Phân bổ nguyện vọng xét tuyển phù hợp để hạn chế rủi ro trượt đại học

Chủ Nhật, 21/07/2024, 07:39

Tại sự kiện “Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2024” do Báo Tuổi trẻ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức ngày 20/7, nhiều thắc mắc, băn khoăn của thí sinh liên quan đến việc đăng ký xét tuyển, sắp xếp thứ tự nguyện vọng như thế nào để tăng cơ hội trúng tuyển vào các ngành yêu thích và giảm nguy cơ trượt đại học đã được các chuyên gia giải đáp.

Một câu hỏi được nhiều thí sinh và phụ huynh quan tâm, đặt ra tại ngày hội tư vấn xét tuyển đại học là nguyện vọng 1 có được ưu tiên hơn các nguyện vọng khác? Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Việc lọc ảo thực chất là sắp xếp nguyện vọng của thí sinh để chỉ xác nhận thí sinh trúng tuyển 1 nguyện vọng trong số các nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển. Thí sinh cần xếp thứ tự các nguyện vọng của mình theo thứ tự ưu tiên, trong đó, nguyện vọng 1 là những ngành học mà thí sinh mong muốn, yêu thích nhất. Nếu thí sinh đỗ nguyện vọng được thí sinh xếp số 1 trên hệ thống thì hệ thống sẽ không xét tiếp, cho dù thí sinh có đủ điều kiện trúng tuyển các nguyện vọng khác.

0a715f1e2571802fd960-1721461910344.jpg -0
Các chuyên gia trong Ban tư vấn tuyển sinh giải đáp nhiều câu hỏi của phụ huynh và học sinh.

Về phía các trường, theo quy định hiện nay không phải các trường ưu tiên nhận hết thí sinh có nguyện vọng 1 rồi mới xét nguyện vọng 2 hay 3… mà sẽ xét công bằng với tất cả các nguyện vọng, thí sinh đủ điều kiện sẽ được xét trúng tuyển. Do đó, kể cả trong xét tuyển sớm, thí sinh không nhất thiết phải xếp các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm lên đầu mà có thể xếp sau nếu đó chưa phải nguyện vọng mình yêu thích nhất.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cũng lưu ý, theo quy định của Bộ GD&ĐT, thời gian đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học kéo dài từ nay đến hết ngày 30/7. Do đó, còn khá nhiều thời gian để thí sinh cân nhắc kỹ, lựa chọn và sắp xếp các nguyện vọng. Điều quan trọng, khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT là thí sinh phải hoàn thành đầy đủ quy trình từ đầu đến hết và bấm vào nút kết thúc để hệ thống ghi nhận tất cả những nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký (kể cả khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển). Đồng thời, thí sinh cần rà soát kỹ lưỡng các điều kiện, thông tin về khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên (nếu có) để có thể chỉnh sửa, hoàn thiện nếu còn sai sót.

Để giúp thí sinh trúng tuyển được ngành yêu thích nhất, phù hợp nhất với năng lực của mình, hệ thống xét tuyển chung của Bộ cho phép các em đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng, không giới hạn số lần điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển. Khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh chỉ cần đăng ký vào ngành/chương trình đào tạo của trường mong muốn xét tuyển, không cần đăng ký phương thức hay tổ hợp xét tuyển. Tuy nhiên, thí sinh cũng không nên đặt quá nhiều nguyện vọng không cần thiết, gây tốn kém, lãng phí. Thay vào đó, các emnên cân nhắc, phân bổ số nguyện vọng phù hợp, bao gồm cả các ngành mình yêu thích và các ngành có cơ hội đậu cao để hạn chế rủi ro trượt tất cả các nguyện vọng.

Với các thí sinh đã trúng tuyển sớm, bà Thủy lưu ý các em không được chủ quan vì đây chưa phải kết quả trúng tuyển chính thức. Thí sinh phải đăng ký nguyện vọng trúng tuyển sớm lên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT, khi đó nguyện vọng mới có giá trị. Các năm trước đã có trường hợp có bạn đã trúng tuyển sớm và ung dung coi như đã trúng tuyển chính thức, không quan tâm đến các quy trình đăng ký nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển chung, và cuối cùng không đăng ký một nguyện vọng nào trên hệ thống và do vậy trượt đại học rất đáng tiếc.

Huyền Thanh
.
.
.