Đảm bảo đủ biên chế cho các địa phương đang thiếu giáo viên dạy chương trình mới

Thứ Bảy, 07/01/2023, 08:53

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý trong Báo cáo kết quả, tồn tại, hạn chế và giải pháp triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) mới ban hành năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Theo Bộ GD&ĐT, đến nay, chương trình GDPT 2018 đã được triển khai đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, đồng bộ ở tất cả các đại phương, vùng, miền. Bên cạnh các kết quả đạt được, việc triển khai cũng còn tồn tại, hạn chế như việc ban hành chương trình các môn học tự chọn tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2 (môn học tự chọn) và chương trình các môn Ngoại ngữ 1 ngoài Tiếng Anh chậm so với các môn học khác. Đội ngũ giáo viên còn chưa đồng bộ về cơ cấu đối với cấp THCS, THPT, nhất là khi triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 có một số môn học mới. Số lượng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục còn thừa thiếu cục bộ; đồng thời còn thiếu so với quy định, đặc biệt là cấp tiểu học và môn Âm nhạc, môn Mỹ thuật ở cấp THPT. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...

Đảm bảo đủ biên chế cho các địa phương đang thiếu giáo viên dạy chương trình mới -0
Bộ GD-ĐT yêu cầu ưu tiên biên chế để tuyển dụng GV cho những môn học mới. Ảnh: Đức Nhật

Để việc triển khai chương trình GDPT mới đảm bảo hiệu quả, chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tiếp tục tham mưu với Trung ương Đảng, Quốc hội và ban hành theo thẩm quyền chính sách nhằm quan tâm tới tính đặc thù của công chức; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức và tinh giản biên chế đối với công chức, viên chức ngành Giáo dục; bảo đảm đủ biên chế cho các địa phương đang thiếu giáo viên. Bố trí các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ các địa phương khó khăn thực hiện đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, đáp ứng việc thực hiện chương trình GDPT mới. Xem xét đưa các dự án, nhiệm vụ liên quan đến ngành giáo dục vào nhóm ưu tiên hàng đầu khi xây dựng nguyên tắc, tiêu chí phân bổ hạn mức kế hoạch vốn, trong đó ưu tiên mua sắm trang thiết bị dạy học, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường học, các công trình phụ trợ thiết yếu phục vụ điều kiện dạy và học để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất thực hiện Chương trình GDPT 2018. Cùng với đó, ban hành chính sách đặc thù cho giáo dục về kinh phí chi thường xuyên để bảo đảm điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục.

Huyền Thanh
.
.
.