“Rải” nguyện vọng xét tuyển phù hợp để phòng tránh rủi ro

Chủ Nhật, 23/07/2023, 07:32

Tại ngày hội “lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2023” do Báo Tuổi trẻ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và một số đơn vị tổ chức tại Hà Nội ngày 22/7, nhiều vấn đề “nóng” mà thí sinh và phụ huynh quan tâm đã được các chuyên gia giải đáp; từ đó giúp thí sinh yên tâm, tự tin thực hiện các bước đăng ký nguyện vọng xét tuyển phù hợp.

Đặc biệt cũng trong khuôn khổ ngày hội, tại trên 300 gian tư vấn của các trường đại học, cơ sở đào tạo nghề nghiệp, thí sinh cũng được tiếp cận thông tin đầy đủ, đáng tin cậy về quy định tuyển sinh, quy định nhập học, các thông tin về học phí, học bổng, môi trường học tập, sinh hoạt ở bậc đại học và cơ hội việc làm sau khi ra trường.

6-1.jpg -0
Thí sinh tham dự ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2023 tại Hà Nội. Ảnh minh hoạ.

Không khống chế số lượng nguyện vọng để tăng cơ hội cho thí sinh

Tại ngày hội, rất nhiều phụ huynh quan tâm, đặt câu hỏi liên quan đến các phương thức xét tuyển sớm. Đây là các phương thức tuyển sinh không sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 gồm xét học bạ, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ với điểm học bạ…

Một phụ huynh ở Hà Nội băn khoăn rằng, việc Bộ GD&ĐT không khống chế số lượng nguyện vọng sẽ gây nên tình trạng phức tạp trong xét tuyển và vô hình trung một thí sinh có thể "chiếm chỗ" của nhiều thí sinh khác. Phụ huynh đề nghị Bộ GD&ĐT khống chế số nguyên vọng (NV) và hạn chế tình trạng các trường sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển như hiện nay.

Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết: Luật Giáo dục ĐH cho các trường được tự chủ trong việc xây dựng các phương thức xét tuyển. Việc có sử dụng phương thức xét tuyển sớm hay không là tùy theo nhu cầu của thí sinh. Nếu không muốn, thí sinh vẫn có thể chỉ sử dụng phương thức sử dụng xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT.

“Thực tế cho thấy, việc không khống chế số lượng NV của thí sinh là tăng thêm cơ hội cho thí sinh chứ không gây khó khăn cho thí sinh. Bộ GD&ĐT đã có giải pháp cho việc giảm tình trạng ảo bằng cách yêu cầu thí sinh đăng ký tất cả các NV lên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT. Theo đó cho dù thí sinh có đăng ký nhiều NV thì vẫn chỉ được xác định trúng tuyển một NV đặt ưu tiên cao nhất trong danh mục NV của thí sinh. Vì thế thí sinh đăng ký nhiều NV không hề "chiếm chỗ" của thí sinh khác như phụ huynh lo lắng”, bà Thuỷ chia sẻ.

Một thí sinh bày tỏ băn khoăn “dù đã trúng tuyển sớm vào 15 trường ĐH nhưng vẫn cảm thấy chưa yên tâm". Giải đáp lo lắng của học sinh, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết: Với những NV trúng tuyển sớm, nếu thí sinh chưa thật sự yêu thích thì các em hoàn toàn có thể đặt những NV này xuống dưới và đưa những NV yêu thích chưa trúng tuyển lên trên.

"Với cách thức xét tuyển hiện nay, NV trúng tuyển sớm đặt ở đâu cũng sẽ đỗ nếu tất cả các NV phía trên đều trượt. Bộ GD&ĐT và các trường đã và đang dành phần khó về mình để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh nên thí sinh và phụ huynh hãy yên tâm", ông Khánh nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến phương thức xét tuyển sớm, một phụ huynh khác đặt câu hỏi: "Con đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm nhưng trường ĐH yêu cầu phải xác nhận trúng tuyển thì trường mới đưa lên hệ thống xét tuyển của Bộ, như thế có phải gây thêm bước rắc rối của thí sinh không?”.

Về vấn đề này, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết: Trường ĐH Kinh tế quốc dân không yêu cầu xác nhận trúng tuyển vì nhận thấy không cần làm thế. Nhưng có những trường yêu cầu vì họ có lý do nào đó như là một bước để tăng thêm sự chắc chắn hoặc hạn chế tình trạng thí sinh trúng tuyển ảo chẳng hạn.

Tuy nhiên, ông Triệu cho rằng, thí sinh có thể xác nhận hết các yêu cầu các trường quy định vì điều này không gây khó gì cho các em. Nhưng khi đăng ký lên hệ thống của Bộ GD&ĐT, thí sinh không đặt ưu tiên lên trên tất cả các NV của các trường mà các em đã xác nhận cũng không sao. Thay vào đó, thí sinh có thể đặt ưu tiên ở một số NV khác, vào các trường khác. Đó hoàn toàn là quyền lựa chọn của thí sinh.

Sắp xếp nguyện vọng ưu tiên nhất, phù hợp nhất lên đầu

Với một số câu hỏi khác như thí sinh đăng ký NV xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT có cần đăng ký trên hệ thống của các trường? Về vấn đề này, PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh đại học, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT thì chỉ đăng ký duy nhất trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT. Trường hợp này thí sinh tích vào mục xét tuyển với dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT. Với những thí sinh có NV xét điểm thi và xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm thì cần tích vào dữ liệu khác. Ví dụ ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ đưa danh sách thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm lên, đó chính là dữ liệu khác của thí sinh.

Liên quan đến câu hỏi của một số phụ huynh về việc “Sau khi có kết quả trúng tuyển đại học của Bộ GD&ĐT, có được bảo lưu?”. Trả lời câu hỏi này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thuỷ cho cho rằng, đây là vấn đề rất quan trọng, thí sinh cần hết sức lưu ý. Theo bà Thuỷ, trường hợp muốn bảo lưu, trước hết thí sinh phải xác nhận nhập học vào trường đã trúng tuyển. Nếu không xác nhận, thí sinh được xem như đã từ chối nhập học, trường sẽ tuyển trường hợp khác. Sau khi đăng ký nhập học, thí sinh phải học một học kỳ chẳng hạn. Sau đó trình bày với trường lý do cần tạm ngưng và trường có thể cho phép thí sinh bảo lưu kết quả.

“Thực tế, có các trường hợp thí sinh chưa chính thức học tập nhưng phải đi nghĩa vụ quân sự, hoặc có lý do đau ốm và có xác nhận của cơ quan chuyên môn thì cũng có thể được trường cho phép bảo lưu kết quả. Nhưng đây là trường hợp rất đặc biệt. Vì thế việc bảo lưu kết quả trúng tuyển là có thể được nhưng cần đảm bảo đúng quy định”, bà Thuỷ cho hay.

Cũng theo chia sẻ của bà Thuỷ, dữ liệu xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT cho thấy, hiện đang có khoảng 72.000 thí sinh chỉ đăng ký một NV duy nhất. Nhận định việc thí sinh chỉ đăng ký duy nhất 1 NV xét tuyển là khá mạo hiểm, bà Thuỷ khuyên thí sinh nên đăng ký một số NV vì nếu có rủi ro cho thí sinh thì hệ thống của Bộ còn có thể xét tuyển tiếp để thí sinh có được các cơ hội khác.

Trong quá trình đăng ký NV xét tuyển, thí sinh cần lưu ý xếp NV mình yêu thích nhất, thấy phù hợp nhất lên đầu.Ngoài ra, thí sinh cũng cần có chiến thuật “rải” NV xét tuyển phù hợp. Để phòng tránh rủi ro, thí sinh nên đặt một số NV và san đều ở những nhóm trường có mức độ cạnh tranh khác nhau theo cấp độ từ cao xuống thấp, không nên dồn tất cả NV vào các trường top cao.

Huyền Thanh
.
.
.