Phờ phạc ôn thi trước “cuộc đua” vào lớp 10

Thứ Năm, 01/06/2023, 07:11

Chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2023-2024 của Hà Nội sẽ diễn ra. Do thời gian ôn tập không còn nhiều cùng với chỉ tiêu vào lớp 10 công lập năm nay khá thấp, chỉ khoảng 56% trên tổng số học sinh đăng ký dự tuyển nên cả học sinh và phụ huynh đều áp lực. Nhiều học sinh học quên ăn, quên ngủ để tăng tốc ôn thi, còn phụ huynh cũng phải “căng não” để tìm thêm phương án “chống trượt” cho con ở các trường ngoài công lập.

Học khá, giỏi cũng có phương án dự phòng

Học ở trường cả ngày, tối về nhà tiếp tục tự học hoặc tham gia học online đến tận khuya. Đó là lịch học cố định của phần lớn học sinh lớp 9 tại các quận nội thành Hà Nội chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Em Nguyễn Tuấn Phong, học sinh lớp 9 ở quận Cầu Giấy cho biết: “Em đăng ký nguyện vọng (NV) 1 vào Trường THPT Yên Hòa. Năm nay, tỷ lệ “chọi” vào trường là 1/2,29. Em tự nhận thấy trình độ tiếng Anh của mình chưa tốt, vì vậy nếu không cố gắng “tăng tốc” ở giai đoạn “nước rút” này, em khó có cơ hội đỗ nguyện vọng 1. Những hôm học muộn, em phải đặt báo thức vì sợ ngủ quên”.

8bda69b0-adec-4cea-81f9-bfb3fd8a39ca.jpeg -0
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập của Hà Nội năm học 2023-2024 sẽ diễn ra vào ngày 10 và 11/6. (Ảnh minh hoạ)

 Chị Lê Xuân, phụ huynh có con học lớp 9 ở Phương Mai (Hà Nội) chia sẻ: “Dù con trai có học lực tốt, nằm trong top 10 của lớp, điểm thi thử các môn đều tương đối cao nhưng do năm nay cả 3 trường THPT công lập mà con tôi đăng ký đều có tỷ lệ “chọi” cao ngất ngưởng nên con rất áp lực. Ngoài việc học thêm ở trường, tối nào con cũng tự học thêm đến 2, 3 giờ sáng. Nhìn thấy lịch trình của con như vậy, tôi rất xót, muốn con đi ngủ sớm để đảm bảo sức khoẻ nhưng con vẫn rất kiên quyết với lý do “nếu mỗi môn không đạt được 9 điểm thì rất khó đỗ vào THPT Kim Liên, nơi con đăng ký NV 1”.

Cũng theo chị Xuân, năm nay chỉ có khoảng 56% học sinh lớp 10 được vào lớp 10 công lập, cả 3 trường THPT mà con trai chị đăng ký đều có tỷ lệ “chọi” cao, trong đó riêng Trường THPT Kim Liên, nơi đăng ký NV 1 là 1/2,62, các trường NV 2 và 3 cũng đều trên 1/2,3 nên chị phải tìm phương án “chống trượt” bằng cách đăng ký thêm NV vào các trường THPT ngoài công lập.

Chị Lưu Hà, phụ huynh có con học lớp 10 ở quận Hà Đông cũng cho biết: Dù con có học lực khá nhưng ngoài 3 NV đăng ký vào các trường THPT công lập trong khu vực tuyển sinh, chị vẫn phải đăng ký dự phòng thêm 1 NV vào trường dân lập cách nhà 3-5 km.

“Với lực học của con, nếu như các năm trước thì cơ hội đỗ vào công lập là rất cao. Nhưng năm nay tỷ lệ “chọi” các trường con đăng ký đều có nhiều biến động nên để chắc chắn, tôi vẫn phải dự phòng phương án vào trường dân lập. Nếu trong trường hợp xấu nhất, cháu không đỗ công lập thì còn có chỗ học ở trường dân lập, chứ ở độ tuổi này mà đi học nghề thì tội lắm”, chị Hà chia sẻ.

Đăng kí nguyện vọng phải “chiến thuật”

Từ nhiều năm nay, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập của Hà Nội luôn căng thẳng và áp lực hơn thi đại học. Do phần lớn phụ huynh đều có mong muốn con trúng tuyển NV trường công lập nhưng mỗi năm chỉ tiêu cho trường THPT công lập chỉ khoảng 60% nên áp lực là rất lớn.

Riêng năm học 2022-2023, toàn thành phố có 270.080 lượt thí sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 công lập, trong đó số lượng thí sinh đăng ký NV 1 là 104.917/69.805 chỉ tiêu. Như vậy, tỷ lệ “chọi” trung bình ở NV 1 toàn thành phố là 1/1,5; ở trong khu vực nội thành, tỷ lệ “chọi” cá biệt ở một số trường còn lên tới 1/3,5. Đơn cử như Trường THCS và THPT Khương Hạ (Thanh Xuân) có tỷ lệ “chọi” cao nhất năm nay là 1/3,55; Trường THPT Chu Văn An (Tây Hồ) hệ không chuyên có tỷ lệ “chọi” là 1/3,43; tỷ lệ “chọi” vào Trường THPT Kim Liên (Đống Đa) là 1/2,62…

Với áp lực cạnh tranh như thế nên học sinh muốn vào được lớp 10 công lập, nhất là những trường uy tín ở khu vực nội thành thì phải nỗ lực gấp nhiều lần so với bạn bè cùng lớp, cùng khóa. Các em học chính khóa, học thêm ở trường, ở nhà thầy cô hoặc các trung tâm gia sư và phải tranh thủ học, ôn ở nhà trong mọi thời điểm có thể. Nhiều em thể hiện sự mệt mỏi, thiếu ngủ đến phờ phạc trong quá trình ôn thi vào lớp 10, nhiều phụ huynh cũng căng thẳng, lo lắng “mất ăn, mất ngủ” theo con.

 Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, mỗi học sinh được đăng ký 3 NV vào trường công lập, trong đó có 2 trường thuộc khu vực tuyển sinh ở các quận được chỉ định, và một trường ở địa bàn khác. Điểm xét tuyển vào lớp 10 công lập năm nay được tính bằng tổng điểm bài thi môn Toán và điểm bài thi môn Ngữ văn (nhân hệ số 2) cộng điểm bài thi môn Ngoại ngữ, cộng điểm ưu tiên (nếu có). Nếu học sinh trúng tuyển NV1 không được xét NV2, NV3.

Học sinh không trúng tuyển NV1 được xét tuyển NV2 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 1,0 điểm. Học sinh không trúng tuyển NV1, NV2 được xét tuyển NV3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 2,0 điểm. Khi hạ điểm chuẩn, các trường được phép nhận học sinh có NV2, NV3 đủ điều kiện trúng tuyển.

Với mức chênh lệch điểm chuẩn giữa các NV hiện nay, cùng với việc Hà Nội quy định không cho phép học sinh điều chỉnh NV xét tuyển sau khi đã đăng ký, học sinh rất dễ rơi vào nguy cơ trượt hết các NV nếu chiến thuật lựa chọn, đặt thứ tự NV không hợp lý và thiếu một chút may mắn do tỷ lệ “chọi” vào các trường THPT có sự biến động theo từng năm, rất khó lường.

Nhiều phụ huynh đề nghị TP Hà Nội nên xem xét tính đến việc cho học sinh được phép đổi NV sau khi công bố số lượng đăng ký, tỷ lệ “chọi” vào các trường THPT công lập như cách mà TP Hồ Chí Minh đang làm để giảm bớt áp lực, căng thẳng cho học sinh. Ngay cả trong xét tuyển đại học, từ nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT cũng đã đổi mới bằng cách cho phép học sinh được thay đổi, điều chỉnh NV đã đăng ký nhằm tạo thuận lợi hơn các em.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, thành phố cần tiếp tục quan tâm xây dựng, mở rộng thêm trường lớp để đáp ứng đủ chỗ học tập cho học sinh có nhu cầu và nguyện vọng học tiếp lên bậc THPT. Đồng thời chú trọng, làm tốt hơn công tác phân luồng sau THCS theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống trường trung cấp nghề, tạo điều kiện liên thông giữa các bậc học, hệ học để có thể thu hút được những học sinh có năng lực phù hợp, có nguyện vọng học nghề, tham gia thị trường lao động sớm.

Huyền Thanh
.
.
.