Nhà báo Phan Đăng: Thích ứng là cách duy nhất để phát triển

Thứ Năm, 26/05/2022, 21:09

Nhà báo Phan Đăng và LS Nguyễn Quỳnh Anh đã chia sẻ các câu chuyện, trải nghiệm cá nhân để giúp các bạn sinh viên rút ra những kinh nghiệm quý cho bản thân, để mỗi bạn có thể khám phá điểm mạnh và điểm yếu của mình, từ đó nâng cao kĩ năng xã hội.

Chiều 26/5, Luật sư Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam và nhà báo Phan Đăng, Thư ký tòa soạn Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng – Cuối tháng của Báo CAND đã trò chuyện với sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch và Thương mại Hà Nội về chủ đề “Kỹ năng – Thái độ quyết định thành công”.

untitled.png -0
Các vị khách mời chia sẻ cùng các bạn sinh viên.

Các diễn giả đã chia sẻ nhiều câu chuyện, cũng như những trải nghiệm cá nhân, từ đó các sinh viên có thể rút ra những kinh nghiệm quý, để mỗi bạn có thể tìm hiểu được điểm mạnh và điểm yếu của mình, từ đó nâng cao kĩ năng giao tiếp cơ bản, tìm được sự tự tin.

Theo LS Nguyễn Quỳnh Anh, để có sự thành công và chuyên nghiệp, mỗi người cần tổng hợp nhiều kỹ năng, mà trước tiên muốn thành công, phải có thái độ nghiêm túc, thuần thục trong công việc; nghiêm túc trong việc thực hiện giờ giấc, và tôn trọng cộng sự, đối tác.

LS Nguyễn Quỳnh Anh đánh giá, kỹ năng làm việc theo nhóm (teamworks) là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Vị diễn giả cho rằng các bạn sinh viên cần trau dồi khả năng quan sát, phân tích, nhất là khi làm việc nhóm, lắng nghe, phản biện, chấp nhận.

Với nhà báo Phan Đăng, ngoài các kỹ năng mềm như giao tiếp, thái độ nghiêm túc với công việc, khả năng ứng biến, anh cũng nhấn mạnh kỹ năng sinh tồn, khả năng thích ứng với các môi trường khác nhau, các nhóm làm việc khác nhau, trong điều kiện khí hậu, thời tiết bất kỳ.

“Năng lực thích nghi các kiểu môi trường, không gian chứa đựng cuộc giao tiếp đó tồn tại. Chúng ta có bị quá choáng ngợp ở một không gian như nhà hát, khách sạn sang trọng nào đó. Năng lực đối diện, thích ứng với mọi đối tượng giáo tiếp, khi giao tiếp thì nói thế nào để kết thúc hợp lý”, anh nói thêm.

Thư ký tòa soạn Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng – Cuối tháng cũng đưa ra lời khuyên với các bạn sinh viên về việc nên mở lời chào trong bao lâu, kết thúc như thế nào, ngoài ra còn phải biết lắng nghe để chia sẻ, cũng như để cố gắng đưa ra giải pháp.

Chia sẻ thêm với các bạn sinh viên, nhà báo Phan Đăng đề cao khả năng ứng biến với các biến động lớn, chẳng hạn như đại dịch COVID toàn cầu, dẫn đến biến động cá nhân như mất việc, mất người thân…

Anh đưa ra 10 cách ứng xử với biến động theo một nghiên cứu, trong đó có kỹ năng lập hàng rào. Đó là “những thứ trong hàng rào sẽ được giữ lại, những gì phía ngoài hàng rào sẽ được bỏ trôi, chứ không bị hoàn toàn xóa sổ mọi thứ như xóa một bàn cờ”.

Trước sự phát triển như vũ báo của không gian số, nhà báo Phan Đăng cũng nhấn mạnh đến khả năng thích ứng trên môi trường số, trên các mạng xã hội, làm sao để có cái nhìn đúng đắn, sự nhận thức chuẩn chỉnh và sự tiếp nhận cũng như kiểm chứng thông tin, để không bị rơi vào cái bẫy tin giả, vốn vẫn đang luôn tồn tại trên không gian mạng.

"Chúng ta đang ở trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa, với mỗi cá nhân đều phải nên thích ứng; còn nếu không thích ứng được thì cũng không thể phát triển", anh nói.

Dẫn chương trình, nhà văn Di Li, chị cũng là giảng viên khoa Ngoại ngữ, Trường cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, đánh giá, các kỹ năng có quan hệ biện chứng. Các sinh viên cần sự tự tin, quan sát, thực hành... làm sao để các sinh viên khi ra trường, được hội tủ đầy đủ phẩm chất để làm một con người có ích cho xã hội.

Khánh Linh
.
.
.