Thi vào lớp 10 tại Hà Nội: Học sinh, giáo viên nói gì về đề thi môn Ngữ văn?

Thứ Bảy, 08/06/2024, 11:08

Sáng 8/6, gần 106.000 học sinh Hà Nội đã chính thức bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Kết thúc buổi thi môn Ngữ văn, nhiều thí sinh cho biết, cấu trúc đề thi quen thuộc và yêu cầu của đề thi tương đối “vừa sức”.

Thí sinh Lê Bảo Ngọc, học sinh Trường THCS Linh Đàm, thi tại điểm thi Trường THCS Thanh Liệt, Thanh Trì cho biết: Đề thi năm nay không quá khó, tương đương với đề thi năm ngoái. Sự phân hóa chủ yếu ở phần nghị luận xã hội khi yêu cầu trình bày quan điểm về mong đợi của những người khác dành cho bản thân.

Thi vào lớp 10 tại Hà Nội: Học sinh, giáo viên nói gì về đề thi môn Ngữ văn? -0
Thí sinh phấn khởi rời phòng thi sau khi kết thúc môn thi Ngữ văn sáng 8/6.

Học sinh Nguyễn Mạnh Tùng, Trường THCS Mậu Lương cũng đánh giá, đề thi môn Ngữ văn năm nay tương đối "dễ thở". Cấu trúc đề giống như đề thi minh hoạ đã công bố trước đó. Mặc dù không ôn kỹ nhưng việc phân tích 2 khổ cuối của bài thơ “Đồng chí” cũng không quá khó vì bài thơ này tương đối dễ nhớ, dễ hiểu, gần gũi với học sinh.

Nhận xét cụ thể về đề thi môn Ngữ văn, thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên môn Ngữ văn của hệ thống giáo dục HOCMAI cho biết: Cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT ở Hà Nội năm nay vẫn giữ nguyên như mọi năm với thời gian làm bài 120 phút và thí sinh sẽ thực hiện trả lời các câu hỏi ngắn, viết 2 đoạn văn.

Thi vào lớp 10 tại Hà Nội: Học sinh, giáo viên nói gì về đề thi môn Ngữ văn? -0
Đề thi chính thức môn Ngữ văn vào lớp 10 của Hà Nội năm học 2024-2025.

Phần I (6,5 điểm), ba câu hỏi đọc- hiểu bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu có thể sẽ khiến một số học sinh bỡ ngỡ vì tác phẩm này đã xuất hiện trong đề thi vào năm 2021. Tuy nhiên đây là một bài thơ không khó để cảm nhận và phân tích nên nếu nắm chắc nội dung của tác phẩm thì có thể tự tin hoàn thành tốt tất cả các câu hỏi trong đề thi.

Phần II (3,5 điểm), bài viết “Dám bị ghét” với cuộc đối thoại của “Triết gia và Chàng thanh niên” bàn về vấn đề tư duy sống, cách chúng ta đối diện với mong muốn “được người khác thừa nhận” sẽ tạo được nhiều cảm xúc cho các thí sinh khi thực hiện yêu cầu về đoạn văn nghị luận xã hội “ứng xử thế nào trước những mong đợi của những người thân yêu”.

Câu hỏi đọc hiểu về một ngữ liệu ngoài sách giáo khoa về cách ứng xử của mỗi người để đáp ứng những mong đợi của người khác với bản thân hay theo đuổi đam mê và giá trị của riêng mình. Những cách diễn đạt của câu hỏi trong đề thi như: “theo em”, “nên ứng xử thế nào…?” cho phép học sinh có thể tự do nêu suy nghĩ, quan điểm của bản thân về vấn đề được đặt ra. Đây vừa là một vấn đề muôn thuở song cũng khá gần gũi, quen thuộc với học sinh, đặc biệt khi các em đang đứng ở ngưỡng cửa của những sự lựa chọn trong cuộc đời. Hai yêu cầu trả lời ngắn “xác định phép liên kết” và nêu quan điểm về việc “chúng ta không sống để đáp ứng mong đợi của người khác” cũng tương đối đơn giản, không làm khó thí sinh.

“Nhìn chung, với cấu trúc đề thi ổn định, các câu hỏi tương đối cơ bản, thí sinh có thể thuận lợi hoàn thành được bài thi môn Ngữ văn trong khoảng thời gian quy định. Những thí sinh có khả năng lập luận tốt, tìm được những dẫn chứng ấn tượng để đưa vào bài viết sẽ là một điểm nhấn được đánh giá cao. Với kiến thức Văn học và Tiếng Việt đều bám sát chương trình Ngữ văn lớp 9, dự kiến kiến phổ điểm trung bình có thể từ 6.5- 7.0 nhưng sức nóng điểm chuẩn cũng vẫn sẽ là một vấn đề đáng quan tâm của kì thi năm nay”-thầy Hùng nhận định.

Huyền Thanh-Nguyễn Bình
.
.
.