Hoàn thiện cơ sở pháp lý đưa dạy học trực tuyến trở thành chính thức

Thứ Tư, 03/06/2020, 18:49
Chiều 3/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố và các trường đại học (ĐH) về đánh giá chất lượng giáo dục trực tuyến, dạy học từ xa.

Tại Hội nghị, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ: Sau thời gian đầu bỡ ngỡ, Hà Nội đã nỗ lực đạt được kết quả 100% học sinh từ lớp 4 đến lớp 12 học qua truyền hình. 

Đối với các gia đình khó khăn, không có tivi, các thầy cô giáo cũng đã động viên, khuyến khích các em có thể sang nhà bạn gần nhà để học cùng. Nhiều câu chuyện đẹp về tình thầy trò cũng đã xuất hiện trong giai đoạn khó khăn này như giáo viên mang tivi đến nhà cho học sinh mượn. Ngành giáo dục Thủ đô cũng đã vận động các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tặng 1.000 máy tính cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Về học trực tuyến, đến thời điểm hiện tại, 100% giáo viên Hà Nội có thể dạy trực tuyến. Đặc biệt, vào cuối tháng 5/2020, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 trên toàn địa bàn thông qua hình thức trực tuyến và tiếp tục nghiên cứu mở rộng hình thức này đối với các khối khác. 

Tuy vậy, ông Quang cũng thừa nhận quá trình dạy học trực tuyến đã bộc lộ một số khó khăn như chất lượng đường truyền còn chưa ổn định, nhiều học sinh khó khăn do không có thiết bị học tập, trình độ của giáo viên, học sinh còn chưa đồng đều; cơ sở pháp lý của việc dạy học trực tuyến chưa đầy đủ và hoàn thiện.

Trên cơ sở đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục duy trì, phát triển giáo dục trực tuyến bằng cách xây dựng các giải pháp đồng bộ từ hoàn thiện cơ cở pháp lý của hình thức dạy học này; tiếp tục làm việc với các nhà mạng để có cơ chế cho thuê hoặc mua thiết bị giá rẻ để phổ cập cho giáo viên, học sinh; xây dựng và chuyển đổi hệ thống tài liệu số; đảm bảo an toàn cho học sinh trong quá trình học online.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cũng thừa nhận, ngoài những khó khăn về hạ tầng, tài nguyên, thiết bị dạy học, trong quá trình thử nghiệm việc dạy học trực tuyến đã cho thấy, có một số bộ phận giáo viên ngại khó trong quá trình thực hiện; có những tình huống không lường trước xảy ra ảnh hưởng đến chất lượng dạy học; thang quy định và chuẩn đánh giá chưa rõ nên chưa có sự thống nhất. Do đó, địa phương này đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu để sớm ban hành công cụ, thang đánh giá phù hợp để đảm bảo thuận lợi trong quá trình triển khai.

Ảnh minh họa: Bộ GD&ĐT đang thí điểm mô hình dạy học trực tuyến trong trường phổ thông trước khi nhân rộng.

Lãnh đạo một số trường ĐH lớn như Kinh tế quốc dân, ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng đề xuất Bộ GD&ĐT sớm ban hành quy định công nhận chứng chỉ học online, cho 20-25% khối lượng kiến thức bằng hình thức dạy học online, phù hợp với điều kiện của từng trường, từng môn học; ban hành quy định công nhận chất lượng, cơ chế đào tạo giảng viên dạy học online. 

Đại diện một số doanh nghiệp công nghệ cũng cho rằng: Bộ GD&ĐT cần sớm xây dựng hệ thống đồng bộ cho giải pháp dạy và học từ việc chuẩn hóa đường truyền, trang thiết bị dạy và học; có chính sách hỗ trợ học sinh nghèo tiếp cận với thiết bị giá rẻ; xây dựng hành lang pháp lý chuẩn hóa hệ thống chương trình đào tạo, kho học liệu… để người Việt Nam ở tất cả các vùng miền đều có thể tiếp cận với chương trình chuẩn. Các doanh nghiệp này cũng cho biết, sẽ tiếp tục hỗ trợ ngành giáo dục bằng cách nâng cấp đường truyền, hệ thống phần mềm, kho dữ liệu…

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ghi nhận những nỗ lực của toàn ngành Giáo dục trong việc thực hiện khẩu hiệu “học sinh không đến trường nhưng không ngừng việc học” trong thời gian nghỉ học kéo dài do dịch COVID-19 vừa qua. Đồng thời, khẳng định, học trực tuyến, học từ xa là phương pháp học tập phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; là cơ hội để ngành giáo dục đổi mới công tác dạy và học, tăng cường ứng dụng CNTT để nâng cao chất lượng giảng dạy. 

Thực tế cho thấy, dạy học từ xa đã được triển khai từ lâu nhưng làm bài bản, rộng khắp thì đây lần đầu tiên làm được. Quá trình triển khai dạy và học trực tuyến vừa qua khẳng định ngành Giáo dục có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong việc ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng giáo dục.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho biết, tới đây phương thức dạy học qua internet, trên truyền hình sẽ tiếp tục được triển khai, đây không phải là phương thức tình thế mà là phương thức cộng hưởng với trực tiếp. Nếu làm tốt được việc này không chỉ hỗ trợ giáo viên mà còn rút ngắn thời gian học tập trên lớp của học sinh. 


Huyền Thanh
.
.
.