Nỗ lực ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường

Thứ Năm, 31/03/2022, 08:48

Thời gian gần đây, tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế liên tiếp xuất hiện nhiều vụ việc nữ sinh đánh nhau xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong học tập, cuộc sống. Ngoài ảnh hưởng về thể chất, sức khỏe, nhiều học sinh sau khi được chăm sóc, điều trị tại bệnh viện đều có tâm lý không muốn quay trở lại trường học do hoang mang và lo sợ bị bạn đánh.

Vụ bạo lực học đường mới đây xảy ra giữa 2 nữ sinh Trường THPT Hương Trà (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế). Ngày 6/3, em N. (SN 2006), học sinh lớp 10, Trường THPT Hương Trà, nhận được tin nhắn của bạn cùng trường là T. hẹn gặp nhau ở công viên Tứ Hạ để nói chuyện. Khi em N. đến thì bất ngờ bị T. lao vào đánh tới tấp bằng mũ bảo hiểm. Trưa hôm sau, trên đường đi học về, em N. tiếp tục bị T. cùng nhóm bạn chặn đường, dùng mũ bảo hiểm đánh làm bị thương vùng đầu, chảy máu. N. về nhà trong tình trạng choáng váng, khóc do sợ hãi nên ngất lịm và được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà cấp cứu. Sau đó, nữ sinh này được chuyển tuyến lên Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 trong tình trạng chấn thương sọ não để theo dõi, điều trị.

Thầy giáo Lê Thân, Hiệu trưởng Trường THPT Hương Trà cho biết, sau gần nửa tháng điều trị chấn động não, hiện em N. đã xuất viện về nhà. Ban Giám hiệu nhà trường đã đến nhà nữ sinh này nắm bắt sự việc và động viên em đi học trở lại nhưng em N. còn sợ hãi, lo lắng và có tâm lý không muốn đến trường vì sợ bạn đánh.

“Vụ việc học sinh dùng mũ bảo hiểm đánh bạn nữ cùng khối lớp xảy ra ngoài khuôn viên nhà trường, vào thời điểm tổ chức dạy học trực tuyến. Hiện Công an thị xã Hương Trà cũng đã gửi giấy mời đến phụ huynh của 2 nữ sinh để phối hợp cùng Ban Giám hiệu nhà trường tiếp tục xác minh, làm rõ vụ việc nhằm có biện pháp xử lý”, thầy giáo Lê Thân nói.

Tương tự, vào giữa tháng 3/2022, 2 nữ sinh T. (lớp 7/5) và Q. (lớp 9/5), cùng học Trường THCS Nguyễn Chí Diểu (TP Huế) mâu thuẫn trên mạng xã hội và hẹn nhau đến khu quy hoạch Bàu Vá (phường Đúc, TP Huế) làm hòa. Tuy nhiên tại đây, khi thấy các bạn đi cùng xúi giục nên 2 nữ sinh đã xông vào đánh nhau và được một số học sinh quay clip. Ngay sau vụ việc xảy ra, nhà trường mời phụ huynh 2 học sinh lên làm việc để phối hợp giáo dục, cam kết quản lý con tốt hơn trong thời gian ở nhà và ngày nghỉ. Cả 2 nữ sinh viết bản kiểm điểm, nhận thức được việc làm sai trái, nhận khuyết điểm và hứa không tái phạm.

1.jpg -0
Cơ quan Công an tăng cường tuyên truyền pháp luật trong trường học. Ảnh minh họa: CTV.

Trước đó, qua xác minh, Công an thị xã Hương Thủy cũng đã làm rõ nhóm học sinh gồm B.T. (học sinh lớp 8 của 1 trường ở TP Huế) và 3 nữ sinh đều học cấp 2 ở thị xã Hương Thủy đánh hội đồng, lột áo em T.N. (học sinh lớp 7), sau đó quay clip và phát tán lên mạng xã hội Facebook. Điều đáng nói, trong lúc em N. bị đánh thì một nhóm học sinh đứng xem, cổ vũ nhưng không can ngăn…

Trước việc xuất hiện nhiều trường hợp nữ sinh đánh nhau, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế thừa nhận, dù Sở đã có nhiều chỉ đạo, thực hiện các giải pháp liên quan để ngăn chặn bạo lực học đường nhưng hiệu quả vẫn chưa triệt để. Thời gian tới, Sở sẽ tổ chức Hội nghị liên ngành với sự tham gia giữa Đoàn Thanh niên, ngành Giáo dục, Công an, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Bảo vệ quyền trẻ em và chính quyền các địa phương nhằm tìm ra các biện pháp ngăn ngừa bạo lực học đường, phối hợp giáo dục học sinh hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, theo ông Tân, để hạn chế bạo lực học đường, quan trọng nhất vẫn là Ban Giám hiệu nhà trường và các tổ chức trong mỗi nhà trường cần theo sát diễn biến học sinh hàng ngày tại trường để có các biện pháp phòng ngừa từ xa. Qua đó có thể phát hiện sớm việc mâu thuẫn của học sinh xuất phát từ sinh hoạt trên lớp hoặc mâu thuẫn trên mạng xã hội Facebook để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Qua trao đổi TS. Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) cho biết: Tuổi dậy thì là giai đoạn phát triển khá mạnh mẽ, có nhiều thay đổi bất ngờ, các em luôn bị tác động và chi phối bởi nhiều yếu tố. Do vậy, nhà trường cần phát huy hiệu quả trong công tác hỗ trợ, tư vấn. Giáo viên, nhà trường và cha mẹ cần quan tâm nhiều đến các em hơn, sớm nắm bắt các biểu hiện tâm lý bất thường, động viên chia sẻ, tạo cho các em một không gian của sự yêu thương, gắn kết. Bên cạnh đó, cần cho các em học sinh tham gia nhiều hoạt động có ý nghĩa như chương trình thiện nguyện, câu lạc bộ văn hoá nghệ thuật, các hoạt động thể dục thể thao để các em được trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống và có tinh thần trách nhiệm. Cần phải có sự phối kết hợp chặt chẽ trong công tác giáo dục của nhà trường, gia đìnhvà xã hội.

Đặc biệt, phải luôn giữ kênh kết nối này trong suốt quá trình học sinh học tập. Và trên hết, các bậc phụ huynh, giáo viên và nhà trường cần phải kịp thời hỗ trợ về mặt tâm lý để giúp các em là nạn nhân của tình trạng bạo lực học đường vượt qua những sang chấn tâm lý để các em có thể sớm quay trở lại trường học.

Anh Khoa
.
.
.