Tuyển sinh đại học năm 2022: Các trường sẽ xét tuyển chung hay tổ chức thi riêng?

Chủ Nhật, 10/10/2021, 09:49

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố phương án tuyển sinh đại học năm 2022, vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay là liệu các trường đại học top đầu, các ngành học có tính cạnh tranh cao sẽ chọn phương án nào?

Các trường vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 làm điều kiện sơ tuyển rồi tổ chức thêm kỳ thi phụ để tuyển sinh hay cùng liên kết để tổ chức thi riêng, độc lập với kỳ thi tốt nghiệp THPT rồi sử dụng kết quả để xét tuyển chung?

6-1.jpg -0
Ảnh minh họa: Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường tăng cường tự chủ tuyển sinh, giảm phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Khuyến khích các trường tổ chức thi đánh giá năng lực

Trả lời câu hỏi về việc Bộ GD&ĐT khuyến cáo các trường đại học (ĐH) top đầu chỉ nên xem kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 làm điều kiện sơ tuyển trong tuyển sinh đại học có phải là yêu cầu bắt buộc, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Kết quả Kỳ thi THPT quốc gia và tốt nghiệp THPT những năm qua đã làm cơ sở tin cậy cho công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, với tinh thần tăng cường tự chủ đại học và yêu cầu đổi mới giáo dục đại học thì việc đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh là yêu cầu cần thiết.

Với các ngành/trường có tính cạnh tranh cao, Bộ GD&ĐT khuyến cáo nên xem xét mức độ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Theo đó, kết quả thi tốt nghiệp THPT như là bước sàng lọc, sơ tuyển và cần có thêm các hình thức sát hạch, tuyển chọn để phân loại tốt hơn đối tượng tuyển sinh, đảm bảo số lượng, chất lượng và công bằng trong tuyển sinh. Việc này chỉ triển khai nếu các trường chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, công bố sớm, rộng rãi trong Đề án tuyển sinh. Cũng theo ông Trinh, đây không phải yêu cầu bắt buộc đối với các trường. Do vậy, các trường cần chuẩn bị chu đáo trước khi triển khai nhằm bảo đảm quyền lợi của thí sinh.

Bộ GD&ĐT khuyến khích các ĐH Quốc gia, ĐH vùng, các trường ĐH, nhóm trường đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực để làm căn cứ xét tuyển ĐH, CĐ và chia sẻ, hỗ trợ các trường khác có nhu cầu.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cũng nhấn mạnh: Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường ĐH chủ động hợp tác, liên kết tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy tại các địa phương, tổ chức xét tuyển chung nhằm đáp ứng yêu cầu riêng của từng cơ sở đào tạo. Đồng thời, tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất cho thí sinh, tránh việc thí sinh phải đi lại tốn kém hoặc phải tham dự nhiều kỳ thi, tiến tới hình thành các trung tâm khảo thí chuyên nghiệp của các cơ sở giáo dục ĐH và trung tâm khảo thí độc lập.

Nhiều chuyên gia tuyển sinh nhận định, khuyến cáo mà Bộ GD&ĐT đưa ra đối với các trường ĐH top đầu, các ngành học có tính cạnh tranh cao là phù hợp với bối cảnh hiện nay. Bởi lẽ, với sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là hiệu quả của phần mềm xét tuyển chung, các trường ĐH không thể trở về với cách tổ chức thi đại học trước đây là mỗi trường tự tổ chức thi mỗi kiểu theo hướng “trăm hoa đua nở”. Với sự hỗ trợ của công nghệ hiện nay, các trường có thể liên kết với nhau để tổ chức thi và xét tuyển theo nhóm trường. Điều này vừa tạo thuận lợi cho thí sinh, vừa thuận lợi cho chính các trường.

Trường top đầu cần mạnh dạn tiên phong

TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng: Ưu điểm lớn của kỳ thi THPT quốc gia (nay là kỳ thi tốt nghiệp THPT) là học sinh chỉ cần thi 1 lần và có thể sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển vào các trường đại học khác nhau. Điều này không chỉ tiết kiệm cho thí sinh, gia đình và toàn xã hội mà còn tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh do các em được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng. Tuy nhiên, do kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay chủ yếu phù hợp với các trường top giữa và top cuối vốn chiếm đa số song chưa thực sự phù hợp với các trường top đầu, các ngành hot có tỷ lệ chọi cao. Để nâng cao chất lượng nguồn tuyển, các trường đại học top đầu, trường có thương hiệu cần phải mạnh dạn đi tiên phong trong đổi mới tuyển sinh.

Trước mắt, các trường cần điều chỉnh cách thức tuyển sinh đại học theo hướng chỉ nên coi điểm thi tốt nghiệp THPT là bước sơ tuyển, sàng lọc bước đầu để tạo điều kiện cho người học có cơ hội vào trường. Sau đó phải có thêm kỳ thi phụ, sử dụng bài thi để đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy thực của thí sinh và không có bất kỳ điểm cộng, điểm ưu tiên nào ở bài thi này để tạo sự công bằng.

Còn theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, khuyến cáo của Bộ GD&ĐT hoàn toàn phù hợp với xu hướng tuyển sinh trong vài năm trở lại đây, khi tính tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học đang ngày càng mở rộng mạnh mẽ; các trường cũng đang từng bước giảm bớt phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT bằng cách giảm chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp giảm từ 100% xuống còn 70%, 50%, thậm chí có trường chỉ còn 30%.

Tuy vậy, theo ông Triệu, việc nhà trường có dừng hay tiếp tục giảm chỉ tiêu sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 hay không vẫn là điều nhà trường đang tính toán trên tinh thần đảm bảo quyền lợi, không gây sốc cho học sinh và xã hội, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng nêu quan điểm: Các trường có tính cạnh tranh cao phải tính toán đến giải pháp tuyển sinh để đảm bảo chất lượng đầu vào như Bộ GD&ĐT đã khuyến cáo. Mô hình lý tưởng là các trường cùng khối ngành phối hợp cùng nhau tổ chức 1 kỳ thi, giảm tần suất tham gia các kỳ thi, vừa giảm lãng phí vừa chống tiêu cực.

Đối với kế hoạch tuyển sinh năm 2022 của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ông Điền khẳng định sẽ vẫn giữ ổn định các phương thức tuyển sinh như năm 2021. Dự kiến, trường sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy nhiều lần trong năm. Đồng thời, sẽ cho phép các trường cùng khối thi, cùng ngành đào tạo có thể dùng chung kết quả kỳ thi này để tuyển sinh.

Còn theo lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội, năm 2022, trường sẽ tiếp tục dựa trên kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực do nhà trường tổ chức và các công cụ khác để tuyển sinh các ngành tài năng, chất lượng cao hoặc xét học bổng. Phương thức này nhằm hướng tới việc chọn được học sinh có năng lực phù hợp với khung năng lực ngành nghề. Khi xét tuyển dựa vào bài thi đánh giá năng lực thì kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ chỉ là điều kiện đủ để thí sinh nhập học. Trường cũng hướng tới liên minh tuyển sinh các trường cùng sử dụng công cụ đánh giá năng lực để xét tuyển chung nhằm tiết kiệm chi phí cho thí sinh và toàn xã hội.

Huyền Thanh
.
.
.