Làm gì để tăng động lực, giảm áp lực cho đội ngũ giáo viên?
Giáo viên là những người có tác động quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nhân cách, tâm sinh lý của học sinh. Nếu giáo viên có tình trạng sức khỏe tinh thần (SKTT) tốt, có thái độ, nhận thức và năng lực tốt sẽ tạo ra những thế hệ học trò hạnh phúc. Tuy vậy, với áp lực lớn từ nhiều phía, giáo viên đã và đang trở thành đối tượng có nguy cơ tổn thương SKTT, cần được “chữa lành”. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng các giải pháp nhằm tăng động lực, giảm áp lực cho đội ngũ nhà giáo cần được xem là yêu cầu cấp thiết.
Gia tăng tỷ lệ giáo viên có nguy cơ tổn thương sức khoẻ tinh thần
Trong báo cáo “Tổn thương sức khỏe tâm thần sau đại dịch và những thách thức của hệ thống chăm sóc SKTT”, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội đã nêu bức tranh thực trạng tổn thương SKTT của giáo viên (GV) trong các nghiên cứu khảo sát trên thế giới và Việt Nam.
Các khảo sát của CDC, Hoa Kỳ cho thấy, 52% giáo viên báo cáo rằng sức khỏe tâm thần của họ suy giảm sau đại dịch COVID-19. Có khoảng 27% giáo viên sàng lọc bằng trầm cảm bằng thang PHQ-9 đáp ứng trầm cảm. Khảo sát này cũng cho thấy khoảng 53% giáo viên nghĩ nhiều hơn đến việc rời khỏi vị trí công tác so với trước đại dịch.
Tương tự, ở Việt Nam trong một nghiên cứu khảo sát tình trạng SKTT của giáo viên THCS tại Quảng Trị, Huế và TP Hồ Chí Minh cho thấy, có 41,1% số giáo viên bắt đầu có những dấu hiệu đáng lưu ý, 22% giáo viên có nguy cơ tổn thương SKTT cao và khoảng 6,1% giáo viên có SKTT không tốt. Trong đó, hầu hết mọi người không nghĩ đến việc tìm kiếm sự giúp đỡ và một số người muốn tìm kiếm sự giúp đỡ thì lại không tiếp cận được các dịch vụ cần thiết.
PGS.TS Trần Thành Nam cũng điểm qua một số nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này bao gồm quá tải về các nhiệm vụ công việc, không cảm thấy được ghi nhận với các nhiệm vụ đã hoàn thành; không cân bằng được giữa thời gian dành cho cuộc sống và công việc. Ngoài ra, có nhiều nguyên nhân khác như phải thực hiện các nhiệm vụ giấy tờ không cần thiết, phải thu thập quá nhiều số liệu phục vụ công tác quản trị; những yêu cầu không hợp lý từ các cấp quản lý, thiếu các thiết bị hỗ trợ làm việc; những hành vi không thân thiện từ học sinh và phụ huynh; sự thay đổi quá nhanh về yêu cầu đổi mới và đòi hỏi về năng lực mới.
Cũng theo PGS.TS Trần Thành Nam, nguyên nhân dẫn đến việc giáo viên thường không chia sẻ và tìm kiếm sự hỗ trợ về sức khỏe tâm thần là vì còn nhiều thành kiến về vấn đề này. Giáo viên thường tự cho mình ở vị trí phải giáo dục người khác vượt qua những khó khăn về tâm lý nên thể hiện lo lắng là một biểu hiện của sự thiếu năng lực, kém cỏi và yếu đuối; vấn đề trầm cảm là thiếu ý chí, thể hiện sự lười nhác. Nhiều giáo viên vẫn tin rằng cách để chữa bệnh tâm lý chỉ là ăn uống nghỉ ngơi, bổ sung vitamin, đi ra ngoài chơi là khỏi bệnh.
Từ thực tế trên, PGS.TS Trần Thành Nam đề xuất cần có các giải pháp nhằm "chữa lành" những tổn thương cho đội ngũ nhà giáo bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Thành Nam cũng kêu gọi sự hợp tác để xây dựng một hệ thống đánh giá sàng lọc các vấn đề tổn thương SKTT cho giáo viên và học sinh trong toàn hệ thống; phát triển các nhóm hỗ trợ đồng đẳng từ xa, các dịch vụ hỗ trợ chuyên gia trực tuyến; đưa một số nội dung giáo dục nhận thức về SKTT vào nhà trường.
Giảm áp lực cho giáo viên từ nhiều phía
Thời gian qua ngành Giáo dục cũng đã ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường theo hướng loại bỏ những quy định về sổ sách không cần thiết, giúp giáo viên tập trung đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã quyết liệt giảm áp lực cho giáo viên thông qua việc cắt bỏ nhiều cuộc thi không thiết thực đối với học sinh; thay đổi quy định về hội thi giáo viên dạy giỏi để tạo thành hoạt động sinh hoạt chuyên môn; thay đổi quy định về kiểm tra, đánh giá, nhận xét học sinh theo hướng nhẹ nhàng, linh hoạt; đề xuất bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên… Những nỗ lực này đã và đang góp phần giảm bớt áp lực cho đội ngũ nhà giáo.
Mặc dù vậy, các chuyên gia giáo dục cho rằng, giáo viên hiện vẫn phải chịu nhiều áp lực. Trong đó, ngoài các áp lực mang tính chuyên môn, từ phía nhà trường như chất lượng bộ môn, học sinh giỏi, các hội thi dạy giỏi, xử lý học sinh cá biệt, hồ sơ sổ sách, áp lực chứng chỉ thì giáo viên còn phải chịu áp lực đến từ xã hội, đặc biệt là từ phụ huynh học sinh.
Theo PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện quản lý giáo dục, để giảm tải áp lực cho giáo viên, trước hết cơ quan quản lý giáo dục, các nhà trường cần loại bỏ dần những việc, những nội dung hình thức, không thực sự cần thiết để giáo viên có thời gian, tâm sức tập trung vào công tác chuyên môn.
Về phía xã hội, phụ huynh học sinh thay vì săm soi, hãy hướng tới sự hợp tác, cộng tác chân thành với người thầy, luôn ý thức vai trò kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bồi đắp kiến thức, nhân cách cho học sinh trên tinh thần chia sẻ, tôn trọng lẫn nhau.
Ông Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam cũng cho rằng, xây dựng trường học hạnh phúc là giải pháp cơ bản nhất nhằm làm giảm áp lực cho giáo viên. Trong đó, hiệu trưởng là người gieo mầm, là cánh chim đầu đàn, người cầm lái tiên phong của nhà trường.