Xây dựng môi trường học đường thân thiện

Chủ Nhật, 13/11/2022, 08:36

Thực hiện tốt xây dựng văn hóa học đường sẽ góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi các vấn đề tiêu cực trong môi trường giáo dục cũng như tình trạng bạo lực học đường. Đây không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà cần có sự tham gia tích cực của xã hội, nhất là vai trò của gia đình. Bên cạnh tạo môi trường học tập, rèn luyện tốt cho học sinh, xây dựng văn hóa học đường còn hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường làm việc tốt để người thầy có thể “dạy tốt”.

Ngôi nhà thứ 2 của học sinh

Thời gian qua, các vụ bạo lực học đường tiếp tục diễn ra với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Theo các chuyên gia tâm lý, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó, khách quan nhìn nhận là do tác động của bối cảnh xã hội, nhất là giai đoạn sau 2 năm dịch bệnh, nhiều người, nhất là lứa tuổi học sinh có những căng thẳng, bất ổn về tâm lý.

ttxvn_moi_truong_hoc_duong-1668303451014.jpg
Ảnh minh họa: CTV

Mặt khác, một số học sinh chưa đủ “sức đề kháng” trước những vấn đề, hiện tượng tiêu cực trong xã hội, nhất là trên mạng xã hội; chương trình học còn nặng, việc học và vui chơi giải trí chưa được cân bằng khiến học sinh mệt mỏi, bức bối. Hơn nữa, ở một số gia đình, phụ huynh chưa quan tâm đến con cái đúng cách, hoặc nuông chiều con quá mức mà không lắng nghe con một cách thấu đáo trong các vấn đề. Tất cả những nguyên nhân này dẫn đến việc các em có những suy nghĩ, hành động lệch chuẩn, làm gia tăng tình trạng bạo lực học đường.

Theo các chuyên gia giáo dục, xây dựng môi trường học đường thân thiện để nhà trường thực sự là ngôi nhà thứ 2 của học sinh, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, sẽ góp phần giải tỏa các áp lực trong học tập, cuộc sống của học sinh. Đây là giải pháp hiệu quả để đẩy lùi những vấn đề tiêu cực xảy ra trong môi trường học đường. Để trường học thực sự là ngôi nhà thứ 2 của học sinh thì trong ngôi nhà ấy phải có tình thương, bạn bè, thầy cô và học trò yêu thương nhau như người trong gia đình. Cùng với đó, để giảm áp lực học tập với học sinh, phương pháp giảng dạy cũng cần được đổi mới, làm sao ngoài cung cấp kiến thức phải giúp học sinh hình thành các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống; phương pháp kiểm tra, đánh giá cũng phải đổi mới nhằm ghi nhận sự cầu thị, tiến bộ của học sinh, động viên các em nỗ lực chứ không nặng về điểm số.

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du (quận 10), hoạt động tư vấn tâm lý học đường rất quan trọng, giúp học sinh giải quyết các vấn đề một cách tốt nhất. Hiểu được tầm quan trọng của công tác này, nhà trường thành lập Ban tư vấn học đường gồm có cả lãnh đạo nhà trường, thực hiện tư vấn cho các em mọi lúc, mọi nơi, qua nhiều kênh. Không những vậy, mỗi thầy cô giáo cũng phải là một tư vấn viên, là nơi mà học sinh có thể tìm đến khi có những trăn trở trong cuộc sống, học tập, để được giải tỏa nỗi lòng. Hoạt động phong trào cũng là một cách để giúp học sinh năng động hơn, đoàn kết gắn bó với nhau hơn. Đoàn Thanh niên của trường phải là trung tâm để tập hợp, lôi cuốn học sinh thông qua các hoạt động của mình. Các hoạt động Đoàn phải hướng đến nhu cầu, thị hiếu, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh.

“Đối thoại dân chủ giữa học sinh và lãnh đạo nhà trường cũng là một giải pháp hiệu quả mà nhà trường đang thực hiện nhằm xây dựng môi trường học đường thân thiện. Qua các buổi đối thoại trước toàn trường, học sinh tích cực bày tỏ chính kiến của mình, các em cũng có những phản biện về tình trạng cơ sở vật chất, phương pháp giảng dạy… từ đó nhà trường tiếp thu và có giải pháp khắc phục, hoàn thiện hơn. Riêng với học sinh, việc được bày tỏ và được lắng nghe sẽ giúp các em có suy nghĩ, hành động tích cực và có trách nhiệm hơn” – thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ.

Cùng quan điểm, thầy Phạm Thái Hồ, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Cù Chính Lan (quận Bình Thạnh) chia sẻ, việc tạo môi trường học đường thân thiện là một nội dung quan trọng trong xây dựng văn hóa đọc đường. Bên cạnh hoạt động giáo dục kiến thức, nhà trường chú trọng tới các hoạt động giáo dục kỹ năng cho học sinh. Trong chương trình học, nhà trường cũng kết hợp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, thực hiện chuyên đề hướng nghiệp ngoài nhà trường, chuyên đề về tâm sinh lý, sử dụng mạng xã hội, phổ biến quy định pháp luật về trẻ em, an ninh mạng. Ngoài giờ chính khóa như các câu lạc bộ năng khiếu nghệ thuật, thể dục thể thao để học sinh cân bằng việc học và rèn luyện.

Trách nhiệm trong xây dựng văn hóa học đường nói chung không chỉ thuộc về nhà trường, mà còn có vai trò quan trọng của gia đình. Bên cạnh giáo dục, vun đắp cho con những giá trị tốt đẹp, cha mẹ còn phải là người đồng hành tin cậy của con. Có như vậy, phụ huynh mới có thể phối hợp tốt với nhà trường để kịp thời phát hiện, hỗ trợ các con em mình giải quyết các vấn đề phát sinh trong cuộc sống, học tập.

Môi trường tốt để người thầy “dạy tốt”

Ngoài chủ thể là học sinh, việc xây dựng văn hóa học đường cũng hướng đến tạo môi trường làm việc tốt cho người thầy phát huy hết năng lực của mình. Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, để xây dựng văn hóa nhà trường tốt, trách nhiệm, vai trò của lãnh đạo nhà trường rất quan trọng, trong đó phải đặt quyền lợi của giáo viên, học sinh lên trên hết. Ngoài chính sách chung, lãnh đạo nhà trường cần xây dựng chính sách cho giáo viên một cách phù hợp, tạo môi trường làm việc tốt cho giáo viên; các quyền lợi của người thầy phải được trân trọng, đảm bảo; tạo điều kiện tối đa để giáo viên nâng cao trình độ, trao quyền chủ động trong giảng dạy phát huy hết năng lực sở trường của mình cống hiến cho sự nghiệp chung. Đặc biệt, chương trình Giáo dục phổ thông mới được xây dựng mở, sự chủ động, sáng tạo của giáo viên càng được tạo điều kiện phát huy tối đa trong quá trình dạy học.

Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên “dạy tốt”, chính sách tuyển dụng, bổ nhiệm lãnh đạo trong ngành giáo dục cũng dần được đổi mới nhằm tạo môi trường tốt cho giáo viên nỗ lực, phấn đấu. Năm 2022, lần đầu tiên SởGiáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý trong ngành giáo dục với việc thí điểm thi tuyển Phó Hiệu trưởng cho 3 trường Trung học Phổ thông ở huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ. Theo đó, thay vì bổ nhiệm như trước đây, những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đều có thể tham gia thi tuyển.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho rằng, thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý là một trong những giải pháp để lựa chọn ra những cán bộ có năng lực trong lãnh đạo, quản lý, tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các cán bộ được quy hoạch. Hình thức thi tuyển này sẽ tạo động lực phấn đấu cho các cán bộ quản lý, các thầy cô giáo. Mặt khác, các ứng viên có thể ứng tuyển vào các vị trí phù hợp với các điều kiện của bản thân nên khi trúng tuyển sẽ sẵn sàng nhận nhiệm vụ và thực hiện công việc một cách hiệu quả nhất.

Vấn đề xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh cũng được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên lưu ý với ngành giáo dục TP trong phát biểu tại lễ tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 của ngành giáo dục TP. Trong đó, ngành cần quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ nhà giáo an tâm công tác. Bên cạnh việc nghiên cứu, đề xuất chính sách nâng cao mức thu nhập cho nhà giáo, ngành giáo dục TP cần tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, trung thực, không thành tích ảo, xây dựng hệ thống tiêu chí thi đua khen thưởng đảm bảo thành tích thật.

T.Hoài
.
.
.