Nhức nhối nạn bạo lực học đường

Thứ Tư, 31/03/2021, 06:25
Trên địa bàn tỉnh Bình Phước, thời gian qua xảy ra các vụ bạo lực học đường, nhiều vụ đánh nhau giữa các học sinh, thậm chí cố tình tước đoạt mạng sống của bạn. Có thể nói đây là vấn đề nhức nhối, gây bất an đối với phụ huynh học sinh, gây bức xúc trong dư luận xã hội.


Khoảng 11h30 ngày 23/3, Nguyễn Trùng Khánh, học sinh lớp 11 Trường THPT Đăk Ơ  bị nhóm học sinh của trường, trong đó có Nguyễn Thành Luân chặn đường đánh. Bị đánh đau, Khánh về nhà kể sự việc với cậu là Nguyễn Hữu Hùng. Sau đó, Hùng và Bùi Văn Nam (22 tuổi, ngụ huyện Bù Gia Mập) cùng 2 người khác rủ nhau đi tìm Luân để đánh trả thù. Khi gặp nhau ở gần nhà văn hoá thôn 3, xã Đăk Ơ, Mai Tiến Thành (18 tuổi, ngụ huyện Bù Gia Mập, học sinh Trường THPT Đăk Ơ) trong nhóm của Luân đã dùng dao chém nhiều nhát vào cổ và tay của Nam khiến nạn nhân tử vong. Ngày sau đó, Thành đã bị cơ quan Công an bắt giữ để điều tra.

Công an tỉnh Bình Phước tuyên truyền phòng, chống tội phạm và bạo lực học đường.

Trước đó, khoảng 17h ngày 12/11/2020, sau khi tan học, em Nguyễn Thời Duy (18 tuổi, ngụ huyện Phú Riềng), học sinh lớp 12 Trường THPT Phước Long cùng các bạn đi ra theo đường cổng sau của trường để về nhà. Khi ra đến đường, nhóm của Nguyễn Thành Vinh, Phạm Hồng Thái và Chu Văn Tiên (cùng 17 tuổi, ngụ phường Long Thủy, thị xã Phước Long) chặn lại kêu Duy ra khu vực gần đó để “nói chuyện”. Nhóm Vinh, Thái, Tiên đánh Duy và chỉ dừng lại khi có nhiều bạn học chạy đến can ngăn.

Sau khi về nhà, Duy kêu chóng mặt và ói liên tục nên gia đình đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, đến 22h30 cùng ngày, Duy đã tử vong. Ngay sau biết tin Duy tử vong, các đối tượng trên bỏ trốn địa phương, đến chiều 14/11, cả 3 đã ra cơ quan Công an đầu thú.

Còn chiều 21/3/2021, tại huyện Lộc Ninh xảy ra vụ đánh nhau giữa hai nhóm học sinh nữ, nạn nhân là em N.Q.A. Vụ đánh nhau được quay video và tung lên mạng xã hội, gây bức dư luận.Vào cuộc xác minh, Công an huyện Lộc Ninh xác định, N.Q.A cùng bạn là N.T.K.A. (cùng 16 tuổi và ngụ huyện Lộc Ninh) có mâu thuẫn trong lúc nhắn tin trên Facebook với H.Y.V. (16 tuổi, ngụ huyện Lộc Ninh), đang là học sinh tại Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Lộc Ninh nên đã hẹn đánh nhau…

Trước tình hình trên địa bàn xảy ra một số trường hợp học sinh đánh nhau gây ảnh hưởng xấu trong dư luận, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước có công văn khẩn yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống bạo lực học đường.

Theo ông Lý Thanh Tâm, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước, Sở đã chỉ đạo tăng cường các biện pháp nhằm giáo dục đạo đức, nâng cao nhận thức cho học sinh thông qua các buổi sinh hoạt đầu giờ, sinh hoạt ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống; tích cực nêu gương người tốt, việc tốt, những tấm gương điển hình để học sinh học tập noi theo. Đồng thời, nhà trường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh nhằm tăng cường quản lý, theo dõi và nắm bắt, xử lý kịp thời những biểu hiện vi phạm bạo lực học đường.

Anh Nguyễn Duy Long ở TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước bức xúc: “Bạo lực học đường càng lúc làm hoang mang cho phụ huynh học sinh và học sinh. Theo tôi, gia đình nên quan tâm đến con mình, nhà trường giáo dục cho các em kỹ năng sống và nếu vi phạm nên có biện pháp nặng mới răn đe làm gương. Bên cạnh đó, tôi thấy giới trẻ ảnh hưởng bởi phim quá nhiều, bạo lực, đánh ghen, thanh toán lẫn nhau... cơ quan quản lý cần phải có biện pháp mạnh xử lý nghiêm”.

Ông Hà Anh Dũng, Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh Bình Phước cho biết qua khảo sát các cơ sở giáo dục đã xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học; triển khai hộp thư góp ý nhằm tạo điều kiện cho việc thông tin, tố giác các hành vi bạo lực học đường; nhiều trường học đã thành lập tổ xung kích giữ gìn an ninh trật tự để giữ gìn trật tự trước và sau giờ học… Tuy nhiên,tình trạng bạo lực học đường vẫn xảy ra ở một số địa bàn, gây bức xúc dư luận.

Ông Dũng nhấn mạnh các trường cần tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho học sinh; chủ động phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại và phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý. Đồng thời, chú trọng các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường, nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và nói không với bạo lực học đường, kể cả bạo lực học đường trên không gian mạng.

Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng bạo lực học đường là do sự chuyển biến về tâm lý của lứa tuổi học sinh. Ở giai đoạn này là quá trình hình thành nhân cách ở lứa tuổi dậy thì, cùng với đó là tâm lý không ổn định và cái tôi cá nhân rất cao, thích thể hiện nên chỉ cần những tác động, kích thích xấu từ bạn bè, xã hội cũng khiến các em phản ứng mạnh mẽ, dẫn đến nhiều vụ bạo lực học đường.

Sự giáo dục chưa đúng đắn từ gia đình, cha mẹ thường quát mắng, đánh đập con cái, bạo hành gia đình ngay trước mặt con trẻ... Chính những hành động này của cha mẹ ảnh hưởng xấu đến tính cách con trẻ sau này. Những hình ảnh bạo lực cũng được phát tán công khai trên mạng xã hội, các em dễ dàng xem và học theo, làm theo, tác động mạnh mẽ tới sự hình thành và phát triển nhân cách của các em.

Còn bản thân các em học sinh, cần tự giác rèn luyện đạo đức, trau dồi kỹ năng sống, chấp hành nghiêm pháp luật. Đối với một số học sinh cá biệt, cần có sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường để uốn nắn, điều hướng các em vào phong trào của lớp, tránh sự phân biệt đối xử.

“Để giảm thiểu tình trạng này, phụ huynh không nên khoán trắng vai trò dạy dỗ con cái cho nhà trường, mà cần phải gần gũi, động viên, chia sẻ cùng con; quan tâm tới các mối quan hệ bạn bè của con, cha mẹ hãy là những người bạn đối với con”, luật sư Nữ chia sẻ.

Nguyễn Cảnh
.
.
.