Nhiều giải pháp để ngăn chặn bạo lực học đường

Thứ Bảy, 05/11/2022, 08:46

Trước tình hình bạo lực học đường (BLHĐ) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có xu hướng gia tăng; các cơ quan, ban ngành trên địa bàn đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể nhằm chấn chỉnh, ngăn chặn.

Chỉ tính từ tháng 9/2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xảy ra 3 vụ nữ sinh của các Trường Trung học cơ sở (THCS) đánh nhau. Đáng phê phán, khi các nữ sinh đánh nhau thì nhiều học sinh khác đã không can ngăn mà đứng xem, có người còn cổ vũ, dùng điện thoại quay clip…

Nhiều giải pháp để ngăn chặn bạo lực học đường -0
Cơ quan Công an tuyên truyền pháp luật, phòng chống bạo lực học đường trong các trường học.

Đơn cử, chiều 14/9, trước giờ học thể dục, nữ sinh T.T.H.L (Trường THCS Lộc Thủy, Phú Lộc) bị nữ sinh cùng lớp túm giật tóc, rồi bị nữ sinh tên H.T.L.A dùng khúc cây nhỏ đánh vào đầu gây toác đầu, chảy máu. Theo clip ghi lại, hành động đánh bạn của 2 nữ sinh cùng lớp rất tàn nhẫn, mặc dù nạn nhân đã van xin nhưng L.A vẫn không chịu buông tha. Ngay sau đó, nạn nhân đã nhanh chóng được đưa đi cấp cứu, thăm khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Chân Mây.

Theo thông tin ban đầu, nữ sinh H.L và L.A (cùng học lớp 8) có mâu thuẫn với nhau trong giờ học thể dục. Sau khi tan học, khi di chuyển đến khu vực tái định cư Lộc Thủy, cách trường học khoảng 200m thì các nữ sinh này cãi vã, rồi đánh nhau. Sau khi sự việc xảy ra, Công an xã Lộc Thủy phối hợp với Ban Giám hiệu (BGH) Trường THCS Lộc Thủy mời các em học sinh đánh nhau cũng như học sinh quay clip cùng gia đình các em đến làm việc. Tại đây, các gia đình cam kết tự lo thuốc men, sẽ không tái phạm…

Trước đó, ngày 9/9/2022 xuất hiện clip nữ sinh đánh bạn xảy ra tại xã Phong Sơn (huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế). Công an huyện Phong Điền đã điều tra và xác định, vào khoảng 17h30 ngày 9/9, em P.L và T.M (cùng SN 2009, trú tại thôn Sơn Quả, xã Phong Sơn) đều là học sinh Trường THCS Phong Sơn xảy ra xích mích nên hẹn nhau đến đoạn đường liên thôn phía sau Trường THCS Phong Sơn để giải quyết và dẫn đến đánh nhau. Lúc này, hơn 20 học sinh Trường THCS Phong An và THCS Phong Sơn đứng xem, một số học sinh dùng điện thoại quay clip. Công an xã Phong Sơn đã phối hợp với BGH, giáo viên của Trường THCS Phong Sơn và Trường THCS Phong An mời các học sinh cùng phụ huynh có liên quan đến làm việc, làm rõ trách nhiệm đối với 2 phụ huynh của 2 nữ học sinh đánh nhau trong công tác quản lý và giáo dục con em mình…

Tương tự, tại TP Huế, trong ngày khai giảng thử năm học mới 2022-2023, một nữ sinh lớp 8 Trường THCS Chu Văn An cũng bị nữ sinh lớp 7 trong trường đánh đập và túm tóc kéo lê bên lề đường. Hành động bạo lực này còn được học sinh khác ghi lại video và gửi cho người thân của nạn nhân khiến cho gia đình nạn nhân bất bình. Nữ sinh bị đánh không chỉ bị bầm tím cơ thể, mà còn ảnh hưởng đến tinh thần. Các vụ việc đánh nhau của nữ sinh nói trên gây ảnh hưởng đến sức khỏe, ám ảnh tinh thần của nạn nhân, khi mà các em đang ở tuổi dậy thì…

Theo phân tích của các cơ quan chức năng về BLHĐ tại Thừa Thiên-Huế gia tăng gần đây, nguyên nhân chính là do sự phát triển tâm sinh lý và nhận thức của học sinh không đồng đều, nhất là giai đoạn lứa tuổi học sinh cấp 2. Một số học sinh có lối sống đua đòi và thiếu kỹ năng sống, kỹ năng kiểm soát cảm xúc, từ đó khiến các em dễ bị lôi kéo, kích động; dễ dẫn đến nguy cơ dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chủ yếu nằm ở khâu phòng ngừa.

Công tác nhận định tình hình chưa nhanh nhạy, việc nắm bắt thông tin, dư luận trong học sinh chưa kịp thời, vụ việc còn chậm được phát hiện, khiến những mâu thuẫn giữa học sinh với học sinh không được can thiệp, can ngăn giải quyết. Đồng thời, do ý thức của người học, đạo đức, lối sống, tâm lý của các em bị nhiều yếu tố tác động, ảnh hưởng. Một nguyên nhân nữa là do công tác quản lý của nhà trường, gia đình, xã hội thiếu sự quan tâm thường xuyên…

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, đã yêu cầu các cơ sở giáo dục toàn tỉnh thành lập Ban Phòng chống BLHĐ tại đơn vị do thủ trưởng làm trưởng ban và các thành viên là các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp; mời Công an địa phương, đại diện cha mẹ học sinh làm thành viên. Đặc biệt, nâng cao trách nhiệm giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp để thường xuyên theo sát tình hình, quản lý, giáo dục học sinh; quan tâm các em học sinh yếu thế, học sinh chưa ngoan để có biện pháp giáo dục, giúp đỡ, bảo vệ phù hợp; thiết lập các kênh thông tin về BLHĐ của cơ sở giáo dục/trung tâm (hộp thư góp ý, đường dây nóng, hệ thống camera giám sát, trang mạng xã hội...) để chủ động tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin về BLHĐ. Thường xuyên nắm bắt tâm lý học sinh, kịp thời phát hiện để tư vấn và xử lý những mâu thuẫn, xung đột trong trường học...

Trước tình hình bạo lực học đường trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng, ngày 29/10, tại Trường THCS Chu Văn An (TP Huế), Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh phối hợp với Đoàn Luật sư tổ chức phiên toà giả định với chuyên đề về phòng chống bạo lực học đường, nhằm giúp cho các em học sinh có hành vi xử sự đúng quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật…

Hải Lan
.
.
.