Năm học mới vẫn thiếu giáo viên ở hầu hết các địa phương

Thứ Ba, 03/09/2024, 07:31

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cả nước hiện có khoảng 1,6 triệu nhà giáo. Năm học 2023-2024, toàn ngành đã tuyển dụng được 19.474 giáo viên, tuy nhiên số học sinh không ngừng tăng dẫn đến số lớp tăng khiến cho tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được giải quyết.

Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, năm học 2024-2025, số giáo viên còn thiếu so với năm học 2023 - 2024 tăng 19.856 giáo viên mầm non và phổ thông. Nguyên nhân chính do số học sinh mầm non tăng 2.327 nhóm lớp, phổ thông tăng 7.150 lớp.

4-giao-vien-1.jpg -0
Cần nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. (Ảnh minh họa).

Ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, năm học 2023-2024, tỉnh còn thiếu khá nhiều giáo viên so với định mức quy định; thiếu nguồn tuyển giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Đội ngũ giáo viên của Điện Biên còn có biến động khá lớn sau khi kết thúc năm học do giáo viên chuyển công tác về miền xuôi. Thiếu giáo viên gây áp lực khá lớn đối với các thầy cô do phải dạy tăng giờ, dạy liên cấp, liên trường. Từ thực trạng trên, lãnh đạo tỉnh Điện Biên đề nghị Bộ GD&ĐT tham mưu chính sách không thực hiện cắt giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước đối với các tỉnh còn nhiều khó khăn, không có khả năng thành lập các trường ngoài công lập như tỉnh Điện Biên và bố trí đủ giáo viên hưởng lương từ ngân sách theo định mức đối với các tỉnh này.

Cùng với đó, cần giao tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên các môn chuyên biệt như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật và giáo viên tiểu học cho các cơ sở đào tạo giáo viên để đáp ứng nhu cầu nguồn tuyển giáo viên cho các địa phương; áp dụng chính sách thu hút giáo viên trong toàn bộ thời gian công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hợp đồng không thời hạn đối với giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn từ 10 năm trở lên; hỗ trợ giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, như tiền thuê nhà, tiền đi lại đối với giáo viên dạy tại các điểm bản; tiền trực trưa; quan tâm đầu tư xây dựng nhà công vụ cho giáo viên.

Không chỉ là vấn đề của các địa phương miền núi, vùng khó mà thực trạng thiếu giáo viên cũng đang diễn ra ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nơi đô thị hóa diễn ra nhanh với sự gia tăng dân số chóng mặt tại các quận nội thành. Để đảm bảo học sinh có đủ chỗ học trong năm học 2023-2024, Hà Nội đã xây dựng thêm 39 trường mầm non, phổ thông công lập mới và đưa vào hoạt động với quy mô 554 lớp học và 19.350 em. Việc thành lập thêm các trường cũng đồng nghĩa với tình trạng thiếu biên chế giáo viên. Tính theo định mức do Bộ GD&ĐT quy định thì Hà Nội thực tế đang thiếu khoảng 16.000 giáo viên, trong đó, riêng năm học 2023-2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2024-2025 do Bộ GD&ĐT tổ chức, bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT có những định mức, quy định về biên chế giáo viên phù hợp với các địa phương đặc thù, có số lượng, quy mô giáo dục, đào tạo lớn do nhu cầu tuyển dụng, sử dụng giáo viên cao như TP Hà Nội.

4-giao-vien-2.jpg -0
Cần nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Trong năm học vừa qua, tình trạng thừa - thiếu giáo viên đã từng bước được khắc phục. Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ bổ sung 27.826 biên chế cho năm học 2023-2024; trên cơ sở đó, các địa phương đã tổ chức tuyển dụng được 19.474 giáo viên. Bộ GD&ĐT cũng đã trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học. Đến nay, đội ngũ nhà giáo đã được phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu.

Tính đến hết năm học 2023-2024, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.251.377 người (tăng 17.253 giáo viên so với năm học 2022-2023) và 99.412 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (giảm 723 cán bộ quản lý so với năm học 2022-2023). Tuy vậy, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận, tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn tồn tại hầu hết ở các địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học.

Theo Bộ GD&ĐT, nguyên nhân thiếu giáo viên chủ yếu là do sức hút vào ngành còn hạn chế; tình trạng giáo viên nghỉ việc vẫn còn cao; nguồn tuyển giáo viên một số môn học đặc thù còn thiếu. Bên cạnh đó, số lớp học tăng do số lượng học sinh tăng dẫn đến nhu cầu giáo viên tăng; công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên từ cấp chiến lược đến các địa phương chưa sát, không theo kịp thực tế; biến động dân số, dịch chuyển lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật… Ngoài ra, việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm. Hiện vẫn còn khoảng 72.000 biên chế được giao chưa tuyển dụng.

Chia sẻ với PV Báo CAND về những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trong năm học mới 2024-2025, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương tuyển hết số chỉ tiêu, đặt hàng đào tạo giáo viên; các trường đại học tích cực tổ chức đào tạo gắn với các môn học mới, giáo viên dạy tiếng dân tộc. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nâng cao vị thế của nhà giáo, trong đó có Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội tạo hành lang pháp lý cho việc ban hành các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, tôn vinh, khen thưởng... và trao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong việc tuyển dụng, điều động, bố trí giáo viên.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu cấp có thẩm quyền phân bổ số chỉ tiêu biên chế còn lại theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị; quyết liệt đôn đốc các địa phương tuyển hết số biên chế được giao từ các năm trước và giao bổ sung; đề nghị các địa phương trong phạm vi thẩm quyền và điều kiện cụ thể về kinh tế - xã hội, có các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ giáo viên của địa phương, tạo niềm tin và sự an tâm cho giáo viên trong quá trình công tác.

Huyền Thanh
.
.
.