Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có tân Hiệu trưởng

Thứ Tư, 15/05/2024, 13:01

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn mong muốn, tân Hiệu trưởng Trường ĐHSPHN sẽ vượt qua được khó khăn thử thách, tận dụng được nhiều điều kiện thuận lợi từ công cuộc đổi mới giáo dục và nhu cầu học tập rất lớn của người Việt Nam hiện nay, từ nhu cầu phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để đưa Trường ĐHSPHN phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Ngày 15/5, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSPHN) đã tổ chức Lễ công bố và trao quyết định công nhận Hiệu trưởng Trường ĐHSPHN nhiệm kỳ 2020-2025 cho PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSPHN, giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐHSPHN nhiệm kỳ 2020 – 2025, kể từ ngày 1/5/2024.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) Nguyễn Kim Sơn đã chúc mừng tân Hiệu trưởng Trường ĐHSPHN.

“Đây là niềm vui của cá nhân thầy Nguyễn Đức Sơn, của gia đình, của cơ sở giáo dục, cũng là niềm vui của ngành bởi vị trí đặc biệt của Trường ĐHSPHN đối với ngành Giáo dục. Mong niềm vui này được thường xuyên và bền vững. Tôi cũng chúc mừng thầy Nguyễn Đức Sơn vì được tín nhiệm làm hiệu trưởng ở một thời điểm đặc biệt, là thời kỳ chuyển đổi của nền giáo dục với vô số thách thức nhưng cũng chính là cơ hội cho thầy thể hiện bản lĩnh, phẩm chất và năng lực của người lãnh đạo”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có tân Hiệu trưởng -0
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao quyết định công nhận Hiệu trưởng Trường ĐHSPHN cho PGS.TS Nguyễn Đức Sơn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn tân Hiệu trưởng Trường ĐHSPHN sẽ vượt qua được khó khăn thử thách, tận dụng được nhiều điều kiện thuận lợi từ công cuộc đổi mới giáo dục và nhu cầu học tập rất lớn của người Việt Nam hiện nay, từ nhu cầu phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để đưa Trường ĐHSPHN phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Nhà trường cần rà soát và điều chỉnh chiến lược phát triển phù hợp với yêu cầu và tình hình, nhiệm vụ mới của trường để phù hợp với ngành và nhu cầu xã hội. Đề ra được chính sách thu hút và phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo chất lượng đội ngũ có trình độ cao, xứng tầm với vị thế và yêu cầu đối với sự phát triển của nhà trường. Trường ĐHSPHN cần nghiên cứu đổi mới mô hình, chương trình đào tạo của nhà trường; đảm bảo tính chất “mẫu mực” trong xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo, để từ đó có thể chuyển giao cho các trường sư phạm khác trên cả nước…

Ngay sau lễ công bố, Bộ GD & ĐT đã có buổi làm việc với các cán bộ chủ chốt của Trường ĐHSPHN.

Hiệu trưởng Trường ĐHSPHN Nguyễn Đức Sơn cho biết, trường hiện có 45 ngành đào tạo trình độ ĐH, trong đó có 28 chuyên ngành sư phạm, 17 chuyên ngành ngoài sư phạm, 55 chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 43 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. Trường có 1.030 viên chức, người lao động, trong đó có 648 giảng viên (11 GS, 115 PGS, 304 TS và TSKH), nhưng từ 2021 đến nay, trường giảm 10 GS, trong đó ngành Khoa học Giáo dục không có GS nào, ngành Khoa học Xã hội và nhân văn chỉ còn 2 GS...

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn yêu cầu Trường ĐHSPHN phải xác định đúng vai trò, vị trí của Trường ĐHSPHN trong hệ thống giáo dục; đồng thời nhà trường phải đổi mới mô hình đào tạo giáo viên, sẽ giúp đào tạo được nhiều ngành nghề, giúp cho trường năng động hơn, trong đó cần lưu ý quan tâm tới các ngành khoa học cơ bản, vì không phát triển khoa học cơ bản không thể đào tạo giáo viên tốt. 

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có tân hiệu trưởng -0
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn yêu cầu Trường ĐHSPHN phải đổi mới mạnh mẽ, xứng đáng là "máy cái" trong hệ thống các trường sư phạm.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Trường ĐHSPHN tuyển sinh đa ngành, sẽ có nguồn lực lớn. Nhiều nước, trong đó có Trung Quốc đang chuyển động theo mô hình các tập đoàn giáo dục, với hoạt động đào tạo nghiên cứu thuộc các công ty sản xuất các đồ dùng học tập, các loại dịch vụ giáo dục… Trường ĐHSPHN cần rà soát lại chiến lược, các vị trí; sắp xếp lại cơ cấu ngành nghề đào tạo. Trong nghiên cứu khoa học, nhà trường cần nghiên cứu nhiều hơn vào hướng đánh giá thực tiễn với nhiều giải pháp thực tế, từ đó tư vấn chính sách đối với ngành, tư vấn quản lý trường ĐH, tư vấn tham mưu về thi cử.  

Về một số đề xuất của Trường ĐHSPHN, Bộ trưởng cho hay, đề xuất thành lập trung tâm kiểm định đối với trường sư phạm, cần cân nhắc, bởi không nên củng cố thêm những mô hình cũ, đây là mô hình cũ. Trường ĐHSPHN cần tích cực chuẩn bị điều kiện để quy hoạch, đưa trường vào hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh. Bộ trưởng đặc biệt lưu ý đào tạo bằng tiếng Anh, vì các chương trình và năng lực tiếng Anh là yêu cầu cấp bách, là hướng đúng cần phải làm.
Bộ trưởng lưu ý có 3 nhóm đào tạo giáo viên cần tăng cường gồm giáo viên dạy tiếng dân tộc và văn hóa các dân tộc - đang rất thiếu; giáo viên các môn học mới và giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. 

Thu Phương
.
.
.