Tinh giản nội dung dạy học trực tuyến, giảm áp lực cho học sinh

Thứ Năm, 09/09/2021, 09:11

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, dạy học trực tuyến là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, do phương thức dạy học online khác với dạy học trực tuyến nên để đảm bảo yêu cầu chất lượng, nhiều ý kiến đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cần rà soát, điều chỉnh nội dung, chương trình phù hợp, giảm áp lực cho học sinh.

Sau 3 ngày triển khai dạy và học trực tuyến, nhiều phụ huynh cho biết, số lượng các tiết học vẫn còn nhiều, một số lớp vẫn phải học 7 buổi/tuần, khá căng thẳng và áp lực cho học sinh. Chị Nguyễn Thanh Hà, phụ huynh có con học lớp 4 tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: “Ở chương trình lớp 4, học sinh phải học thêm 2 môn Lịch sử, Địa lý nên thay vì học 5 buổi, các trường đều phải điều chỉnh thời khoá biểu tăng lên thành 7 buổi. Như vậy, có 2 ngày trong tuần các con phải học 2 buổi/ngày. Việc phải ngồi trước máy tính nhiều giờ đồng hồ khiến tôi rất lo lắng sẽ ảnh hưởng đến thị lực của các con”.

htt1.jpeg -0
Nhiều phụ huynh lo lắng, việc ngồi trước máy tính nhiều giờ liên tục sẽ ảnh hưởng đến thị lực của học sinh.  (Ảnh minh hoạ)

Chị Trần Phương Loan, phụ huynh có con đang học tiểu học và THCS tại huyện Thanh Trì chia sẻ: “Mấy hôm nay, các con tôi đều phải học online liền mạch từ sáng sớm đến 11 giờ. Các con không được nghỉ giữa giờ trước khi chuyển sang tiết học mới như khi học trực tiếp nên cháu nào cũng kêu mệt, căng thẳng và mỏi mắt”.

Nhiều giáo viên cũng thừa nhận, trên thực tế, hiệu quả, chất lượng của dạy học trực tuyến không thể so với dạy trực tiếp, vì sự tương tác giữa giáo viên và học sinh có những hạn chế nhất định. Bên cạnh đó, về phương pháp giảng dạy, dạy trực tuyến khác với dạy trực tiếp, học sinh không thể ngồi trước máy tính học liên tục  4-5 tiết được vì sẽ ảnh hưởng đến thị lực và sức khỏe. Để đảm bảo chất lượng dạy học trực tuyến và không gây áp lực cho học sinh, thời khoá biểu chỉ nên thiết kế mỗi tiết học là 30 phút và mỗi buổi học 3 tiết là vừa sức với học sinh; cũng không nên học 2 buổi/ngày. Muốn vậy thầy cô chỉ dạy những kiến thức trọng tâm nhất với những yêu cầu cơ bản mà học sinh cần đạt được.

“Về lý thuyết là như thế nhưng trên thực tế, bản thân giáo viên cũng rất áp lực vì không thể tự ý cắt hay bỏ bớt nội dung, chương trình. Với những khó khăn nói trên, chúng tôi mong Bộ GD&ĐT cần có sự điều chỉnh giảm tải nội dung kiến thức, chương trình để phù hợp với việc dạy học trực tuyến, với tình hình dịch bệnh hiện nay ”- cô Nguyễn Quỳnh Nga, giáo viên tại một trường công lập trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện kế hoạch năm học mới trong bối cảnh đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cấp học rà soát điều chỉnh nội dung dạy học, đảm bảo chương trình nhưng tinh giản nội dung. Trước đây, Bộ GD&ĐT cũng đã có Công văn 3280 về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Năm học này, Bộ GĐ&ĐT cũng sẽ tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng thiết thực, giảm và tiến tới bỏ hẳn những nội dung rườm rà, thiếu hiệu quả, đảm bảo phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Song song với việc này, dạy học trực tuyến làm sao để đảm bảo chất lượng, không quá tải cũng là một yêu cầu.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thành, Bộ GD&ĐT đã có văn bản dạy học trực tuyến trên internet và truyền hình và tới đây sẽ tiếp tục tập huấn giáo viên về kỹ năng dạy học trực tuyến trên tinh thần khắc phục những hạn chế hiện nay. “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã giao chúng tôi biên soạn tài liệu này, hiện các đơn vị chức năng đang hoàn thiện để sớm gửi các thầy, cô nhằm tổ chức các giờ học trực tuyến nhẹ nhàng nhưng hiệu quả, thay vì ngồi trước màn hình thì học sinh có thể tự chủ trong giờ học. Trong trường hợp không có internet, có thể phát các tài liệu trên truyền hình hoặc copy vào USB, VCD để nhờ cộng đồng hỗ trợ, giúp các em tiếp cận các học liệu này”- ông Thành nói.

Huyền Thanh
.
.
.