Linh hoạt tổ chức dạy học đáp ứng nhu cầu của học sinh trong điều kiện dịch bệnh

Chủ Nhật, 12/12/2021, 11:00

Sau 1 tuần Hà Nội “mở cửa trường học” cho học sinh lớp 12 đi học trở lại, việc tổ chức dạy học ở các trường THPT trên địa bàn được thực hiện linh hoạt, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của học sinh, phụ huynh.

Bên cạnh việc tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trực tiếp, các trường còn linh hoạt tổ chức dạy học để đảm bảo quyền lợi cho nhóm học sinh vì nhiều lý do khác nhau chưa thể tới trường học trực tiếp.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT đến ngày 9/12, toàn thành phố Hà Nội đã có 64.000 học sinh khối lớp 9 và 12 đi học an toàn. Trong đó, tỷ lệ học sinh lớp 12 đi học trực tiếp tại các cụm trường THPT như Cầu Giấy, Thanh Xuân đạt tỷ lệ cao với 94,16%; quận Ba Đình, Tây Hồ đạt 88,45%; huyện Chương Mỹ, Thanh Oai đạt 96,10%; Phú Xuyên, Thường Tín đạt 93,7%; Đông Anh đạt tỷ lệ 92,6%...

Các cụm Trường THPT có tỷ lệ học sinh lớp 12 đến trường thấp hơn là Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa với khoảng 77, 96%-78,4%... Tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp tại các huyện, thị xã thuộc khu vực ngoại thành cao, nhiều trường lên tới 100%, trong khi đó, tỷ lệ này ở một số trường thuộc các quận nội thành thấp hơn do một bộ phận phụ huynh vẫn còn tâm lý chưa hoàn toàn yên tâm cho con tới trường khi số ca nhiễm trên địa bàn TP Hà Nội hàng ngày tăng cao.

Linh hoạt tổ chức dạy học đáp ứng nhu cầu của học sinh trong điều kiện dịch bệnh -0
Tỷ lệ học sinh lớp 12 đến lớp học trực tiếp có sự khác biệt giữa các quận, huyện trên địa bàn.                      Ảnh minh hoạ.     

Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa) cho biết: Khi thành phố cho phép mở cửa đón học sinh khối 12 đi học lại, nhà trường thường xuyên trao đổi với phụ huynh để nắm được thông tin cùng các biện pháp phòng dịch tại trường. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh đến trường học trực tiếp mới chỉ chiếm khoảng 80%.

Nguyên nhân là do một bộ phận phụ huynh vẫn có tâm lý lo ngại trước tình hình dịch tại Hà Nội còn phức tạp nên chưa cho con đến lớp. Nhà trường luôn quán triệt tới giáo viên chủ nhiệm các lớp cần tiếp tục tuyên truyền tới phụ huynh, học sinh về các giải pháp của trường trong công tác phòng chống dịch. Các em đang học cuối cấp nên thời gian này cần tận dụng tối đa các giờ lên lớp để học trực tiếp với thầy cô. Hiệu quả của học trực tuyến không thể bằng được học trực tiếp. Nhà trường luôn sẵn sàng các phương án để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Do vẫn còn một tỷ lệ nhất định học sinh chưa đến lớp học trực tiếp nên các trường THPT trên địa bàn đều tổ chức dạy học linh hoạt, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của tất cả học sinh trong điều kiện dịch bệnh. Đối với các học sinh không thể đến trường do dịch bệnh (học sinh là FO, F1, F2 trong khu vực phong toả, học sinh bị ốm đau) hoặc học sinh chưa sẵn sàng đến trường do bố mẹ chưa yên tâm, nhà trường đều giao giáo viên chủ nhiệm rà soát, xem xét, lên danh sách để học sinh được bố trí học trực tuyến trên cơ sở quyền lợi học tập của các em cũng được đảm bảo đầy đủ như các học sinh khác.

Tại trường THPT Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng), mặc dù do dịch bệnh trên địa bàn phức tạp, số lượng học sinh đến trường học trực tiếp rất ít, cá biệt ngày 9/12 chỉ có duy nhất 1 học sinh. Tuy nhiên, nhà trường vẫn kiên trì với mục tiêu dạy học linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của học sinh, dù chỉ có 1-2 em đến lớp, nhà trường vẫn tổ chức dạy học trực tiếp cho các em. Tại một số trường THPT ngoài công lập chất lượng cao như Marie Curie, Lương Thế Vinh, Nguyễn Siêu… cũng linh hoạt chưa “mở cửa” lại trường học do chưa nhận được sự đồng thuận và yên tâm của phụ huynh học sinh trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. 

Linh hoạt tổ chức dạy học đáp ứng nhu cầu của học sinh trong điều kiện dịch bệnh -0

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, tại một số trường THPT, tỷ lệ học sinh đến lớp học trực tiếp chưa cao là do một bộ phận cha mẹ học sinh còn tâm lý e ngại nên không dám cho con trở lại trường. Theo ông Tiến, Sở GD&ĐT Hà Nội đánh giá rất cao các trường dù có rất ít học sinh đi học nhưng vẫn tổ chức dạy học trực tiếp và linh hoạt các hình thức để đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh trong bối cảnh dịch bệnh.

Riêng đối với các trường có tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp chưa cao hoặc dựa trên ý kiến của phụ huynh chưa tổ chức dạy học trực tiếp, lãnh đạo nhà trường một mặt cần tăng cường công tác tuyên truyền tới phụ huynh về công tác phòng, chống dịch của nhà trường để giúp họ yên tâm; mặt khác phải giúp gia đình và học sinh hiểu giá trị của việc đi học trực tiếp.

“Khi UBND TP Hà Nội đã quyết định cho học sinh trở lại trường thì các cơ sở giáo dục cần thực hiện nghiêm túc và đáp ứng nhu cầu được đến trường của học sinh, dù ở đâu đó số lượng này là rất nhỏ. Thực tế cho thấy, hiệu quả của việc đi học trực tiếp cũng như công tác phòng dịch nghiêm túc ở trường sẽ lan tỏa và giúp thay đổi quan điểm đối với những phụ huynh và học sinh còn e ngại” - ông Tiến chia sẻ.

Huyền Thanh
.
.
.