Thí sinh không nên đợi đến lúc sắp hết thời hạn mới đăng ký nguyện vọng xét tuyển

Thứ Bảy, 22/07/2023, 09:11

Đó là lời khuyên được lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra tại Ngày hội “Lựa chọn nguyện vọng” năm 2023 giải đáp mọi thắc mắc về xét tuyển đại học, cao đẳng do Báo Tuổi trẻ phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức tại ĐH Bách Khoa Hà Nội sáng 22/7.

PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT mới ghi nhận khoảng 390.000 thí sinh đăng ký xét tuyển; mới chiếm khoảng 40%... Đây là tỷ lệ thấp so với những năm vừa qua. Thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều nhất vẫn nằm ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội...

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, thí sinh không nên cẩn trọng quá, đợi đến lúc sắp hết thời hạn mới đăng ký nguyện vọng xét tuyển vì đến những giờ cuối cùng hệ thống sẽ dễ nghẽn mạng hoặc thí sinh không có nhiều thời gian để điều chỉnh sai sót hoặc nhầm lẫn nếu có.

Thí sinh cũng không nên đăng ký quá ít nguyện vọng xét tuyển ( 1 nguyện vọng) vì rất dễ có những rủi ro có thể xảy ra. Chẳng hạn, ở nguyện vọng đó, các trường đại học có những điều kiện bổ sung, sơ tuyển hoặc tiêu chí phụ mà vì một lý do nào đó thí sinh không đáp ứng được thì các em sẽ mất cơ hội xét tuyển ở các nguyện vọng tiếp theo. Ngoài ra, thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng theo kiểu chọn bừa. 

a9.jpeg -0
Các chuyên gia giải đáp thắc mắc của thí sinh về xét tuyển đại học tại Ngày hội "lựa chọn nguyện vọng" năm 2023.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý, để phòng chống rủi ro, thí sinh nên đặt một số nguyện vọng và san đều ở những nhóm trường có mức độ cạnh tranh khác nhau, không nên dồn tất cả nguyện vọng vào các trường top cao. Đây là có thể xem là “chiến thuật” để tăng độ hiệu quả và tỷ lệ trúng tuyển đại học.

a11.jpeg -0
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học chia sẻ thông tin tại Ngày hội "Lựa chọn nguyện vọng" xét tuyển đại học năm 2023.

Về cách đăng ký nguyện vọng, năm 2023, thí sinh không cần lựa chọn giữa phương thức hay tổ hợp xét tuyển, chỉ cần đăng ký vào trường, ngành mà mình mong muốn. "Các em lưu ý phải cung cấp đầy đủ thông tin về những dữ liệu, kết quả mà các em sử dụng để xét tuyển. Lúc đó hệ thống sẽ tự xử lý và chọn tổ hợp, phương thức nào tối ưu nhất. Tuy các em không phải lựa chọn phương thức hay tổ hợp xét tuyển nhưng phải nghiên cứu rất kỹ đề án tuyển sinh của trường đại học, của ngành học mà mình mong muốn trúng tuyển vào. Tôi lưu ý rằng, nếu thí sinh đã tham gia xét tuyển sớm và trúng tuyển có điều kiện ở một số trường đại học, các em vẫn cần đăng ký nguyện vọng một cách chính thức trên Hệ thống của Bộ GD&ĐT. Nếu không đăng ký, các em sẽ lỡ cơ hội vì chúng ta chưa trúng tuyển chính thức", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, khi đăng ký lên Hệ thống của Bộ GD&ĐT, thí sinh sẽ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng duy nhất và cao nhất. Có nghĩa thí sinh có thể trúng tuyển sớm tới 10 trường, nhưng chỉ có thể vào học ở 1 ngành, 1 trường duy nhất. 9 vị trí còn lại sẽ dành cho thí sinh khác. Đây cũng là cách hệ thống lọc đi số lượng thí sinh ảo và dành vị trí cho các thí sinh khác xếp hàng sau. Đặc biệt, vì hệ thống cho thí sinh được đăng ký, đăng ký bổ sung, điều chỉnh thứ tự nguyện vọng không giới hạn số lần, do đó, thí sinh vẫn có cơ hội điều chỉnh nguyện vọng cho tới thời gian cuối cùng là trước 17h ngày 30/7.

Huyền Thanh
.
.
.