Đi tìm xạ thủ tiếp bước Hoàng Xuân Vinh

Thứ Sáu, 12/08/2016, 08:28
Tấm huy chương bạc của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh trong nội dung 50m súng ngắn bắn chậm tại Olympic 2016 (thi đấu tối 10-8) khép lại thành tích huy hoàng nhất của tuyển thủ trên ở kỳ Olympic năm nay. Hai huy chương, một vàng, một bạc là kết quả kỳ tích mà không một nhà quản lý thể thao nào của chúng ta dám nghĩ đến. Nhưng, điều ấy là hiện thực.


Sau khi kết thúc thi đấu bài bắn 50m súng ngắn bắn chậm, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã chia sẻ với một chút tiếc nuối rằng mình đã không thể hoàn thành tốt lượt bắn cuối. Chính hai viên đạn cuối vào vòng tâm điểm 8 đã khiến kết quả của Xuân Vinh bị tụt lại và chỉ đứng hạng nhì chung cuộc.

Chắc chắn, tất cả những người yêu thể thao cả nước, trong giây phút theo dõi cuộc đấu trực tiếp của Hoàng Xuân Vinh (qua màn hình tivi) đều tin chúng ta sẽ có thêm chiếc huy chương vàng thứ 2 ở Olympic 2016.

Ngôi nhất nội dung 50m súng ngắn bắn chậm đã không thuộc về Vinh. Dù thế, cả Xuân Vinh lẫn bắn súng Việt Nam và người hâm mộ thể thao đều cho thấy sự tự tin cần thiết lúc này. Chúng ta đã không e dè để hướng về thêm một thành tích cao. Và xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đạt được.

VĐV Hoàng Xuân Vinh đã mang về những tấm huy chương quý giá cho thể thao Việt Nam.

Sau khi Hoàng Xuân Vinh đạt tấm huy chương vàng đầu tiên tại Olympic, lời khen cho xạ thủ này có nhiều và tất nhiên không ít người cũng tiên liệu, kết quả ấy có được một phần từ may mắn. Thế nhưng, chiếc huy chương bạc ở nội dung 50m súng ngắn bắn chậm đã chứng minh, Xuân Vinh chiến thắng bằng năng lực chứ không đến từ may mắn.

“Trong thi đấu, mọi nỗ lực của VĐV đều rất đáng trân trọng và chúng ta tự tin chiến thắng bằng năng lực của mình. Thế nhưng nếu không có một chút may mắn thì nhiều khi sẽ không thành công”, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện từng phát biểu trong lễ xuất quân của đoàn Việt Nam dự Olympic 2016.

Lúc đó, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã khẳng định rất thoải mái rằng “tôi tin kỳ Olympic 2016 này, thể thao chúng ta sẽ có thành tích”. Kết quả tương ứng đến bằng chiếc huy chương vàng và huy chương bạc của bắn súng.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT) – ông Nguyễn Hồng Minh cũng chia sẻ, chính việc giành được huy chương sẽ giúp tinh thần của các vận động viên thể thao Việt Nam trong tất cả các môn Olympic đều lên rất cao. Bởi vì sao, “chúng ta có kết quả huy chương nghĩa là đạt được điều tưởng như không thể. Vì thế, hiệu ứng tinh thần là một điều rất tốt”, ông Minh cho biết.

Với những xạ thủ từng trưởng thành và nổi danh từ súng ngắn thể thao trước Hoàng Xuân Vinh như Nguyễn Mạnh Tường (bắn súng CAND), Phạm Cao Sơn (bắn súng Hải Phòng), họ cũng chung quan điểm với đại ý kết quả huy chương tại Olympic của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh là cuộc mở màn cho bắn súng Việt Nam.

Mở màn ở đây chính là môn thể thao này sẽ được đầu tư nhiều hơn nữa từ cơ sở vật chất cho tới con người. Dù thực tế, những đàn anh đi trước như Mạnh Tường, Cao Sơn không ít lần thi đấu quốc tế và đỉnh cao của họ từng được bắn súng châu lục ghi nhận. Nối bước họ là Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường giờ quá xuất sắc.

Khi chúng ta đón nhận 2 tấm huy chương của Hoàng Xuân Vinh, cũng là lúc, ngành thể thao hiểu rằng, cuộc hành trình cho Olympic 2020 sẽ phải bắt đầu. Ở vào độ tuổi 42 cũng như đã đạt được kết quả trên cả mong đợi như vậy cùng việc đã bước sang công tác quản lý tại đơn vị chủ quản, gần như chắc chắn xạ thủ Hoàng Xuân Vinh sẽ nghỉ thi đấu sau Olympic 2016.

Tiếp bước sau Xuân Vinh, Trần Quốc Cường cùng độ tuổi và đang giữ vai trò quản lý ở đơn vị bắn súng Hải Dương. Phía sau họ sẽ là ai? Ai sẽ là người tiếp tục giành suất chính thức dự Olympic 2020 cho súng ngắn Việt Nam? Lời giải chắc sau 4 năm nữa mới có.

Hiện tại, trong các xạ thủ nội dung súng ngắn hơi, vận động viên trẻ thể hiện tốt và tạo sự tin tưởng năng lực không có nhiều. Rất nhiều đơn vị như CAND, Quân đội, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng... có truyền thống đào tạo súng ngắn hơi nam tốt. Tuy thế, kết quả huy chương Olympic của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh vô hình trung là một áp lực đè lên rất nặng những đàn em thế hệ sau. Khó trách được, bắn súng sẽ bị lấy kết quả của Hoàng Xuân Vinh ra so sánh trong những giai đoạn sau nếu không đạt thành công.

“Chúng tôi sẽ có những chuẩn bị tiếp theo và hy vọng đến năm 2020, súng ngắn tiếp tục có một dấu tích ở Olympic tại Nhật Bản”, HLV Nguyễn Thị Nhung chia sẻ.

Đoàn Việt Nam tạm xếp hạng 17 tại Olympic

Sau 5 ngày thi đấu chính thức, đoàn thể thao Mỹ vẫn tiếp tục dẫn đầu tại Olympic với 11 HCV, 11 HCB, 10 HCĐ. Bám sát phía sau là đoàn Trung Quốc với 10 HCV, 5 HCB, 8 HCĐ. Đoàn Việt Nam đã lên hạng 17 sau khi có thêm tấm HCB của Hoàng Xuân Vinh ở nội dung 50m súng ngắn bắn chậm diễn ra vào đêm qua. Trong đêm 11-8, thể thao Việt Nam tiếp tục góp mặt ở 2 môn đua thuyền và cầu lông. Ở môn cầu lông, Tiến Minh sẽ xuất trận, gặp tay vợt Vladimir Malkov (Nga) ở ngay trận ra quân. Môn đua thuyền sẽ diễn ra vào lúc 23h20 với màn tranh tài của Tạ Thanh Huyền và Hồ Thị Lý ở nội dung 2.000m đôi nữ hạng nhẹ nhằm phân hạng 13-20.

K. Vy

Thái Lan vẫn số 1

Thể thao Thái Lan vẫn đang thể hiện vai trò đứng đầu Đông Nam Á. Vào lúc này tại Olympic 2016, thể thao Thái Lan đã có 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 1 huy chương đồng. Tất cả đều đến từ môn cử tạ. Thể thao Singapore rất chờ đợi ở môn bơi nhưng chưa có được huy chương nào. Vào lúc này, ngoài Việt Nam và Thái Lan thì tại Đông Nam Á, thể thao Indonesia, Malaysia, Philippines đều đã có huy chương tại Olympic 2016.

DP

Hoàng Xuân Vinh lọt Top vận động viên xuất sắc nhất Olympic

Với thành tích 1 HCV, 1 HCB, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đang đứng ở vị trí thứ 4 trong nhóm VĐV xuất sắc nhất Olympic. Vị trí số 1 thuộc về kình ngư Michael Phelps (Mỹ) và kình ngư Katinka Hosszú của Hungary. Cả hai đều đang dẫn đầu bảng thành tích cá nhân với 3 HCV. Vị trí số 2 thuộc về một kình ngư khác người Mỹ là Katie Ledecky với thành tích 2 HCV, 1 HCB. VĐV thể dục dụng cụ người Nhật Bản Uchimura đang xếp vị trí thứ 3 với 2 HCV. Vị trí thứ 4 thuộc về 4 VĐV là Hoàng Xuân Vinh (Việt Nam, bắn súng), Astier Nicolas (Anh, đua ngựa), Sarah (Thụy Điển, bơi), Michael Jung (Đức, đua ngựa) và Sun Yang (Trung Quốc, bơi).

H. Ly


Diệu Phương
.
.
.