Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có tạo ra bất bình đẳng?

Thứ Hai, 17/01/2022, 09:06

Mùa tuyển sinh đại học năm 2022, bên cạnh các phương thức xét tuyển như dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả học tập THPT qua học bạ, thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, nhiều trường đã mở rộng xét tuyển, tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ đánh giá tiếng Anh quốc tế như TOEFL, IELTS.

Việc ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng đối với nhóm thí sinh này đã thúc đẩy phong trào học ngoại ngữ trong nhà trường, đa dạng hoá các phương thức tuyển sinh vào đại học, tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến băn khoăn, lo ngại, nếu không kiểm soát tốt, điều này có thể tạo ra sự bất bình đẳng đối với học sinh vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi không có đủ điều kiện để học thêm ngoại ngữ.

"Đổ xô" cho con đi học chứng chỉ tiếng Anh quốc tế

Năm 2022, nhiều cơ sở đào tạo lớn như ĐHQG Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh… đều tiếp tục dành chỉ tiêu nhất định, từ 10-20% để xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Trước đó, mùa tuyển sinh năm 2021, hơn 20 trường ĐH trên cả nước đã thông báo ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 đến 6.5, hoặc đưa chứng chỉ IELTS thành yếu tố trong các phương thức xét tuyển kết hợp.

Đặc biệt, không chỉ khối dân sự, các trường CAND cũng đã bổ sung phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế (chứng chỉ IELTS Academic hoặc chứng chỉ TOEFL iBT, hoặc chứng chỉ HSK) với kết quả học tập THPT đối với một số chuyên ngành đòi hỏi yêu cầu cao về trình độ ngoại ngữ.

FA37D535_7632_4283_AC6C_CF08597-1642384652597.jpeg
Nhiều trường ĐH tiếp tục dành chỉ tiêu xét tuyển đối với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Ảnh minh họa

Nhiều giáo viên cho rằng, trong bối cảnh kỳ thi tốt nghiệp THPT chủ yếu tập trung vào mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp, việc đánh giá kết quả học tập THPT ở các địa phương cũng đang có những độ "vênh" khác nhau thì việc các trường ĐH xét tuyển, tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là hướng đi phù hợp. Thực tế cho thấy, các chứng chỉ ngoại ngữ có độ tin cậy cao, bài kiểm tra có đủ 4 kĩ năng gồm nghe, nói, đọc, viết, đảm bảo độ khách quan. Những em vượt qua được bài thi này thực sự có năng lực ngoại ngữ. Bên cạnh đó, các trường cũng chỉ xét tuyển với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế vào các ngành có chú trọng ngoại ngữ hoặc yêu cầu cao về kỹ năng này.

Với phương thức tuyển sinh này, phong trào học ngoại ngữ trong nhiều gia đình, nhà trường đã được thúc đẩy. Đặc biệt, tại các thành phố lớn, nhiều phụ huynh đã quyết định đầu tư tiền bạc, thời gian cho con học chứng chỉ IELTS để "dắt lưng". Một số học sinh cũng đang có tâm lý "đổ xô" đi học chứng chỉ quốc tế để vì lo sợ điểm trúng tuyển bằng phương thức xét tốt nghiệp THPT sẽ quá cao. Ngoài ra, từ phương thức tuyển sinh này, cơ quan quản lý giáo dục tại một số tỉnh, thành cũng ban hành những chính sách táo bạo nhằm thúc đẩy việc học ngoại ngữ trong các trường phổ thông. Đơn cử như tại Hà Tĩnh, từ năm 2020, địa phương này đã công nhận học sinh giỏi cấp tỉnh đối với các học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế nhằm thúc đẩy và nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong toàn tỉnh.

Có bất bình đẳng đối với học sinh vùng sâu, vùng xa?

TS. Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia cho rằng: Trong xu thế tự chủ hiện nay, việc các trường ĐH lựa chọn phương thức tuyển sinh "phi truyền thống" như sử dụng chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế là điều bình thường.

Tuy vậy, ông Hiệp cũng đặt ra một số băn khoăn. Một là việc xét tuyển, tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế có nên áp dụng với tất cả các ngành hay chỉ áp dụng với một số ngành? Thứ hai, liệu việc sử dụng điểm Tiếng Anh từ các kỳ thi quốc tế có tạo ra sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học của các học sinh đến từ khu vực kém phát triển, không có điều kiện học thêm tiếng Anh do kinh tế khó khăn hay không?

"Tôi cho rằng, nếu không có sự kiểm soát tốt, thiết kế tốt, điều này rất có thể tạo ra bất bình đẳng. Do vậy, các trường đại học khi lên phương án tuyển sinh cần tính đến cả 2 yếu tố trên và cần giải trình được với xã hội, với Bộ GD&ĐT về tính chính xác và mức độ bình đẳng trong phương án của mình", ông Hiệp nêu quan điểm.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Đa phần các trường ĐH hiện nay đều sử dụng nhiều phương thức để xét tuyển. Việc một số cơ sở giáo dục đại học thuộc top đầu, các trường có những chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến học hoàn toàn bằng tiếng Anh sử dụng thêm các tiêu chí như chứng chỉ ngoại ngữ IELTS, TOEFL trong xét tuyển cũng là điều bình thường, hợp lý, bởi có tính hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, tiêu chí về IELTS, TOEFL cũng không phải là tiêu chí duy nhất, mà thông thường các trường còn căn cứ kết hợp cả kết quả học tập THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm thi đánh giá năng lực. Ngoài ra, các trường cũng chỉ dành một số chỉ tiêu nhất định cho phương thức này.

Cũng theo bà Thuỷ, có một thực tế là, trong 2 năm qua, do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số thí sinh đã ôn luyện và thi được các chứng chỉ IELTS, TOEFL nhưng không thực hiện được mục tiêu chính là du học nên các em đã dùng kết quả đó để đăng ký và nhập học vào các trường trong nước. Do vậy, sẽ có đông hơn thí sinh sử dụng chứng chỉ này để đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, số chỉ tiêu xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL không quá nhiều và chủ yếu là dành cho các ngành/chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Huyền Thanh
.
.
.