games 31. “Trong những thời điểm khó khăn, em luôn nhận được sự động viên của người thân, đồng đội, các HLV ở đội tuyển quốc gia cũng như Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao CAND. Nhờ thế, em càng có động lực để vượt qua khó khăn”.

Những ngày thi đấu ở SEA Games 31, dù không thể giành HCV nhưng tấm HCB nội dung 200m của Nghĩa cũng đầy ý nghĩa với điền kinh Việt Nam. Theo đó, với thành tích 20 giây 81 ở vòng loại, Ngần Ngọc Nghĩa đã phá kỷ lục chạy 200m của đàn anh Lê Trọng Hinh lập được tại SEA Games năm 2015 là 20 giây 89. Đến lượt chạy chung kết, Nghĩa lại phá kỷ lục của chính mình với thành tích 20 giây 74.

Động lực vươn tới những thành công -0
Ngần Ngọc Nghĩa trên đường chạy 200m ở SEA Games 31.

Ở đội đấu kiếm quốc gia, còn là câu chuyện của những kiếm thủ CAND như Phạm Quốc Tài, Lưu Thị Thanh Nhàn. Họ cũng như các VĐV khác ở đội tuyển quốc gia đều phải chịu khó khăn khi không được thi đấu quốc tế trong một thời gian dài, thiếu kiếm tập luyện, phải tự tập với nhau, rồi lấy cảm giác thi đấu thông qua tập với “quân xanh” là các HLV hay các cựu VĐV. Trong số này, Lưu Thị Thanh Nhàn còn phải vừa lo chuyện nuôi dạy cậu con trai nhỏ vừa lo tập luyện. Cuối cùng, cô cũng góp phần cùng đội kiếm liễu nữ giành HCĐ đồng đội, tấm huy chương chứa đựng đầy nỗ lực vượt khó và khát khao giành huy chương SEA Games ngay ở sân nhà.

Câu chuyện của Nguyễn Ngọc Trâm, Ngần Ngọc Nghĩa… và hàng loạt VĐV CAND khác tham gia Đoàn Thể thao Việt Nam ở SEA Games 31 mang nhiều màu sắc khác nhau nhưng đều chứa đựng sự vượt khó, nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ không ngừng của những người thân, HLV… Đó là điều đáng trân quý khác từ một kỳ SEA Games đáng nhớ với thể thao Việt Nam và thể thao CAND.

Sau SEA Games 31, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao CAND Nguyễn Xuân Hải nói rằng, với 14 VĐV trong thành phần Đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 31 và đạt thành tích 1 HCV, 5 HCB, 5 HCĐ trong điều kiện vô vàn khó khăn, thể thao CAND đã có một kỳ SEA Games đáng nhớ. Điều tiếc nuối là tại kỳ SEA Games này, một số nội dung thi đấu cá nhân không thể tổ chức dẫn đến VĐV CAND mất cơ hội tranh HCV.

Thực tế, trong giai đoạn chuẩn bị cho SEA Games 31, đặc biệt giai đoạn sắp bước vào thi đấu, khi nhiều đội tuyển của thể thao Việt Nam có thể ra nước ngoài thi đấu, thể thao CAND cũng đã nỗ lực tạo điều kiện tối đa cho VĐV trong các đội tuyển được tập huấn, thi đấu quốc tế từ nguồn kinh phí mà Trung tâm được cấp. Ông Nguyễn Xuân Hải kể, khi nhận được đề nghị phối hợp chia sẻ kinh phí với Tổng cục Thể dục Thể thao để đưa VĐV đi tập huấn, thi đấu quốc tế, Trung tâm đều sẵn sàng. Cũng nhờ vậy, một số VĐV của CAND trong các đội tuyển quốc gia có điều kiện đi tập huấn, thi đấu quốc tế trong giai đoạn chuẩn bị cho SEA Games 31.

Hành trình chuẩn bị và thi đấu ở SEA Games 31 thực sự đã mang đến những trải nghiệm tốt và động lực cho những người làm thể thao CAND. Như á quân 200m nam tại SEA Games 31 Ngần Ngọc Nghĩa nói thì việc giành tấm HCB và phá kỷ lục nội dung 200m trong điều kiện tập luyện khó khăn, ít cọ xát càng khiến anh thêm động lực để chinh phục bằng được tấm HCV ở các SEA Games sau, dù đối thủ người Thái Lan cực mạnh. Hay nhà vô địch SEA Games Nguyễn Ngọc Trâm cũng thêm tin vào bản thân để có thể đảm đương nhiệm vụ, hướng đến những kỳ SEA Games tiếp theo và cả ASIAD tới.

Có thể thấy rõ, thành công ở mức độ nào cũng đều mang đến trải nghiệm, động lực cho người trong cuộc. Ở đây, quan trọng nhất là những thành viên của thể thao thành tích cao CAND đều không ngừng nuôi dưỡng động lực, ý chí và khát vọng để vươn tới những cái đích lớn hơn, xa hơn.

Đoàn thể thao CAND tham dự SEA Games 31 có 2 HLV và 14 VĐV, tranh tài tại 18 nội dung thuộc 9 môn gồm: bắn súng, bóng chuyền, cầu mây, đấu kiếm, điền kinh, karate, judo, pencak silat, kurash.

Trong 11 tấm huy chương của thể thao CAND ở SEA Games 31 có HCV của VĐV Nguyễn Ngọc Trâm ở nội dung kata đồng đội nữ môn karate.

5 HCB thuộc về các VĐV: Ngần Ngọc Nghĩa (điền kinh), Nguyễn Thị Ngọc Huyền và Vũ Thị Vân Anh (cầu mây đồng đội 3 người), nội dung cầu mây đồng đội 4 người, nội dung đồng đội súng ngắn 10m và nội dung đồng đội nam bóng chuyền (VĐV Quản Trọng Nghĩa).

5 HCĐ thuộc về các VĐV: Lưu Thị Thanh Nhàn (nội dung kiếm liễu đồng đội nữ), Đặng Hồng Sơn (đối kháng hạng dưới 67kg karate), đối kháng đồng đội nam karate, Trịnh Thu Vinh (nội dung cá nhân súng ngắn 10m) và Hà Thị Nga (nội dung đồng đội hỗn hợp judo).

 Minh Hà
.
.
.