Thí sinh không nên “tham” quá nhiều kỳ thi riêng

Thứ Năm, 09/02/2023, 09:36

Việc có thêm nhiều kỳ thi riêng độc lập với kỳ thi tốt nghiệp một mặt sẽ giúp học sinh có thêm cơ hội vào đại học song đồng thời cũng sẽ dễ trở thành áp lực nếu thí sinh không tỉnh táo, quá “tham” các kỳ thi riêng dẫn đến việc ôn thi bị phân tán, áp lực tăng mà hiệu quả lại không cao.

Đến thời điểm này đã có hơn 70 trường đại học (ĐH) công bố đề án tuyển sinh với nhiều phương thức mới. Bên cạnh việc xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, học bạ, năm nay có rất nhiều cơ sở giáo dục ĐH tổ chức thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để tuyển sinh. Việc có thêm nhiều kỳ thi riêng độc lập với kỳ thi tốt nghiệp một mặt sẽ giúp học sinh có thêm cơ hội vào đại học song đồng thời cũng sẽ dễ trở thành áp lực nếu thí sinh không tỉnh táo, quá “tham” các kỳ thi riêng dẫn đến việc ôn thi bị phân tán, áp lực tăng mà hiệu quả lại không cao.

Thí sinh không nên “tham” quá nhiều kỳ thi riêng -0
Thí sinh cần tỉnh táo lựa chọn kỳ thi riêng phù hợp nhất để tránh quá tải, lãng phí.                              (Ảnh minh hoạ)

Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có gần 10 cơ sở giáo dục ĐH thông báo sẽ tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển đầu vào hệ ĐH chính quy. Một số kỳ thi riêng có quy mô lớn, được nhiều trường ĐH làm căn cứ để xét tuyển có thể kể đến kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hồ Chí Minh, ĐHQG Hà Nội; kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách Khoa Hà Nội; kỳ thi đánh giá tuyển sinh CAND của Bộ Công an; kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh…

Nhiều giáo viên cho rằng, với việc tham dự các kỳ thi riêng, độc lập với kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ giúp học sinh tăng cơ hội trúng tuyển vào ĐH. Tuy nhiên, mỗi kỳ thi có cấu trúc đề và cách đặt câu hỏi khác nhau và hầu hết các kỳ thi này đều diễn ra trước kỳ thi tốt nghiệp THPT nên nếu đăng ký tham gia nhiều kỳ thi, đồng nghĩa áp lực sẽ gia tăng vì các em phải học, ôn tập nhiều hơn trong khi vẫn phải ôn thi tốt nghiệp THPT.

Theo cô Lê Hoài Thương, giáo viên Trường THPT Trương Định (Hà Nội), để đáp ứng các kỳ thi riêng, học sinh phải học gấp nhiều lần bình thường, áp lực theo đó cũng gia tăng. Do đó, việc đăng ký nhiều kỳ thi riêng là không cần thiết. Nếu các em lựa chọn không hợp lý, sẽ phải ôn tập dàn trải cho các kỳ thi, vô hình trung dẫn đến quá tải, hiệu quả không cao.

“Các kỳ thi riêng hiện nay đều có định hướng vào các lĩnh vực khác nhau. Nếu như kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP Hồ Chí Minh có phạm vi, lĩnh vực rộng thì kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội chủ yếu dành cho lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ; kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tập trung cho lĩnh vực đào tạo giáo viên; kỳ thi đánh giá tuyển sinh CAND chủ yếu làm căn cứ để các trường CAND tuyển sinh… Vì vậy, thí sinh chỉ cần chọn một kỳ thi phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình, không nên “tham” quá nhiều kỳ thi”, cô Thương đưa ra gợi ý.

TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cũng cho rằng, việc nhiều trường tổ chức thêm các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy trong khi thí sinh vẫn phải dành thời gian cho kỳ thi tốt nghiệp THPT nên dễ dẫn đến “gánh nặng” thi cử. Bên cạnh đó, việc tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy không dễ dàng bởi để kỳ thi đạt chất lượng, đánh giá chính xác năng lực người học đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia giỏi về khảo thí. Điều này có thể là khó khăn với nhiều trường. Do đó, Bộ GD&ĐT cũng cần tăng cường kiểm soát chất lượng các kỳ thi riêng. Ngoài ra, chuyên gia này cũng bày tỏ lo ngại việc có quá nhiều các kỳ thi riêng sẽ dễ gây lãng phí, tốn kém, trong khi tâm lý của thí sinh cũng có thể bị ảnh hưởng do muốn "ôm đồm" nhiều kỳ thi để tăng cơ hội trúng tuyển.

Còn theo quan điểm của TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP Hồ Chí Minh, mỗi kỳ thi riêng sẽ có các quy định, cách thức xét tuyển và hướng tới các đối tượng thí sinh khác nhau. Thí sinh không nhất thiết phải tham gia tất cả các kỳ thi đánh giá năng lực mà chỉ nên lựa chọn kỳ thi nào phù hợp với năng lực, nguyện vọng của mình nhất để tránh ôm đồm, lãng phí.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Năm nay, các cơ sở giáo dục ĐH chủ động trong công tác tuyển sinh. Một số đơn vị thông báo sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để làm căn cứ xét tuyển. Do đó, việc thí sinh đăng ký tham dự các kỳ thi này sẽ tăng cơ hội xét tuyển theo phương thức khác nhau.

Tuy nhiên, bà Thuỷ cũng lưu ý, do mục đích, yêu cầu của các kỳ thi khác nhau nên cấu trúc, định dạng đề thi và cách thức tổ chức, thời gian, địa điểm cũng khác. Do đó, thí sinh cần xem xét đề án tuyển sinh của các trường (xét tuyển theo phương thức gì) để cân nhắc lựa chọn các kỳ thi phù hợp với sức khỏe và khả năng của bản thân; tránh việc đăng ký tham gia quá nhiều kỳ thi, dẫn đến lãng phí thời gian, công sức, áp lực và gánh nặng về thi cử mà khó có thể đạt được kết quả như mong muốn.

Hà Nội dự kiến cho học sinh lớp 12 “thi thử” tốt nghiệp THPT vào tháng 4

Để giúp học sinh lớp 12 tập dượt, đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang xây dựng kế hoạch tổ chức đợt khảo sát toàn thành phố. Đây có thể được xem là đợt “thi thử” tốt nghiệp THPT có quy mô lớn nhất cho học sinh lớp 12 trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Thời gian tổ chức khảo sát dự kiến trong tháng 4/2023. Đối tượng tham gia khảo sát là học sinh đang học lớp 12 tại các trường THPT (công lập, ngoài công lập) và học viên của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn Hà Nội.

Trước đó, năm học 2021-2022, kỳ khảo sát học sinh lớp 12 của Hà Nội diễn ra trong hai ngày 22 và 23/4 với khoảng 90.000 học sinh tham dự. Đề thi do Sở GD&ĐT xây dựng; công tác chấm thi được tiến hành nghiêm ngặt theo đúng nguyên tắc của kỳ thi tốt nghiệp THPT. (Hùng Quân)

H.Thanh
.
.
.