Tuyển sinh đại học năm 2022: Chỉ điều chỉnh kỹ thuật theo hướng có lợi cho thí sinh
Tại buổi tư vấn trực tiếp "Những thông tin mới nhất về tuyển sinh đại học, cao đẳng 2022" do Báo Tuổi trẻ phối hợp với Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Năm 2022, Bộ GD&ĐT dự kiến không sửa quy chế thi THPT; nội dung thi, đề thi mẫu như năm 2021.
“Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, từ nay đến ngày tổ chức thi, Bộ GD&ĐT sẽ tham vấn các đơn vị chức năng, địa phương để quyết định thời gian, số lần tổ chức thi THPT đảm bảo thuận lợi, tính công bằng khi thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển. Như năm 2021, nội dung thi nằm chủ yếu ở chương trình lớp 12. Đề thi mẫu có thể áp dụng, vận dụng như năm vừa rồi" - bà Thủy thông tin.
Về công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022, bà Thủy nhấn mạnh: Điều đầu tiên khẳng định quy chế tuyển sinh năm 2022 về cơ bản giữ ổn định như các năm trước; nếu có điều chỉnh thì để nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập như điều chỉnh trong khâu kỹ thuật của công tác tuyển sinh vào đại học, cao đẳng và cập nhật các quy định của luật, pháp lệnh của Quốc hội, quy định của Thủ tướng Chính phủ...
Thứ hai, nhằm triển khai công tác đăng ký trực tuyến tại Cổng dịch vụ công quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Cổng thông tin của Bộ GD&ĐT, việc đăng ký xét tuyển của thí sinh đối với các phương án xét tuyển chủ yếu theo hình thức trực tuyến, trừ trường hợp đặc biệt vẫn đăng ký trên giấy, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu của công tác tuyển sinh.
Thứ ba, dự kiến thí sinh đăng ký xét tuyển đại học chỉ một lần. Một lần ở đây không phải là đăng ký rồi thì không thay đổi mà là thực hiện đăng ký xét tuyển chỉ trong khoảng thời gian quy định, ví dụ 3-4 tuần sau khi thí sinh đã cân nhắc tất cả các lựa chọn. Khoảng thời gian này đủ cho các em lựa chọn và đưa ra quyết định cuối cùng về các nguyện vọng đăng ký tuyển sinh của mình. Thứ tư, các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, các trường khác nhau ở các phương thức tuyển sinh khác nhau sẽ được xếp thứ tự ưu tiên của thí sinh từ 1 đến hết. Nguyện vọng 1 là nguyện vọng được ưu tiên nhất, mong muốn nhất được trúng tuyển của thí sinh.
Cuối cùng, cũng như năm 2021, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất đã đăng ký theo nguyên tắc: Tất cả các nguyện vọng của thí sinh theo các phương án tuyển sinh của cơ sở đào tạo sẽ được lọc ảo chung trên hệ thống.
Cũng theo bà Thủy, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát chính sách ưu tiên khu vực, đối tượng, áp dụng có lộ trình tạo thuận lợi cho các trường, thí sinh trong việc xác định ưu tiên, vận dụng chính sách ưu tiên. “Kế hoạch tuyển sinh đại học phụ thuộc vào thời điểm thi tốt nghiệp THPT. Bộ GD&ĐT sẽ cố gắng công bố trong thời gian sớm nhất có thể và hướng dẫn đầy đủ, chi tiết cho thí sinh” - bà Thuỷ nói.